Thứ Năm, 29 tháng 12, 2011

Rẽ sóng mang xuân đến Trường Sa

Chuyến đi Trường Sa của các đoàn công tác thuộc Vùng 4 Hải quân liên tiếp gặp bão. Nhưng ba con tàu HQ996, HQ936 và Trường Sa 22 vẫn cứ nương vào sóng, tựa vào sóng... nhằm hướng Trường Sa mà tiến.

< Phía trước là Trường Sa - mảnh đất thân yêu, thiêng liêng của tổ quốc.

Bởi không chỉ có kiểm tra cuối năm, mà chuyến đi 25 ngày từ 15.12.2011 đến 10.1.2012 còn mang quà tết ra đảo.
Thành phố Đà Lạt - nơi tôi đang sống - được xem là mảnh đất “nhạy cảm” với mưa bão cả nước. Hễ ở bất kỳ đâu trên mảnh đất hình chữ S này có mưa bão là y như rằng Đà Lạt lại “sụt sùi”.

Bởi vậy, dù sống ở xứ sở cao nguyên sương mù lãng mạn, nhưng tôi cũng biết kha khá về chuyện bão. Tuy nhiên, đó chỉ là “khúc xạ” của bão mà thôi, chỉ là chuyện “chia sẻ” bão dông với các nơi của Đà Lạt mà thôi. Mãi cho đến lúc ra Trường Sa, được “nếm trải” nhiều “ngón đòn” của bão tố giữa trùng khơi, tôi thực sự phải thảng thốt kêu lên: Chao ơi, bão đâu mà lắm thế? Sao bão lại đè lên bão đến tầng tầng lớp lớp thế này?

Bão chồng bão

< Rẽ sóng đến Trường Sa.

Hôm tàu khởi hành tại quân cảng Cam Ranh, tôi nghe một cán bộ có trách nhiệm của đoàn công tác nói rằng: “Chúng ta đang đi vào “cái đuôi” của một cơn bão sắp tan. Theo dự báo thời tiết thì vài hôm tới có một cơn bão mới. Như vậy, nếu đúng lịch trình thì sau 36 tiếng đồng hồ, tàu HQ936 sẽ đến được đảo đầu tiên - đảo Cô Lin. Đó cũng là lúc cơn bão mới vừa ập tới”. Nhưng, tàu chỉ mới chạy chưa đến một ngày thì bão đã tràn vào.

Thuyền trưởng Ngô Đức Dũng hết vào đài chỉ huy nhìn vào màn hình máy tính, lại chạy ra lan can phía trước với chiếc ống nhòm trên tay. Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, trên gương mặt của vị thuyền trưởng dày dạn kinh nghiệm này không biểu lộ một chút gì gọi là nao núng; trái lại, anh chàng rất tự tin, điềm tĩnh và có chút... lầm lì lệnh cho con tàu đi theo hướng của mình ngay trong gió dông, bão tố. Thượng tá Nguyễn Văn Thư - Phó Chính uỷ Lữ đoàn 146 (Lữ đoàn Trường Sa), trưởng đoàn công tác - nói: “Một cơn bão mới ở phía Philippines đang hướng về Trường Sa. Do vậy, tàu phải trú bão để đảm bảo an toàn”.

< Thăm Trường Sa trong chiều bão dông, biển động.

Tôi chưa bao giờ đi biển, cũng bởi vậy, chưa bao giờ nếm mùi bão biển. Biển cứ gầm gào sóng dữ. Biển sóng vẫn bạc đầu từ phía xa xanh hút tầm mắt. Suốt chục ngày cùng “ngụp lặn” với con tàu giữa biển Đông ngập sóng, tôi để ý thấy thuyền trưởng Ngô Đức Dũng liên lục ra phía trước lan can đài chỉ huy để “ngắm biển”.
Những lúc nhìn thấy anh lại lấy ống nhòm “ngắm biển” tứ phía, tôi không rõ anh đã nhìn những gì giữa mênh mông trời nước ấy. Còn tôi, trong mắt tôi, không gì ngoài màu xanh ngằn ngặt với trùng trùng sóng bạc đầu từ ngay mạn tàu kéo đến hút tầm mắt. Phía xa xanh kia là gì? Đất liền hay một hòn đảo nào đó? Chịu, tôi không tài nào hình dung nổi, bởi vậy giữa bốn bề là biển và biển. Chỉ có biển và biển với muôn ngàn ẩn hoạ bởi tầng tầng lớp lớp sóng bạc đầu chồng lên nhau, giẫm đạp lẫn nhau.

< Đi xuồng vào đảo.

Một người lính hải quân quay nhìn về phía phải. Anh ghé vào tai tôi: “Một cơn dông sắp ập đến rồi kia kìa! Sau dông, thường là một trận bão. Nhưng trận bão ấy rồi sẽ chóng tan thôi. Bởi nó chỉ là “trận bão” trong cơn bão ở phía trước mặt đang đến gần chúng ta”. Tôi nhìn theo hướng tay anh chỉ. Cả một khoảnh trời trên biển mờ đục. Gió thổi gấp hơn, mạnh hơn. Cả cái khoảnh trời mờ đục ấy di chuyển ngày một gần hơn với con tàu. Mưa bắt đầu rơi. Đó là mưa dông. Mưa dông trên biển báo hiệu cho một cơn bão biển.

Con tàu vẫn lướt sóng. Nhưng, trong cơn bão mới đang ập vào Trường Sa, nó không đi theo lộ trình ban đầu mà đang tìm đường trú bão. “Những cơn bão biển thoáng qua sau một trận mưa dông trên biển thực ra không có gì đáng sợ. Thậm chí, nó còn... đáng yêu là đằng khác. Bởi, đó chính là dấu hiệu để người đi biển biết một trận bão biển thật lớn sẽ kéo qua đây trong tương lai gần!” - anh thuỷ thủ nói với tôi như vậy.

Đêm trên đảo nghe bão gần

Đến lúc này, sau hơn mười ngày khởi hành từ quân cảng Cam Ranh, tàu HQ936 đi tuyến giữa của chúng tôi mới ghé được 4 điểm đảo (của hai đảo Tốc Tan và Phan Vinh) trong tổng số 14 điểm đảo theo kế hoạch. Ngay lúc này, khi đang ngồi trên đảo Phan Vinh (đảo mang tên người anh hùng của lực lượng Hải quân nhân dân VN Nguyễn Phan Vinh) để viết những dòng này, tôi vẫn đang nghe rất rõ sự gầm thét của bão tố. Và, trong bão tố giữa trùng khơi sóng kia, tôi như trở thành lão già với mớ triết lý... kỳ quặc!

Vậy là chúng tôi lại có thêm một đêm lưu lại trên đảo Phan Vinh. Theo kế hoạch thì chiều 24.12, cả đoàn phải xuống tàu để tiếp tục hành trình đến với các đảo khác của quần đảo Trường Sa. Thế nhưng, khi mọi thứ đã sẵn sàng rời đảo thì đoàn ra thông báo hoãn vì sóng lớn, không thể cập xuồng được. Đến lúc đó, tôi mới thực sự để ý đến sóng biển từ trên đảo. Những cột sóng bạc đầu giội vào bờ taluy chắn sóng tung bọt cao hơn mái nhà trệt trông thật dữ dội.

< Đưa lợn ra đảo chuẩn bị đón tết.

Hai hôm lưu lại trên đảo, ban chỉ huy đảo dành cho chúng tôi một căn phòng khá chắc chắn nằm ngay sát bờ taluy nơi chân sóng để nghỉ ngơi. Vậy là tôi đã có được đêm thứ hai nằm trên chiếc giường đơn không nệm với chiếc chăn chiên mỏng do trung uý chuyên nghiệp Phạm Văn Đệ nhường lại. Đảo Phan Vinh điểm A này có cây cối khá um tùm, tươi tốt. Buổi trưa, nắng dẫu đổ lửa trên đầu, nhưng dưới tán cây bàng vuông, cây tra, cây dừa..., những người lính hải quân trên đảo vẫn điềm nhiên kê bàn ngồi nhâm nhi chén trà trong sự mơn man của gió biển.

Chiều hôm trước biển lặng, vài anh em trong số những người khách chúng tôi còn tha thẩn ra tận mép chân sóng để nhặt vỏ ốc và hóng gió biển. Phía chân trời xa kia và chân trời ấy cũng nối với biển, quả cầu lửa mặt trời đỏ lừ như xé toạc đám mây xám phía trên để rắc ánh nắng bạc lấp loá xuống đại dương lăn tăn gợn sóng trông như một bức thuỷ mặc hoàn chỉnh của thiên nhiên. “Những lúc biển lặng, cuộc sống ở đảo cũng thi vị đấy chứ!” - trung tá Lê Quang Mừng - chính trị viên đảo Phan Vinh - nói với tôi điều này.

< Rau xanh trên đảo Tốc Tan.

Đêm thứ hai, trong căn phòng nằm ngay mép sóng, mặc dầu bốn bức tường và hệ thống cửa ra vào và cửa sổ của căn phòng vô cùng chắc chắn được khép kín, nhưng tôi vẫn cảm nhận được sự mãnh liệt đến tàn khốc của cơn bão biển đang đi từ hướng đông bắc ập vào đảo. Lúc này đây, dải san hô nhô lên giữa biển khơi trùng trùng sóng gió này trông thật nhỏ nhoi, lẻ loi và đơn độc. Gió đang quật tơi tả những hàng cây. Gió giúp sóng bạc đầu ập nhanh hơn vào bờ kè chắn sóng để tạo thành một thứ âm thanh nghe như dấu hiệu của sự huỷ diệt.
Trong bữa cơm trưa, những người lính ở đảo thết đãi những người khách chúng tôi món canh mùng tơi. Ở đất liền, chắc chắn nồi canh này chỉ là một món ăn bình thường, nhưng với lính đảo, đây lại là món sang trọng.

Nhớ lại chiều hôm trước, khi ngồi nhìn qua cửa sổ, tôi vô tình bắt gặp hình ảnh một anh lính cởi trần với tay nhặt những chiếc lá non vừa nhú trên những cọng dây leo đã kiệt úa, đang bò trên một bờ gạch xây cao. Hỏi ra mới biết, bờ gạch xây cao kia là trụ đất trồng rau, trong đó có mùng tơi; và, việc xây cao như thế là còn để tránh sóng, tránh bão.

Nhưng vẫn không tránh khỏi: Trận bão mới đây, giậu mùng tơi dính nước biển (sóng biển quá lớn) nên úa vàng, héo rũ. “Nó vừa ngoi dậy và tiếp tục cho lá. Ở đảo, anh em chiến sĩ không dám ngắt cả đọt mà chỉ ngắt lẻ từng lá, để ngọn còn tiếp tục bò trên giàn và tiếp tục cho lá. Chúng đã tựa vào trụ đá cao và tựa vào nhau để tồn tại như vậy đấy!” - thiếu tá Nguyễn Văn Tạo - chính trị viên phó đảo Phan Vinh - nói.

Trong khuôn viên của đảo được trồng rất nhiều cây thân mộc có tán rộng và thân không phát triển quá cao. Đặc biệt, chúng được trồng khá dày nên cành nhánh của chúng (giữa cùng một loài cây, giữa loài cây này với loài cây kia) cứ đan vào nhau, bện vào nhau trông thật chắc chắn, thật vững chãi. Rồi nữa, không giống như ở đất liền, những thứ cây này được trồng trên nền đất san hô (chỉ “gia cố” đất thịt lấy từ đất liền ra) là chính nên để tồn tại, bộ rễ của chúng cứ như đã được “cải thiện” một cách rất kỳ diệu sao cho phù hợp với môi trường tự nhiên, đủ sức chống chọi với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt nơi này. “

< Giữ vững tay súng.

Mỗi năm, vườn cây này trải qua không biết bao nhiêu là trận bão biển, nhưng chúng không hề hấn gì cả. Cùng lắm, khi sóng và cả gió cùng ào qua thì cũng chỉ có vài chiếc lá già rụng đi và bị cuốn theo bão mà thôi. Chúng biết tựa vào nhau mà!” -  một người lính lại nói với tôi điều mà dường như không còn quá mới này.

Đêm nằm nghe bão gần, ban đầu, thú thật là trong tôi đã trỗi dậy cảm giác sợ hãi; nhưng bây giờ thì cảm giác ấy đã tan biến rồi!

Du lịch, GO! - Theo Khắc Dũng (từ Trường Sa) Laodong, internet

Link to full article

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét