Thứ Năm, 29 tháng 12, 2011

Phiêu trên đỉnh Mẫu Sơn

Giữa tuần, cô bạn đồng nghiệp í ới “Cuối tuần này đi phượt Mẫu Sơn, chị ơi!”. Không phải chần chừ lâu, tôi quyết định đồng ý ngay.

Mẫu Sơn thuộc vùng núi cao của hai huyện Cao Lộc và Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, cách thành phố Lạng Sơn khoảng 30 km về phía Đông, nằm trên đỉnh núi có độ cao 1.541 m so với mặt nước biển và được gọi là “Đệ nhất hùng quan” phía Bắc.

Gần 100 năm trước người Pháp đã đặt chân lên và biến Mẫu Sơn thành nơi nghỉ dưỡng lý tưởng như Sa Pa, Đà Lạt hay Tam Đảo. Vài năm gần đây, Mẫu Sơn được nhắc đến nhiều trên truyền hình trong chương trình Dự báo thời tiết và những người ưa thích du lịch, khám phá bởi vào mùa Đông có băng.

Tôi biết đi vào lúc này Mẫu Sơn chưa có băng nhưng có gì đâu, thích là lên đường thôi. Đã một thời gian không phượt bằng xe máy nên cảm giác phấn chấn và mong đợi. Trang bị quần áo, mũ, bịt tai, găng tay… như gấu bông và sáng sớm cuối tuần, khi cả khu tập thể đang say giấc, tôi nhanh chóng ra khỏi nhà và “xế” đã đợi sẵn.

< Ngôi nhà có dây leo.

Hẹn hò online cả mấy ngày, cuối cùng cả đoàn 18 người đã offline tại Ciputra và thẳng tiến về phía Bắc sau khi người người đã ấm bụng phở, ngựa cũng chặt bụng xăng. Cuối cùng, mỗi xe  không quên dán logo “Du hý” ở đuôi xe để dễ bám sát nhau.

Kỳ thú Mẫu Sơn

Chúng tôi lên đỉnh Mẫu Sơn khoảng 4 giờ chiều sau khi đi 15 km đường đẹp từ thành phố Lạng Sơn và 15 km đường ngoắt nghéo để lên núi Mẫu Sơn.



Trước khi lên đến đỉnh chúng tôi dừng xe tại một nhà hoang giữa đồng cỏ ngả nâu vàng khô theo thời tiết lạnh. Ngôi nhà hoang không còn nóc chẳng biết có từ bao giờ chỉ còn trơ lại mấy bức tường xù xì, cũ kỹ. Trong khung cảnh đó là một con ngựa đang gặm cỏ và đôi lúc lại hý vang phá vỡ không gian yên ắng của miền rừng núi. Chúng tôi thi nhau chụp ảnh bên bờ tường, khung cửa và cả trên cánh đồng cỏ vàng cũ.

< Một trong số những ngôi nhà bị bỏ hoang.

Ở Mẫu Sơn bất cứ trong khung cảnh nào bạn đều có thể chụp được tấm ảnh lạ cho riêng mình. Bạn hãy chuyển chế độ chụp ảnh đen trắng hoặc nâu, bạn sẽ có những tấm hình trông xa xăm, bí ẩn như chính khung cảnh Mẫu Sơn.

< Một căn khác nữa.

Đi 5 phút xe máy nữa chúng tôi lên đến nhà nghỉ, nhận phòng và đặt ba lô xuống, tôi cùng mấy bạn liền ào ra cửa để ngắm khung cảnh xung quanh. Nhiều khu nhà ở đây có từ thời Pháp và cũng khá nhiều ngôi nhà bị bỏ hoang. Tất cả đều có màu nâu sậm, hoặc màu vàng cũ do thời tiết lạnh ẩm quanh năm. Trời đã tối sập xuống, chúng tôi quay trở lại nhà nghỉ để chuẩn bị cho bữa tối và hẹn tối lên đỉnh nơi có cái chòi cao nhất.

< Phiêu trên đỉnh núi Mẫu Sơn.

Một bác Honda 67 lúc chiều có bảo nếu trời quang chúng tôi có thể nhìn ngắm núi rừng và có thể nhìn sang bên kia Trung Quốc từ trên tháp chòi. Nhưng tối đến, trời mù sương, chúng tôi đành hẹn nhau sáng mai ngắm cảnh núi rừng.

< Tranh thủ chớp những khoảnh khắp đẹp của núi rừng.

6h sáng rồi 6h30 sáng mới dậy được vì rét, nhưng cuối cùng vẫn nhanh chóng ra khỏi chăn. Băng qua con đường lát gạch bê tông, rồi con đường mòn, chúng tôi lên đến đỉnh, gió lạnh cứ thổi từng đợt, người cứ nhẹ bẫng. Cảm giác thật là lạ, lạnh nhưng không buốt và không run lẩy bẩy như ở dưới xuôi mà như bay lên và trôi nhè nhẹ trong làn mây mù huyền ảo. Đứng trên đỉnh, bạn sẽ  có cảm giác như cầm nắm được và chạm nhẹ tay lên mây, con đường ngoắt nghéo lên núi, từng lá cây ngọn cỏ… Không có bạn bè gọi xuống tôi còn muốn đứng hồi lâu để cảm thấy một miền sơn cước thật hùng vĩ và nhiều điều kỳ thú ẩn mình.

< Ngôi nhà nhỏ của người dân bên vách núi với vườn đào đỏ mọng.

Lúc đến và rời khỏi Mẫu Sơn được đi dưới và trên những rừng lá vàng, tôi còn cảm thấy thật tự hào về tổ quốc mình bởi hết những cánh rừng trùng điệp này lại sang cánh rừng trùng điệp khác. Đi phượt xe máy quả là hơi vất vả nhưng ở ngoài không gian rộng lớn của thiên nhiên bạn sẽ thấy được sự tự do, phóng khoáng đến vô cùng và bạn có thể dừng lại bất cứ điểm nào để ngắm cảnh núi rừng, từng nhành hoa, loài cây, thậm chí dựng xe và ngồi phệt dưới tán lá rừng, những cây thông cao vút.

Những chuyện kể thêm

< Món khoái khẩu đây rồi.

Hà Nội lên thành phố Lạng Sơn khoảng 154 km. Thời tiết lạnh và gió, chúng tôi đến thành phố Lạng Sơn khoảng giữa trưa. Trên đoạn đường gần tới Lạng Sơn, trong đoàn có 1 bạn nói hãy tiến lên phía trước có đội xe Honda 67 đang đợi đón đoàn.

Tôi đã từng đọc đâu đó về thú chơi xe Honda 67 nhưng tới hôm nay mới mục sở thị. Cả nhóm Honda 67 khoảng 4 - 5 người “rước” chúng tôi về thành phố Lạng Sơn vào một nhà hàng ăn trưa. Tại đây chúng tôi lại gặp gỡ tiếp vài chủ nhân Honda 67 nữa. Những chiếc xe 67 xếp hàng ngoài hiên chủ yếu là những chiếc sơn mận đỏ, có chiếc chiếc màu cam và có chiếc vành xe sơn trắng. Tất cả đều sáng bóng sạch sẽ cho thấy những chủ nhân của những chiếc xe này chăm sóc “con cưng” của mình khá cẩn thận.

Sau khi cùng chúng tôi ăn một bữa trưa, những người bạn Honda 67 đã hỏi chúng tôi khá tỉ mỉ đã có nơi nghỉ trên Mẫu Sơn chưa, dự định làm gì và ăn gì và họ đã chỉ dẫn cho chúng tôi khá chu đáo như nên mua đồ ăn mang lên, gọi điện lên nhà nghỉ ở Mẫu Sơn nói phục vụ chúng tôi ăn nghỉ chu đáo và cuối cùng còn “rước” chúng tôi lên tận Mẫu Sơn. Vì sáng hôm sau họ lại xuôi Hà Nội để dự một sinh nhật nhóm Honda 67 Hà Nội đã hẹn trước nên họ không thể cùng ở lại với chúng tôi qua buổi tối.

Tôi có lẽ là người nhiều kỷ niệm nhất đoàn, cả tôi và “xế” va quệt vào vách đá sau một khúc cua ngoằn nghèo dốc cao liên tục từ 9 - 10 thậm chí có đoạn 11%, cảm giác như đang được đua xe lòng chảo. Càng số xe máy gãy và tôi được di chuyển sang một xe Honda 67 của một thành viên từ Quảng Ninh sang. Xe Honda 67 dường như không hợp với chở người vì yên xe bé tẹo nhưng cảm giác thật tuyệt vời vì được nghe lại tiếng xe bình bịch thủa nào và những cú lắc bên nọ bên kia khi cua qua những vách núi. Lúc về tôi lại có cảm giác tuyệt vời khác vì là người được “zin 3” đổ đèo.

Vui nhất có lẽ là thời gian chuẩn bị bữa ăn tối bên đống lửa trại. Nhiều bạn trong đoàn đã đi phượt nhiều nên đã chuẩn bị những món vừa ngon, vừa nhanh, vừa bổ và không kém phần khoái khẩu. Đó là salad Nga với táo, dưa, trứng luộc, dưa chuột muối… đã được xắt hạt lựu chỉ việc trộn với mayonaise mua sẵn. Món rau sống cũng đã được rửa sạch từ nhà và bỏ ra trộn dầu dấm. Món chính của bữa tiệc là vịt, thịt lợn và xúc xích nướng. Vịt và thịt lợn được mua ở dưới thành phố Lạng Sơn, sau đó được chúng tôi mang lên nhà nghỉ tẩm ướp với những gia vị mang theo.

< Bên ngọn lửa hồng.

Bên đống lửa bập bùng ở bãi cỏ trong không gian của núi rừng, và sau những giờ bon trên đường và chơi đùa, ai cũng đã đói meo nên tay chân nhanh hơn thường lệ, hết xiên thịt lợn, thịt vịt lại vỉ xúc xích được đưa nhanh lên mẻ than hồng. Những tảng thịt nướng chín vừa tới được bỏ ra những cái mâm và được cắt nhỏ hơn. Chỉ đủ kiên nhẫn đợi nướng được ½ chỗ thịt, chúng tôi đã bắt đầu đánh chén và không thể thiếu rượu Mẫu Sơn. Những cái bụng đói mèm bắt đầu được thỏa mãn.

Đầu năm bắt đầu bằng chuyến phượt nước ngoài và cuối năm là chuyến phượt xe máy lên vùng núi phía Bắc, tôi dường như may mắn đã thực hiện được hơn một điều mong muốn của một ai đó gửi gắm: “Mỗi năm một lần, hãy đi đến những nơi bạn chưa từng đến”.

Du lịch, GO! - Theo Linh@ - ITCpress


Những ngôi nhà đất dưới chân Mẫu Sơn

Từ thành phố Lạng Sơn, ngược về hướng cửa khẩu Chi Ma, Quốc lộ 4B sẽ đưa bạn đến một thung lũng độc đáo bậc nhất vùng biên giới của mảnh đất xứ Lạng.

Nằm thấp thoáng dưới những tán hồi xanh um, những ngôi nhà độc đáo được dựng lên từ đôi bàn tay khéo léo của đồng bào Tày từ hàng trăm năm qua như khúc đồng dao cất lên tiếng nói của đất. Màu đỏ của đất, màu xanh của rừng hồi, màu xám của những chiếc áo chàm tạo nên bản sắc mà có lẽ chỉ nơi này mới có được.

Bản Khiểng thuộc xã Hữu Khánh, huyện Lộc Bình sẽ mở đầu cho hành trình khám phá những ngôi nhà độc đáo tường đất. Ở đây, ta sẽ được chiêm ngưỡng những khối kiến trúc bằng đất như pháo đài của dân bản. Chẳng cần xi măng, cốt thép cầu kỳ, chỉ có đất và đất mà đồng bào Tày đã khéo léo kết trình lên những ngôi nhà 2 tầng “hoành tráng”.

Ông Hà Văn Dẩn, ở bản Khiểng, xã Hữu Khánh cho biết: “Xưa thì chẳng mấy khi thấy ai để ý đến bản này, thời gian gần đây nhiều khách du lịch tìm đến đông vào dịp cuối tuần. Đặc biệt, giới nhiếp ảnh và các bạn sinh viên trường Đại học kiến trúc Hà Nội đã về đây tìm hiểu. Bản này, ngôi nhà trình tường làm gần đây nhất vào năm 1979. Còn sau đó, không ai làm nhà tường trình nữa”.

Qua lời kể của ông Hà Văn Dẩn, được biết, làm những ngôi nhà trình tường thế này, nguyên liệu chủ yếu chỉ là đất và nước. Để làm nhà 2, 3 tầng từ chất liệu này không khó, chỉ cần khuôn gỗ vam chắc chắn rồi dùng sức người nện vồ cho đến khi tất cả kết chặt thành khối vững. Theo kinh nghiệm của dân bản, làm nhà tường đất, tường phải có ít nhất độ dày nửa mét trở nên. Và mỗi nhà làm thì phải huy động cả dân bản đến giúp đỡ…

Kiến trúc độc đáo bản nhà tường trình, thể hiện ý thức cộng đồng cao đưa du khách đến một cuộc sống rất đỗi gần gũi với thiên nhiên. Những bản như thế ta chỉ có thể thấy được, nếu đặt chân đến dưới chân Mẫu Sơn của xứ Lạng.

Du lịch, GO! - Theo ANTĐ

Link to full article

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét