Qua hàng trăm năm phát triển, do ý thức bảo vệ và bàn tay chăm sóc của con người, rừng Lam Kinh đã trở thành tài sản vô giá nơi núi rừng Lam Sơn. Hàng trăm cây cổ thụ đang trường tồn cùng quần thể lăng tẩm của các vị vua triều hậu Lê trở thành địa chỉ tham quan thú vị cả về tâm linh lẫn phong cảnh.
Từ phía đường Hồ Chí Minh, lữ khách có thể thấy rừng Lam Kinh hiện lên với màu xanh căng tràn sức sống. Cùng với những ngọn đồi lượn sóng, khu rừng Lam Kinh đã tạo cho vùng đất cổ Xuân Lam (Thọ Xuân) và Kiên Thọ (Ngọc Lặc) một cảnh đẹp hiếm thấy.
Dòng sông Chu hiền hòa, lượn quanh và ôm trọn phía tây bắc khu rừng càng tăng thêm vẻ hữu tình của sông núi nơi đây. Tuy không nằm ở những nơi thâm sơn cùng cốc như nhiều khu rừng khác, nhưng “lá phổi xanh” rộng 97 ha này gần như vẫn còn nguyên trạng. Gỗ trong rừng, đa phần là lim xanh và nhiều cây gỗ rất quý như sui, dổi, sến, táu, vàng tâm...
Ven dòng sông Ngọc uốn quanh khu lăng tẩm, những cây gỗ khổng lồ thân phủ đầy rêu phong đã tạo ấn tượng đầu tiên cho du khách. Những tán cây cổ thụ ấy vẫn rủ bóng mát quanh năm cho cây cầu đá hàng trăm năm qua.
Cây cầu với kiến trúc độc đáo theo kiểu “thượng thu hạ thách” bắc qua sông Ngọc là lối chính đi vào Khu Di tích Lam Kinh. Bất kể mùa đông hay hè, khi bước trên cây cầu cong hình yên ngựa này, du khách đều cảm thấy thư thái vì được che chở trong bóng mát của rừng già.
Chỉ tay về phía rừng lim đang tỏa bóng mát sau các tòa thái miếu, cô hướng dẫn viên trẻ Lê Thị Loan tự hào cho biết: “Rừng Lam Kinh giờ đã xứng là nơi có những cây lim cổ thụ bậc nhất của Thanh Hóa”. Những tán rừng già nơi đây còn là nơi trú ngụ của nhiều loài chim, thú.
Theo con đường mòn đi sâu vào lõi rừng Lam Kinh, hai bên um tùm cây cối như trêu gan những kẻ lữ hành, trong tiếng kêu ríu rít gọi bầy của những loài chim đã gợi cho tôi sự thú vị khi cảm nhận được sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên ngay giữa chốn linh thiêng. Một phút lắng lòng giữa thiên nhiên bao la mà gần gũi, ai đến đây cũng có cảm giác bình yên, thoáng quên đi sự xô bồ của cuộc sống thường nhật.
Sự kỳ thú của rừng Lam Kinh càng được khơi gợi khi chúng tôi được nghe kể những câu chuyện từ những người trong cuộc. Cao nhất khu rừng hiện nay là cây gỗ sui màu trắng, nhẵn bóng với chiều cao khoảng 50m. Các cán bộ của Khu Di tích Lam Kinh, cho biết: cây cổ thụ này có từ thời cụ Lê Hối (cụ tổ 3 đời của Bình định vương Lê Lợi).
Theo quy luật tự nhiên, cây cao nhất thường bị sét đánh. Những tài liệu cổ và thực tế nhiều năm gần đây cũng cho thấy, rừng Lam Kinh và cả khu di tích rất nhiều lần bị sét đánh nhưng cây sui này vẫn là ngoại lệ. Câu chuyện cây lim cổ thụ trút lá và chết như là một sự hiến thân cho việc phục dựng khu di tích càng khơi gợi trí tò mò của du khách.
Theo phân tích đường vân và chất gỗ, cây lim cổ thụ này có tuổi thọ hơn 600 năm và là một trong những cây cao nhất của rừng Lam Kinh.
Vào cuối tháng 2 âm lịch năm 2010, đúng lúc có quyết định phục dựng và trùng tu Khu Di tích Lam Kinh thì cây lim trút lá. Sau nhiều lần tưới và chăm sóc, cây vẫn không ra lộc. Vào cuối tháng 7 âm lịch cùng năm, cây lim chết hẳn.
< Cây đa Lam Kinh huyền thoại.
Đáng nói là, lúc này người ta đang loay hoay chưa biết tìm đâu ra một cây cổ thụ để làm cột chính tòa chính điện. Sau nhiều lần làm đơn kiến nghị, các cơ quan chức năng đã đồng ý cho hạ cây lim vừa chết làm cột phục dựng tòa chính điện Lam Kinh vào 21 và 22 - 8 âm lịch năm 2010.
Ai cũng biết cây lim chết do quá già, nhưng một sự trùng hợp đến kinh ngạc lại được chứng minh. Chiều cao của thân lim đúng bằng với thiết kế cây cột chính điện. Đường kính phần gốc của cây lim gần 1m, lại trùng khít với chân tảng cũ bằng đá. Đường kính phần ngọn cây lim hơn 60 cm cũng vừa bằng chân tảng con của chính điện.
Ngay trước mộ của vua Lê Lợi, từ lâu đã xuất hiện hai cây “ổi cười” thu hút sự tò mò của rất nhiều người. Như một phản xạ tự nhiên gần giống cây trinh nữ (cây xấu hổ), mỗi lần gãi hoặc sờ nhẹ vào thân là toàn cây ổi rung lên bần bật.
Điều đáng nói, chỉ cách đó vài mét, những cành ổi được chiết ra trồng ngoài khu lăng mộ lại không có hiện tượng trên.
< Chỉ cần cào thật khẽ vào thân thì toàn bộ cành lá của cây ổi rung lên như đang cười nắc nẻ.
Nói thêm về hiện tượng “ổi cười” này, ông Trịnh Đình Dương, Trưởng ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, cho biết: “Tôi đã chứng kiến hiện tượng trên 20 năm nay. Hiện vẫn chưa có công trình khoa học nào kết luận vì sao nhưng theo tôi có lẽ do “gien” đột biến”. Rồi câu chuyện về cây đa thị và quá trình cây đa “bóp cổ” cây thị, hai cây long não cổ thụ, những cây đa, cây si trên bờ thành... đều thu hút sự tò mò của du khách.
Từ năm 1962, Khu Di tích lịch sử Lam Kinh được xếp hạng quốc gia, kể từ đó, ngành lâm nghiệp giao khu rừng cho ngành văn hóa quản lý. Qua hàng chục năm, những “kiểm lâm” ngành văn hóa vẫn làm tốt công tác bảo vệ khu rừng. Những năm qua, nhiều cây lim xanh đã được nhân giống trồng xen để tăng độ che phủ và đa dạng sinh học của khu rừng.
Du lịch, GO! - Theo Lê Đồng (Thanh Hóa Online)
Link to full article
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét