Thứ Ba, 20 tháng 12, 2011

Thứ Ba chơi chợ Cốc Ly

Nếu ai đó muốn tìm hiểu cuộc sống thuần chất văn hóa của đồng bào các dân tộc thì không nên bỏ qua địa chỉ chợ văn hóa Cốc Ly (Bắc Hà). 

Nằm bên chiếc cầu treo bắc qua sông Chảy, với cảnh quan đẹp thơ mộng chợ Cốc Ly không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa của bà con các dân tộc quanh vùng mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa, điểm du lịch hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Độc đáo chợ trâu

Theo cách giải thích của người dân bản địa, Cốc Ly có nghĩa là "gốc mận" và có lẽ cũng bởi chợ phiên nằm ở vùng cao nguyên mận tam hoa - cây đặc trưng của Bắc Hà. Chơi chợ Cốc Ly, hình thức thú vị nhất là đi bằng thuyền ngược dòng sông Chảy. Muốn sở hữu một vé thuyền không hề khó khăn, bạn có thể đăng ký mua vé ở các hợp tác xã dịch vụ thuyền sông tại Bảo Nhai. Rồi từ Bảo Nhai, ngược sông Chảy khoảng 20 km, sẽ tới chợ Cốc Ly.

Ngồi trên thuyền, du khách tha hồ thả hồn với dòng nước trong vắt, lững lờ trôi, mọi ưu phiền, lo toan thường nhật dường như tan biến, chỉ còn lại những âm thanh trong trẻo của cuộc sống bình dị hai bên dòng sông. Từ bến thuyền chân cầu đi bộ dọc bãi cát trắng mịn, rồi đi thêm một đoạn không xa sẽ đến chợ văn hóa Cốc Ly.

Ở nơi con sông Chảy uốn mình hiền hòa này, ngày thứ ba là một ngày hội. Trên cầu, rất nhiều chàng trai, thiếu nữ váy áo sặc sỡ đứng đó tâm tình và còn rất nhiều điều thú vị đang chờ đón bạn ở một phiên chợ vùng cao đầy màu sắc.

Đến chợ Cốc Ly, điều hấp dẫn nhất là khu chợ trâu, khu này bao giờ cũng sôi động. Người dân Bắc Hà chủ yếu dùng trâu để cày kéo, vì vậy, những con trâu đem đi bán phải là những con khỏe nhất, béo nục nhất.

Theo người dân bản địa, kinh nghiệm để chọn một con trâu cày khỏe phải đảm bảo ba yếu tố quan trọng: lông ngắn, chân tròn, sừng cong. Mỗi con trâu có giá dao động trên dưới 20 triệu đồng.
Con trâu là đầu cơ nghiệp, nên người ta chỉ bán trâu khi thực sự cần tiền để chi trả cho những công việc lớn trong gia đình như: làm nhà, cưới hỏi, ma chay…

Có những nhà cách chợ nửa ngày đi bộ, để rong trâu xuống kịp phiên chợ, người ta phải đi từ 2 giờ sáng, nhưng không phải phiên chợ nào cũng giao dịch thành công, phiên chợ này không bán được, lại mất nửa ngày đường rong trâu về nhà, chờ đến phiên chợ sau xuống bán.

Người bán được giá thì hỉ hả, còn người không bán được cũng chẳng lấy đó làm phiền muộn. Chủ yếu họ xuống chợ để gặp gỡ, chuyện trò, làm vài ly rượu đến khi say mèm mới thư thả ra về.

Hấp dẫn ẩm thực

Chợ Cốc Ly bày bán rất nhiều mặt hàng đậm nét văn hóa vùng cao, từ váy áo thổ cẩm, rượu ngô, rau rừng, gạo nương đến các loại gia súc, gia cầm… Nhưng sẽ là thiếu sót nếu chơi chợ mà bỏ qua khu ẩm thực, bởi đây mới thực sự là điểm hấp dẫn nhất của chợ phiên vùng cao này.

Khu chợ ẩm thực là nơi những người ở các bản xa gặp gỡ, cụng ly, cùng nhau thưởng thức những món đặc sản riêng có ở Bắc Hà. Dù có vội vàng thì vẫn nên nán lại gần những chảo thắng cố, quây quần cùng đồng bào dân tộc, làm một bát nóng hôi hổi, thơm thơm mùi lá chanh, ngòn ngọt vị xương ngựa và nhâm nhi chén rượu ngô đậm đà, cay cay.

Chỉ với 50.000 đồng là bạn có thể được thưởng thức một bát thắng cố với đầy đủ hương vị vùng cao. Một địa chỉ thắng cố nên biết chính là quán anh Lù A Dào, quán này lúc nào cũng đông khách, nhưng không vì thế mà phải đợi lâu, hai vợ chồng chủ quán luôn biết cách chiều lòng khách, chỉ phải đợi khoảng 15 phút là đã có một bát thắng cố tuyệt vời.

Người Bắc Hà hay ăn thắng cố với mèn mén, đây được coi như sự kết hợp giữa các hương vị một cách hoàn hảo. Món mèn mén được làm từ ngô nương xay nhuyễn, có màu vàng ươm, ăn có vị bùi, ngọt và thơm.

Ở chợ Cốc Ly duy nhất quán chị Giàng Thị Mỷ ở cuối chợ có bán, trong lúc ăn thắng cố, bạn có thể nhờ chủ quán mua giúp mèn mén, lúc nào họ cũng sẵn lòng phục vụ. Mèn mén còn có thể ăn với canh đậu, món ăn này tuy dân dã nhưng lại rất có lợi cho sức khỏe.

Những quán phở vùng cao cũng không kém phần sôi động so với khu thắng cố. Phở Bắc Hà rất đặc biệt, bánh phở được chế biến thủ công từ một loại gạo đỏ, nên có màu phớt hồng rất hấp dẫn. Bạn có thể chọn phở thập cẩm, phở chua nguội, phở chua nóng, loại nào cũng có vị đặc trưng.

Nếu chơi chợ vào một ngày đông lạnh giá thì nên chọn một bát phở gà nóng, còn chơi chợ vào ngày hè hãy chọn một bát phở chua nguội ăn cho mát ruột. Phở gà là món ngon nhất ở Bắc Hà, thịt gà bản thái phay, vàng ươm, váng mỡ được nêm gia vị, thêm một chút tương ớt Mường Khương thì không có gì tuyệt vời hơn.

Còn đặc sản của Bắc Hà lại là phở chua, một bát phở với rất nhiều thứ: thịt lợn bản, dưa muối khô, lạc rang sẽ khiến bạn không muốn rời xa vùng cao nguyên trắng.

Chợ Cốc Ly được đánh giá là chợ phiên còn giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa đồng bào vùng cao. Chợ sặc sỡ sắc màu, thôn quê dân dã. Nếu ai đã đặt chân đến đất Bắc Hà mà chưa một lần ghé thăm chợ Cốc Ly sẽ là thiếu sót cho một hành trình du lịch.

< Ảnh kỷ niệm: Cầu Cốc Ly xiêu vẹo do bị lũ quét hồi tháng 10/2008 - Sau đó đã được sửa lại. Cây cầu treo bắc qua sông Chảy này là đường duy nhất nối Cốc Ly với huyện Bắc Hà (Lào Cai).

Chợ họp đến chiều mới tan, người dân lục đục ra về, có người địu một gùi hàng đầy sau lưng, nhưng cũng rất nhiều người tay không xuống chợ. Họ xuống chợ, chơi chợ như một thú vui vào mỗi thứ Ba hằng tuần, không những thế, thứ Ba còn là dịp để những người bạn bè ở xa xuống núi gặp gỡ chuyện trò, để những đôi bạn trẻ có dịp làm quen, tìm hiểu, rồi yêu nhau.

Chơi chợ Cốc Ly, bạn hãy cứ mua những gì mình thích, hàng hóa ở đây rất dân dã, không phải ở đâu cũng có, mà giá cả chẳng hề đắt đỏ. Bắc Hà có nhiều địa chỉ nên khám phá, nhưng bạn đừng quên chơi chợ Cốc Ly để được trải nghiệm những điều thú vị về cuộc sống thường ngày của đồng bào dân tộc vùng cao Bắc Hà.

Du lịch, GO! - Theo Lào Cai Online, internet

Chợ tình Cốc Ly

Link to full article

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét