Tôi chỉ muốn chia sẻ cùng các bạn đọc những quán cực quê mùa nhưng cực ngon và cực rẻ để du khách nếu có dịp thử đến một lần xem sao.
Đà Nẵng đã và đang được biết đến như một thành phố du lịch của cả nước. Có được lợi thế ấy phần lớn là nhờ ưu đãi của thiên nhiên. Đà Nẵng hấp dẫn du khách bởi sự đan xen núi, biển, sông, hồ, đồng ruộng với phố phường tấp nập (“núi trong lòng thành phố, phố trong lòng biển khơi” – lời bài hát Đà Nẵng tình người).
Du khách đến Đà Nẵng mà nói về ở là chuyện nhỏ (như gan thỏ!). Đà Nẵng không chỉ tiếp các khách VIP mà còn chào đón những vị khách bình dân nhất. Bên cạnh những khách sạn, resort 5 sao hoa lệ là những nhà nghỉ, nhà trọ cách trung tâm thành phố chưa đến 5km với giá chỉ 40.000 đồng/phòng cho một đêm tá túc.
Bởi vậy, việc ở đối với Đà Nẵng không là vấn đề. Tuy nhiên, ở rẻ rồi thì phải ăn gì “cho xứng” với ở. Với niềm tự hào là người Đà thành, tác giả xin được dẫn du khách đi “ăn” một vòng quanh thành phố.
Nói đến ẩm thực, người ta thường hay nói đến những nơi tiếng tăm như cố đô Huế hay Kinh đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Ở đó các đầu bếp được biết đến như là các nghệ nhân và những người thưởng lãm cũng là những khán thính giả “khó tính nhất”. Còn ở Đà Nẵng người ta ít quan tâm đến “ăn” nhưng không phải Đà Nẵng không có những nghệ nhân và khán thính giả “VIP” của… bếp núc.
Rảo một vòng quanh thành phố ta có thể cảm nhận được khá nhiều quán ăn, nhà hàng với những đặc sản. Những nhà hàng, quán ăn sang trọng như Bánh tráng thị heo Trần, Bánh tráng thịt heo Năm Mậu, Hải sản Bà Thôi, Cháo lòng Bà Thế, Thịt dê Thuận… đã có trong danh mục du lịch Đà Nẵng thì tôi miễn bàn ở đây. Tôi chỉ muốn chia sẻ cùng các bạn đọc những quán cực quê mùa nhưng cực ngon và cực rẻ để du khách nếu có dịp thử đến một lần xem sao.
Khoảng tầm giữa buổi, các bạn gái thường hay đến quán Tâm (291 Nguyễn Chí Thanh). Ở đó có bánh cuốn, bánh nậm, bánh bột lọc thơm lựng. Những chiếc bàn nho nhỏ ngồi chen chúc. Bánh được nấu nướng, chế biến tại chỗ trong không gian ấm mùi khói bếp. Các tiếp viên là những thanh thiếu niên nhanh nhẹn và vui tính. Đặc biệt, mỗi món có một loại nước chấm do quán tự pha chế cực kỳ hợp vị, vừa mang ra chưa đến bàn là đã thấy cồn cào trong bụng ngay. Hôm nào đi làm về trễ, nếu muốn lấy điểm với bà xã thì các đấng mày râu nên ghé lại đây mua vài món đem về. Đảm bảo khó có bà xã nào chê được.
Các bợm nhậu khi có “vài ve”, tan tiệc thì lại thích đến quán bún Hương (229 Đống Đa) hoặc bún Thuỷ (218/4 Đống Đa). Quán Hương thì rộng hơn nhưng Quán Thuỷ thì hơi chật. Hơn 90% khách đến đây chỉ thích ngồi ngoài đường để ăn. Quán chỉ che lều bạt. Nếu lúc vắng khách thì không ai biết đây là quán bún cỡ “xịn” tại Đà Nẵng. Quán đông từ 4h chiều đến tận khuya.
Tôi thích nhất là được ăn một tô bún xương ở đây. Xương được nấu đủ để thực khách thấy mình không nên bỏ sót một chút thịt nào còn dính trên xương. Thực khách rút từng thớ thịt thơm ngát chấm với loại nước mắm nguyên chất được chiết từ cá mờm Nam Ô mới thấy giá trị của vị ngon. Nhóm bạn của tôi khi nhậu ngà ngà khoảng về khuya là hay đến đó xơi mỗi cậu một tô trước khi về.
Nhưng độc đáo phải kể đến quán lẩu bò tại 38 Lê Hồng Phong. Quán rộng chỉ độ hơn 20 mét vuông. Đa số tận dụng vỉa hè để cơi nới thêm không gian. Đúng 4h chiều quán mới bán (nếu khách đến sớm hơn thì xin mời… ngồi chờ). Quán chật chội, nhiều khi là nóng nực ấy thế mà các thực khách vẫn vào ra nườm nượp. Trong số đó có cả các người đẹp đi theo nhóm hoặc đi cùng bạn trai nữa. Cái độc đáo của quán là bán đúng giờ và ăn vừa bụng. Nếu thực khách gọi nhiều quá là chủ quán “nhắc” ngay: “Ăn thế đủ rồi, đừng gọi nữa, phí”. Ở đây bán các món bò, nào là lẫu bò, phá lấu, bó nướng, bò rôti, bò quấn lá cải… Giá cả rẻ cực sốc, cỡ 4-5 người vào thì phiếu tính tiền chỉ khoảng dưới 200-250 ngàn đồng là ăn… mệt nghỉ.
Sáng mai thức dậy, nếu các bợm nhậu hay ai đó do lao lực mệt mỏi, cảm thấy người uể oải, chán ăn thì xin mời hãy đến quán cháo lòng vỉa hè tại 34 Trần Quốc Toản. Quán này nhiều khi thực khách đến có thể chờ năm, mười phút, mắt liên tục nhìn quanh để chờ người khác đứng dậy mới có cơ hội tìm được chỗ ngồi. Bát cháo lòng nóng hổi, những lát lòng được luộc tươi màu, bóng bẩy, thơm phức, trang điểm nhẹ bằng những cọng hành hay mớ lá ngò hương, rắc thêm một ít bột tiêu Tiên Phước sẽ gây sóng gió cho tuyến nước bọt của bạn và hẳn bạn sẽ quên đi trạng thái chán ăn ngay lập tức.
Xa xa một chút phía nam thành phố, trên đường về Hội An, du khách có thể vui lòng rẽ vào 2km đường làng Đông Trà, phường Hoà Hải, Ngũ Hành Sơn để thưởng thức những món nhà quê chính hiệu của Quán Gió Đồng. Quán này không có tủ lạnh và cũng không bao giờ làm trước thức ăn. Khách đến có vội có vàng gì đi nữa thì cũng bình tĩnh xuống nhà bếp chỉ trỏ món mình thích rồi chủ quán mới làm. Điều làm cho thực khách thích thú là đang ngồi nhậu nhưng thỉnh thoảng lại có bác nông dân, vai vác cuốc, chân còn lấm bùn, tay cầm con gà nước, con vịt trời hay bưng rổ ốc bưu vừa bắt được trên đồng đến bán cho quán. Quán lợp lá dừa, vách tre, nằm sát dòng kênh nước trong veo bên cánh đồng lúa mênh mông. Không hề có quạt nhưng gió trời làm mát cả ngày. Trong khi chờ mồi lên mâm, khách có thể ngã lưng trên chiếc võng đung đưa để tận hưởng cái hồn quê tha thiết làm sao.
Thật tiếc cho những thực khách nào chưa nhận ra quán Nhu với tiết canh vịt xiêm (ngan) và thịt thỏ ngon hết chê tại bán đảo Sơn Trà (đường Yết Kiêu). Khách vào quán cứ tưởng như mình là một thượng khách đang đi công cán qua vùng sơn cước. Vừa bước vào là chủ quán niềm nở đón rước, rót trà mời thân mật. Tuỳ khách, ngồi trên bàn gỗ, trên sạp tre hay có thể chọn cho mình một chiếc giường đá khoảng mươi mét vuông có bóng cây che mát rượi để ngồi nhâm nhi vài li rượu với tiết canh ngan ngon khó tả. Món thịt thỏ ở đây cũng ít nơi nào có được. Thỏ rôti, thỏ nấu măng hay kho tộ đều thơm lựng, ngon tất. Quán trước kia là trang trại của một sỹ quan nay đã về hưu nhưng đầy không khí trẻ trung văn nghệ sỹ. Nếu khách có nhu cầu ca hát là lập tức được đáp ứng ngay bằng một cây ghi ta hay sáo trúc. Và nhạc công nếu cần thì có thể là chủ quán.
Không còn thú vị nào hơn được ngồi trên một tảng đá to, bằng phẳng, dưới bóng cây gió bầu râm mát, nghe những điệu nhạc du dương. Bên dưới là dòng suối chảy róc rách, mấy con cá cấn bơi lội tung tăng.
Du lịch, GO! - Theo Cách Tân ICTPress, internet
Link to full article
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét