Thứ Năm, 15 tháng 12, 2011

Sài Gòn sau 36 năm giải phóng

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Sàigòn xưa tức TP.HCM ngày nay đã nhanh chóng khôi phục, phát triển và trở thành một trung tâm công nghiệp, thương mại dịch vụ, khoa học công nghệ lớn của cả nước. Góp phần làm nên những thành tựu đó, ngành GTVT TP có một vai trò hết sức quan trọng.

Khôi phục bằng nội lực

Nhiều người từng có mặt tại TP.HCM trong những ngày đầu mới giải phóng kể lại rằng, hệ thống GTVT TP.HCM những năm sau chiến tranh gần như không có gì. Ngoài một số tuyến đường ở khu vực trung tâm, còn ở các vùng nông thôn chủ yếu vẫn là đường đất. Bằng nội lực của mình, TP.HCM đã tiến hành xây dựng hàng ngàn km đường GTNT. Nhiều con đường cấp phối sỏi đỏ, nhiều cầu dầm thép sàn gỗ nhanh chóng được xây dựng đã đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân vùng sâu, vùng xa.

< Cầu nối giao thông.

Trong số các công trình, đáng chú ý là tuyến đường Nhà Bè - Cần Giờ được hoàn thành năm 1985, xuyên qua Rừng Sác hào hùng.

< Giao thông đổi mới.

Công trình đã kết nối vùng dân cư đã bị cô lập nhiều năm trước với trung tâm TP và là cơ sở cho chiến lược phát triển hướng ra biển của TP hiện nay.

< Lai dắt hầm Thủ Thiêm.

Thời điểm đó, TP.HCM cũng đã thành lập Công xưởng TP trên cơ sở từ Công xưởng Đô Thành của chế độ cũ để bảo trì, sửa chữa ôtô.

< Nút giao thông Thủ Đức.

Đến năm 1983, Công xưởng này đã bắt đầu tiến hành sản xuất một số loại phụ tùng ôtô. Đây chính là tiền đề để phát triển công nghiệp sửa chữa, lắp ráp, đóng mới các loại ôtô của TCT Cơ khí GTVT Sài Gòn (SAMCO) hiện nay.

< Kênh Nhiêu Lộc trước đây được che phủ bởi hàng loạt những ngôi nhà "ổ chuột" dọc ven kênh. Sau khi được ngành Giao thông vận tải thành phố tích cực hoàn thành các hạng mục nạo vét nay đã khoác lên mình chiếc áo mới.

Công ty quốc doanh vận tải biển Sài Gòn, cảng Bến Nghé cũng đã được thành lập. Đây là hai đơn vị đầu tiên của cả nước do địa phương quản lý, hoạt động vận tải biển từ những năm 1982 - 1985 và duy trì phát triển cho đến ngày nay.

< TP HCM ngày càng phát triển với nhiều công trình mới, hiện đại. Lấy trung tâm là hồ nước hình bán nguyệt, khu liên hợp Hồ Bán Nguyệt gồm 4 tòa cao ốc 7 tầng và một trung tâm thương mại đạt chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam.

Điều này thể hiện sự năng động, sáng tạo của lãnh đạo TP, của những thế hệ đầu tiên của ngành GTVT TP đã dám nghĩ, biết làm vì sự phát triển chung của TP.

Đột phá bằng chính sách

Giai đoạn 1991 đến 2000 được xem như là bước đột phá ban đầu của TP.HCM trong việc xây dựng các công trình giao thông.

< Thành phố nhìn từ sông Sài Gòn. Những du khách có thể đi tham quan trên thuyền buồm dọc theo tuyến đường sông.

Nhiều tuyến đường đã được nâng cấp mở rộng như: đường Nguyễn Tất Thành, Liên tỉnh lộ 15 huyện Nhà Bè, Liên tỉnh lộ 10 huyện Bình Chánh, tỉnh lộ 6-7-8 huyện Củ Chi, tỉnh lộ 14 huyện Hóc Môn, hương lộ 33 quận Thủ Đức; Xây dựng mới nút giao thông Phú Lâm, Hàng Xanh, cầu Rạch Bàng, cầu Long Kiểng... tạo nên các cửa ngõ giao lưu với các địa phương.

< Kênh Nhiêu Lộc nhìn từ trên cao, uốn khúc nên thơ giữa lòng thành phố. Công trình này đã giúp hàng ngàn hộ dân từ bỏ cuộc sống tạm bợ, mất vệ sinh trên dòng kênh đen để đến nơi ở mới trong lành, tốt đẹp hơn.

10 năm đầu của thế kỷ 21, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của ngành GTVT TP với những công trình, dự án có quy mô lớn như: Đại lộ Nguyễn Văn Linh, Đại lộ Đông - Tây; Đường Rừng Sác - Cần Giờ, trục đường Bắc - Nam... được xây mới. Tiêu biểu là công trình hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn được đánh giá hiện đại và lớn nhất Đông Nam Á...

< Tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh - cầu Thủ Thiêm đã chính thức thông xe từ tháng 1/2010. Đây là công trình tạo điều kiện cho bán đảo Thủ Thiêm trở thành khu đô thị văn minh hiện đại, một trung tâm thương mại tài chính lớn của khu vực.

Điều quan trọng là ngoài vốn ngân sách, TP.HCM đã có nhiều chính sách huy động nguồn vốn trong xã hội để đầu tư các công trình giao thông. Dự án Đại lộ Đông Tây được thực hiện bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản; cầu Phú Mỹ được thực hiện theo hình thức BOT bằng nguồn vốn của DN tư nhân trong nước và vay của một ngân hàng Pháp; Dự án bãi xe ngầm ở công viên Lê Văn Tám cũng được thực hiện theo phương thức BOT của doanh nghiệp trong nước; Dự án đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài được thực hiện theo hình thức BT của DN Hàn Quốc...

< Cùng với hàng loạt nơi khác, chung cư Ngô Gia Tự (quận 10) được xây dựng mới từ nền cao ốc cũ đã xuống cấp.

Chính sự năng động này đã tạo ra cơ chế mở cho các DN tham gia đầu tư vào lĩnh vực giao thông, đồng thời làm thay đổi bộ mặt giao thông TP.

Sài Gòn sẽ đẹp lắm…

Thượng tá Trần Ngọc Soạn - nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 10 đặc công Rừng Sác - trong lần đầu tiên đến thăm hầm vượt Thủ Thiêm đã phải thốt lên rằng: “Nếu cách đây hơn 36 năm, thế hệ chúng tôi đã có những cuộc vượt sông Sài Gòn để chiến đấu giành độc lập, thống nhất đất nước.

< Một góc TP HCM nhìn từ trên cao (Khu vực quảng trường Quách Thị Trang).

Hôm nay, trong thời bình, thế hệ trẻ cũng đã có một cuộc vượt sông Sài Gòn ngoạn mục, để xây dựng nên một đường hầm đồ sộ, lớn nhất Đông Nam Á”.

Thật vậy, những cuộc vượt sông Sài Gòn ngoạn mục của các thế hệ cha ông đi trước đã và đang được các thế hệ hôm nay và mai sau tiếp bước. Ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, mục tiêu của TP là từ nay đến năm 2020 sẽ xây dựng một hệ thống hạ tầng giao thông tương đối hoàn chỉnh. Trong đó, sẽ hoàn thiện 3 tuyến vành đai, 11 trục đường hướng tâm đối ngoại, 7 đường cao tốc, 4 đường trên cao; hoàn thiện 2 trục chính xuyên tâm đô thị, xây dựng 25 cầu lớn bắc qua các sông: Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè, Lòng Tàu...

< Cầu Phú Mỹ và đường dẫn từ Phú Mỹ Hưng.

Hoàn thành việc di dời các cảng biển ra khỏi khu vực trung tâm TP cùng với việc xây dựng các cảng biển mới tại khu vực Hiệp Phước, Cát Lái để có khả năng tiếp nhận tàu chở hàng hóa tải trọng tư 10.000DWT - 30.000DWT.

< Tòa tháp tài chính Bitexco.

Phấn đấu đến năm 2020, năng lực hàng hóa thông qua các cảng biển của TP đạt 200 triệu tấn/năm. TP cũng sẽ tiến hành xây dựng và đưa vào khai thác 6 tuyến tàu điện ngầm, 3 tuyến tramway và monorail. Phát triển hệ thống xe buýt kết hợp tăng số lượng phương tiện với việc bố trí kết nối liên hoàn tuyến, trong đó có kết nối với hệ thống VTHKCC có sức chở lớn...

< Khu đô thị mới An Phú, An Khánh (quận 2) nằm trong khuôn viên nhiều cây xanh và có nhiều cảnh quan nước có thể nhìn bao quát toàn cảnh dòng sông Sài Gòn. Xung quanh các căn hộ có nhiều tiện ích như cửa hàng bán lẻ, sân tennis, golf, hồ bơi, khu vui chơi giải trí cho trẻ em và các câu lạc bộ thể thao khác .







< Khu nhà thờ Đức Bà.

Với chiến lược phát triển giao thông tầm nhìn sau năm 2020 đã được phê duyệt, trong 10 năm tới, TP.HCM sẽ không chỉ có những cuộc “vượt sông” mà còn những cuộc “đại phẫu” để đi vào lòng đất, đi lên trên cao bằng những phương tiện hiện đại. Những điều này chắc chắn sẽ làm được như những gì TP.HCM đã và đang thực hiện trong 36 năm qua.

Một “Sài Gòn đẹp lắm...” sẽ không phải chỉ trong tiếng hát mà là hiện thực trong một tương lai không xa.

Những công trình giao thông ấn tượng của TP HCM

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ báo Giaothongvantai, Việt Báo

Link to full article

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét