Tọa lạc ở đường Báo Quốc, thuộc phường Phường Đúc, thành phố Huế, chùa Báo Quốc ban đầu có tên là Hàm Long Thiên Thọ Tự, do Thiền sư Giác Phong dựng vào cuối thế kỷ XVII, đời Chúa Nguyễn Phúc Tần. Đến năm 1747, Chúa Nguyễn Phúc Khoát ban cho chùa tấm biển "Sắc Tứ Báo Quốc Tự" có ghi dòng chữ: "Quốc Vương Từ Tế đạo nhân ngự đề".
Chùa được xây dựng theo kiểu chữ "Khẩu-口” trên đồi Hàm Long rộng khoảng 2 hecta. Qua khỏi cổng tam quan cổ kính là một khoản sân đất có hai hàng cổ nhãn uy nghi tiếp đến là khoảng sân trên trồng nhiều cây tùng có lan can bao bọc.
Chánh điện chùa ẩn sau tán cây ngọc lan trầm mặc và hiền hoà. Trong chùa thờ tự rất trang nghiêm. Chính giữa trên cao tôn trí bộ tượng Tam thế Phật rất xưa, hậu liêu thờ tổ tôn trí bình tro cốt của Tổ Giác Phong mà được biết vào năm 1958 khi khai tháp Tổ Giác Phong để quy vào Niết Bàn Đại Tháp chư Tăng ở Huế đã gặp được bình tro thờ ở tầng trên Tháp. Bình tro từ đó được cung thỉnh vào bàn thờ ở bàn thờ Tổ cho đến nay.
Vào thời Tây Sơn, chùa đã bị chiếm đóng và trưng dụng làm kho chứa diêm tiêu. Sau đó vào năm 1808, Hoàng Hậu Hiếu Khương cho tái thiết ngôi chùa, xây tam quan, đúc đại hồng chung, bảo khánh và đổi tên là chùa Hàm Long Thiên Thọ tự và mời thiền sư Phổ Tịnh làm trụ trì.
Năm 1824, vua Minh Mạng ngự thăm chùa và sắc tứ tên "Báo Quốc Tự". Nhà vua đã tổ chức đại giới đàn tại chùa nhân lễ Vạn thọ tứ tuần đại khánh vào năm 1830. Đến năm 1858, do chùa bị hư hỏng nhiều, vua Tự Đức và Hoàng Thái hậu Từ Dũ đã ban tiền trùng tu ngôi chánh điện và các công trình khác.
Trong phong trào chấn hưng Phật giáo vào những năm 1930, chùa đã có nhiều đóng góp về mặt đào tạo tăng tài cho Phật giáo. Năm 1935, trường Sơ đẳng Phật giáo được mở tại chùa. Đến năm 1940, trường Cao đẳng Phật giáo cũng lại được mở tại đây. Năm 1957, Giáo hội Tăng già Thừa Thiên và Ban Quản trị chùa đã tổ chức đại trùng tu ngôi chùa. Hòa thượng Thích Trí Thủ, vừa là Giám đốc Phật học đường, vừa là trụ trì chùa, đã có những đóng góp to lớn cho Phật giáo nói chung và cho việc tái thiết ngôi tổ đình trang nghiêm với những nét kiến trúc cổ kính nói riêng.
Giếng Hàm Long (tên chữ là Hàm Long Tỉnh), theo bia “Hàm Long Tỉnh” thì giếng Hàm Long nằm ngay dưới chân đồi Hàm Long xuất hiện cùng thời với Hoà thượng Giác Phong khai sơn (khoảng năm 1674). Giếng có một mạch nước theo lỗ đá phun ra như vòi rồng, có nước trong, thơm và ngọt. Nước giếng này sau đó được tiến dâng lên các Chúa, còn người dân thì tuyệt đối không được phép dùng, từ đó nó trở thành một giếng thiêng, giếng cấm: cho nên mới có câu ca dao:
Nước giếng Hàm Long đã trong lại ngọt;
Em thương anh rầy có Bụt chứng tri
Hay :
Chùa Hàm Long thơm trong giếng cấm,
Diêm tiêu nào ngăn được nước trong.
Trong khuôn viên chùa có Tháp Tổ Giác Phong, theo bia tháp: “Viên thọ Tỳ kheo giới, huý Pháp Hàm Giác Phong Thiền sư chi Tháp.” lạc khoảnh bia đề “Vĩnh Thịnh thập niên, thập nhị nguyệt, thập nhị nhật.” thì tháp được tạo dựng ngày 22 tháng 12 năm Vĩnh Thịnh thứ 10 (1715).
Ngoài ra còn có một nhóm tháp khác, đáng chú ý hơn hết là Niết Bàn Đai Tháp được Giáo hội Tăng Già Trung Việt xây năm 1952 để quy 19 tháp cổ ở vườn Chùa Báo Quốc vào đại Tháp.
Chùa Báo Quốc nổi tiếng cảnh đẹp, cây cối quang năm xanh phủ u tịch, ngôi chùa kiến trúc theo lối cổ thấp nằm khuất trong những tàng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Xưa nay chùa nổi tiếng có nhiều loài hoa và cây quý. Bốn mùa Xuân-Hạ-Thu-Đông đều có tao nhân mặc khách lui tới thăm chùa ngắm cảnh sáng tác thơ văn hội hoạ. Trong đó có nhà thơ nổi tiếng Tuy Lý vương Miên Trinh, ông đã nhiều lần đến đây và ngắm cảnh làm thơ, bài thơ Dạo Chơi Chùa Báo Quốc trong đó có những câu đã nói lên cảnh đẹp ảo huyền của chùa:
Chùa này nghe có vết xe tiên
Cảnh sắc như xưa tợ ảo huyền...
Ngày nay, chùa Báo Quốc là một trong những điểm du lịch ưa thích của du khách khi đến Huế. Thiên nhiên và kiến trúc của chùa Báo Quốc có thể nói là một danh lam thực thụ, toàn cảnh của ngôi chùa này đến nay vẫn còn giữ được hồn xưa tĩnh mặc.
Du lịch, GO! - Theo DulichHue
Link to full article
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét