Cầu Cần Thơ - cây cầu cao nhất nước, biểu trưng cho sự phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long - như chỉ thích hợp cho các loại xe hiện đại. Nhìn cây cầu cao vút, không ai nghĩ là mình có thể đạp xe qua được.
Thế nhưng, hằng ngày vẫn có nhiều người đạp xe qua lại cầu Cần Thơ. Họ còng lưng đạp xe qua cầu vì chén cơm manh áo cũng có, mà vì tự nguyện “hành xác” cũng có.
Đi “xe thuốc” qua cầu
Theo quan niệm của dân Nam Bộ, cái gì có lợi cho sức khoẻ đều là “thuốc”, như kính thuốc (trị các bệnh về mắt), nệm thuốc (trị đau lưng, nhức mỏi), gối thuốc (trị đau đầu), dép thuốc (trị phong thấp)... Bây giờ còn có thêm khái niệm “xe thuốc”, tức đạp xe để rèn luyện sức khoẻ.
< Ông Nguyễn Thành Trung mỗi sáng đạp xe 2 vòng qua cầu Cần Thơ.
Tôi có thói quen, nếu đi công tác xa nhà, không có điều kiện chơi thể thao, sáng nào cũng dậy sớm đi bộ tập thể dục. Chơi thể thao thì hứng thú, không thấy ngán, còn đi bộ thể dục một mình rất dễ chán. Để cho đỡ nhàm chán, tôi nghĩ ra cách gắn chuyện đi bộ với chuyện khác thú vị hơn. Khi ra Hà Nội, tôi đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm để xem xung quanh hồ trồng những loại cây gì. Hết xem cây, tôi “đo” chu vi hồ bằng những bước chân, nhờ vậy mà tôi biết con đường quanh hồ dài khoảng 1,6km (1.700 bước).
Cũng với cách ấy, tôi đã đi bộ quanh hồ Xuân Hương (Đà Lạt) và đo được gần 7.500 bước (khoảng 7km). Về công tác và ngủ lại Cần Thơ, ở đây không có cái hồ nào để tôi đếm bước. Nhưng ở “Tây Đô” có một nơi đi bộ thể dục thú vị hơn nhiều, đó là cầu Cần Thơ. Tôi chạy xe gắn máy đến gửi nhà người quen dưới chân cầu, xong tha hồ “đo” chiều dài cây cầu. Nhờ vậy mà tôi biết, sáng sớm có rất nhiều người chọn cầu Cần Thơ làm nơi tập thể dục, đi bộ hoặc chạy xe đạp. Dù đi bộ hay đạp xe, khi lên đến đỉnh cầu, ai cũng dừng lại đôi phút để “xả hơi”, hít thở không khí trong lành, ngắm nhìn cảnh “Tây Đô” còn chưa thức giấc.
Hai cô gái tuổi độ 30 đi song song nhau thật nhanh như đua xem ai tới đỉnh cầu trước. Đến nơi, họ cười hể hả rồi đứng tựa vào lan can cầu. Một cô kêu đứng nghỉ, cô còn lại kêu đi tiếp, bận về mới nghỉ. Thấy tôi đến bắt chuyện, cô đòi nghỉ đon đả chuyện trò, như thể tôi là cái cớ để cô được đứng nghỉ. Cô tự giới thiệu tên là Trang, làm nghề thợ may tại nhà ở khu đô thị 586 dưới chân cầu.
Sáng nào Trang cũng cùng cô bạn gần nhà đi một vòng qua lại cầu Cần Thơ, mất hơn 1 giờ, xong về nhà tắm rửa rồi đi chợ. Hỏi thăm chuyện chồng con, cô gái nói: “Ảnh không thích đi bộ, chỉ đánh tennis. Nhưng hồi hôm nhậu quắc cần câu, sáng nay ảnh dậy không nổi, còn nằm ngủ ở nhà...”.
< Đội xe đạp thể dục của các cụ già vượt dốc cầu Cần Thơ.
Chia tay 2 cô gái, tôi đến làm quen một “cuarơ” vừa mới dừng xe trên đỉnh cầu. Ông tên Nguyễn Thành Trung - 61 tuổi, làm ở Cty CP hàng hải Phú Mỹ (chuyên về xây dựng giao thông, quận 7, TPHCM). Ông Trung cho biết, Phú Mỹ là công ty gia đình nên ông không “về hưu”. Ông Trung đang có chuyến công tác dài ngày ở Cần Thơ, ông đem xe đạp theo, sáng nào cũng chạy qua lại cầu Cần Thơ 2 vòng, tổng cộng khoảng 20 cây số. Ông Trung có thói quen đạp xe thể dục mỗi sáng cách đây hơn 10 năm. Lần ấy ông bị các chứng bệnh về tim mạch, sau khi điều trị từ bệnh viện về, ông được bạn bè rủ đi “đạp xe trị bệnh”.
Sau hơn 10 năm trở thành “cuarơ nghiệp dư”, bệnh tật trong người ông đã biến đâu mất hết. Mỗi chuyến công tác trong phạm vi vài trăm cây số, ông đều đi bằng xe đạp. Từ TPHCM, ông đạp xe đi Cần Thơ mất khoảng 9 tiếng, kể cả thời gian nghỉ dọc đường. Ông thích đi công tác Cần Thơ nhất, vì mỗi sáng được đạp xe qua lại cầu Cần Thơ, được hít thở không khí trong lành, ngắm khung cảnh yên bình hai bên dòng sông Hậu, ông như thấy khoẻ hơn bình thường.
Chiếc xe đạp “tay cầm ngang” của ông giá gần 10 triệu đồng, ông còn có chiếc xe “cuộc” để ở nhà giá hơn 20 triệu đồng. Ông nói: “Thay vì tiền để mua thuốc trị bệnh, tôi mua xe chạy thể dục”.
Trăm năm vẫn chạy tốt
Đi bộ đến lưng chừng cầu, tôi thấy một đoàn xe đạp đang thả dốc, trên xe là những ông lão râu tóc bạc phơ, áo quần cũng trắng tinh. Tôi tiếc vì không có cách gì dừng xe các cụ lại để hỏi chuyện. Thật may, khi tôi xuống tới chân cầu thì thấy các cụ đang tập trung ở bờ sông xem người ta câu cá. Các cụ thuộc Câu lạc bộ xe đạp Cần Thơ, sáng nào cũng chạy xe qua cầu 1 vòng, xong về ăn sáng, uống càphê ở bến Ninh Kiều.
Cụ Nguyễn Văn Tân - năm nay đã 82 tuổi, râu bạc như cước, nhưng lúc nào cũng cười vui hóm hỉnh - cho biết: “Câu lạc bộ xe đạp tụi tui có lâu rồi, hồi trước mỗi sáng đạp quanh quẩn trong thành phố.
Từ khi có cầu Cần Thơ, chúng tôi đổi “tuyến” qua đây”. Theo cụ Tân, đạp xe qua cầu Cần Thơ thú vị hơn nhiều so với đi trên đường trường trước đây. Ngoài chuyện thể dục, mỗi sáng tinh mơ được “leo” lên cây cầu hiện đại nhất nước, ai cũng thấy như thêm sảng khoái, tự hào, như được sờ tận tay sự phát triển của đất nước, của đồng bằng, của “Tây Đô”! Trong đội xe có 3 người ngoài 80 tuổi, số còn lại hầu hết là ngoài tuổi 70. Các cụ đã gần suốt đời gắn bó với “bắc” Cần Thơ.
Cách đây hơn 7 năm, khi công trình cầu Cần Thơ được khởi công thay cho bến “bắc” già nua, các cụ đều có chung niềm ước ao: “Ráng sống tới ngày cầu thông xe để đạp xe một mạch qua lại 2 bờ sông Hậu rồi có nhắm mắt theo ông theo bà cũng vui”. Nay cầu Cần Thơ đã thông xe một năm rưỡi, các cụ cũng có chừng ấy thời gian đạp xe qua cầu, nhưng không ai “theo ông theo bà”, mà vẫn sống vui, sống khoẻ. Nói cho đúng là có một người đã không thực hiện được lời ước đó.
Trò chuyện với các cụ, tôi nhận ra rằng không ai trong họ sợ chết, dù tất cả đều “thất thập cổ lai hy” trở lên. Các cụ đang đặt ra cái mốc “90” để phấn đấu vượt qua, tức tới 90 tuổi mà vẫn đạp được xe qua cầu Cần Thơ. Có cụ còn lạc quan hơn khi đưa ra hẳn cái mốc “một trăm năm vẫn chạy tốt!”.
Ngày mấy lượt qua cầu
Không phải tất cả những người đạp xe qua cầu Cần Thơ lúc sáng sớm đều nhằm tập thể dục. Có những trường hợp đạp xe khẩn trương hơn, bằng những chiếc xe đạp cà tàng, họ đạp thẳng một mạch chứ không dừng lại trên đỉnh cầu để hít thở, ngắm nhìn trời mây sông nước.
Anh công nhân Trương Văn Hùng (ngụ ấp Mỹ Hưng, xã Mỹ Hoà, huyện Bình Minh, Vĩnh Long) đạp xe ngang đỉnh cầu đúng 6h30 sáng. Ấp Mỹ Hưng của anh Hùng từng có số nạn nhân nhiều nhất trong sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ vào tháng 9.2007.
Lúc ấy anh Hùng cũng tham gia công trình cầu Cần Thơ, nhưng không có mặt ở nơi xảy ra tai nạn. Anh có 2 người bạn thân nằm trong danh sách 53 người không may mắn ấy.
Cầu Cần Thơ được xây dựng xong, anh Hùng chuyển đến làm ở Cty cầu đường 721 cho đến nay. Ngày nào anh Hùng cũng đạp xe qua cầu đến công trình lúc sáng sớm, buổi chiều tan ca lại đạp trở về nhà. Đối với anh, việc đạp xe qua cầu không thú vị như những người đi thể dục. Nhiều bữa tan ca mệt nhoài, đến chân cầu Cần Thơ, nhìn dốc cầu cao chót vót, anh Hùng thấy chùn chân. “Nhưng so với cảnh qua phà chờ đợi lâu lắc, thì qua cầu vẫn tốt hơn” - anh Hùng nói.
Dù sao thì anh Hùng cũng qua lại cầu lúc chưa có nắng (buổi sáng) hoặc lúc nắng đã dịu (buổi chiều). Có những người đạp xe qua cầu nhiều lần hơn, vào lúc mặt trời nắng chói chang.
Trở lại cầu Cần Thơ lúc giữa trưa, khung cảnh không còn “êm đềm” như lúc sáng sớm, mà trở nên xô bồ. Nhiều người qua cầu bằng xe gắn máy dừng lại trên đỉnh cầu để ngắm cảnh, chụp ảnh...
Những người bán vé số, bán kẹo caosu, thuốc lá cũng có mặt để phục vụ họ, dù chuyện mua bán trên cầu bị cấm.
Một người chạy xe đạp bán vé số tên là L cho tôi biết, anh vừa bán vừa quan sát dưới chân cầu, khi thấy thấp thoáng bóng cảnh sát giao thông là lên xe “đổ dốc” trốn ngay, đến khi “êm” lại đạp xe lên bán tiếp. Trung bình mỗi ngày anh đạp xe lên cầu Cần Thơ khoảng chục bận.
Không biết anh có phải là người đạp xe qua cầu Cần Thơ nhiều nhất hay chưa?
Du lịch, GO! - Theo Laodong, ảnh internet
Link to full article
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét