Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

Vượt hai đảo về Long Hải (Phần 3)

Sau khi qua cầu Cửa Lấp thì bọn mình giáp mặt làng chài Phước Tỉnh thuộc thị trấn Long Điền - Cứ theo đường này đến ngã 3 Lò Vôi, rẽ phải và chạy vài cây số nữa là sẽ đến chợ, kế đó là biển Long Hải.

< Dừng lại đôi phút ngắm nhìn Palace: căn nhà đẹp trên ngọn đồi nhỏ đang tu sửa...

Theo mình biết thì Long Hải là một thị trấn thuộc huyện Long Đất, Bà Rịa - Vũng Tàu. Về địa lý thì Long Hải phía đông giáp thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ), phía tây giáp xã Phước Hưng và Biển Đông, phía nam giáp Biển Đông, phía bắc giáp xã Long Mỹ (huyện Đất Đỏ) và xã Phước Hưng.

Với diện tích 12,54 km² cùng dân số khoảng 40 ngàn người nhưng đây là một địa điểm du lịch đẹp: có núi, có biển kèm theo những dịch vụ phục vụ khách vãng lai khá đầy đủ.

< Vẫn chạy thẳng theo đường trên sẽ gặp biển và Dinh Cô kề cận đó. Bọn mình sẽ ghé lại nơi này sau, còn bây giờ kiếm chỗ ở cái đã.

Địa hình Long Hải với những dãy núi cao khoảng vài trăm mét, dài hàng chục cây số có thể là những chấn động tạo sơn kéo dài từ những cao nguyên Lang Biang, Di Linh rồi thấp dần trước khi hòa vào với biển.

Mùa khô, rừng ở đây xơ xác, bày ra những cụm đá granit muôn hình nghìn vẻ, một thế giới thú vị của đá đang kể lại cho bạn nghe về quá trình diễn tiến địa chất xa xưa của mình trước khi định hình. Còn thế giới thực vật là những cánh rừng thứ sinh bán khô hạn từ Ninh Thuận, Bình Thuận trở vào. Nhưng rừng Long Hải sẽ đâm chồi, nảy lộc, đơm hoa ngay sau một mùa mưa đẫm nước.

< Đường ngay Dinh Cô sát biển, chạy thẳng sẽ vào Đoàn an dưỡng 298 (ngày xưa là doanh trại QĐ) - vẫn chạy theo đường này sẽ gặp cửa sau ra khu dân cư: tại đây rất nhiều nhà nghỉ to bé, thích chổ nào thì nhào vô... trả giá thôi.
Bọn mình thuê phòng ở nhà nghỉ be bé này: 150k/ngày phòng máy lạnh (nếu quạt thì 100k.
< Nhận phòng xong, xếp hành lý xuống rồi thì ra tham quan biển - bãi chỉ cách vài mươi thước.

Chỉ cách Vũng Tàu bằng một cửa biển (Cửa Lấp) nhưng Long Hải không nhộn nhịp bằng nhưng chính vì vậy mà thị trấn ít xô bồ hơn, ít gặp chuyện "chặt chém" và giá cả sinh hoạt cũng mềm hơn.
< Một mình một biển một đất trời, sướng thật! Khúc có cờ đen trở đi là không nên tắm, còn từ đó trở đi đến mấy cây số phía này thì thoải mái.
Biển Long Hải có độ lài, cát vàng sậm và độ mặn không cao (trong mùa này). Nước đục, không trong xanh như mùa hè nhưng tương đối sạch, ít rác.

Khách sạn, Resort cạnh biển thì nơi này không thể so sánh được với phố biển Vũng Tàu nhưng chính vì vậy mà những bãi biển tự do tắm (dân sinh, free) rất nhiều, không thuộc "hàng hiếm" như tại Vũng Tàu.

< Đường đi xuống bãi - tường rào là của bên Đoàn an dưỡng 298 nhưng mé biển thì thông suốt.

Còn nếu tính về khoảng cách thì Long Hải gần TP HCM hơn:
- Thành phố Vũng Tàu cách thành phố Hồ Chí Minh 125km.
- Thị trấn Long Hải cách thành phố Hồ Chí Minh 110km.

< Ngắm biển một hồi, bọn mình trở lên thì gặp ngay cái nhà nghỉ theo ảnh bên, trông như mới xây, chắc là phải sạch đẹp... nhưng đã lỡ thuê rồi, he he.
Thôi, chỗ kia cũng khá tốt nếu không quá đòi hỏi.
< Về phòng lấy xe chạy loanh quanh cho quen đường xá, ra chợ kiếm bữa trưa: 20k cơm cá thu có kèm canh, chất lượng tươi ngon!

Thăm Long Hải vào mùa Xuân, thiên nhiên có thể sẽ phô diễn cho bạn một cảnh tượng hoành tránh đến bất ngờ đấy. Từ một khu rừng xác xơ, khô khát qua mùa khô... nhưng chỉ sau vài trận mưa ướt đẫm là cả một thiên nhiên như bừng tỉnh, như vừa tắm gội, sáng lòa, cây cối đâm chồi, nảy lộc, kết nụ, trổ hoa như trong thần thoại, có khi chỉ sau một đêm!

< Trở lại Dinh Cô ngay giấc trưa nồng oi bức trong khi trời lại không gió. Bụng nghĩ thầm xứ biển "hầm" bà cố nhưng hôm sau gió thổi mình muốn bay luôn đấy.

Dinh Cô là một khu đền có kiến trúc hoành tráng với những nét kiến trúc truyền thống in đậm màu sắc văn hóa dân gian.
Theo truyền thuyết kể rằng: cách đây 200 năm có một cô gái trẻ tên Lê Thị Hồng (tục danh là Thị Cách) quê ở Phan Rang trên đường đi qua đây thì thuyền gặp giông bão. Cô bị rớt xuống biển tử nạn, xác trôi dạt vào Hòn Hang.

Nhân dân vùng này đã chôn cất Cô trên đồi Cô Sơn và lập đền thờ gần biển. Từ đó Cô luôn hiển linh, mộng báo điềm lành, diệt trừ dịch bệnh nên vào năm 1930 người dân trong vùng đã lập đền thờ và tôn xưng Cô là Long Hải Thần Nữ.

Thoạt đầu Dinh Cô chỉ là một ngôi miếu nhỏ đơn sơ. Năm 1930 Dinh Cô được xây dựng khá khang trang và đến năm 1987 thì được xây dựng lại như hiện nay sau khi bị hỏa hoạn.

< Đi lông bông phía dưới một hồi, nhấp nháp ly cà phê cho tỉnh táo xong thì "tiến lên": vào tham quan dinh một phát nào.

Dinh Cô có diện tích trên 1.000m². Cổng Tam quan vào Dinh Cô nằm dưới chân mũi Thùy Vân, đắp nổi “Long hổ hội”, phía trên có “Lưỡng long chầu nguyệt” và song phụng chầu. Lối lên điện Cô là 37 bậc tam cấp.
< Do cạnh dinh là bãi tắm nên lối lên có bảng này: "Lưu ý nơi trang nghiêm, yêu cầu quý khách không ở trần, mặc đồ tắm lên Dinh Cô".
Mình nghe loáng thoáng ông khách gần đó nói vui: "Vậy không... mặc gì hết vẫn không phạm quy?", pó chiếu ông khách ngầu, he he...
Chính điện Dinh Cô bài trí 7 bàn thờ. Ngay trung tâm chánh điện là bàn thờ Bà Cô.

Nổi bật với bức tượng Bà Cô cao hơn 0,5m, mặc áo choàng đỏ, viền kim tuyến lấp lánh, đội mũ gắn ngọc. Phía sau cạnh bàn thờ Bà Cô là bàn thờ Diêu Trì Phật Mẫu, Chúa Cậu (Nhị vị Công tử, tức là Cậu Tài, Cậu Quý), Ngũ Hành Nương Nương, Tứ Pháp Nương Nương (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện), Ông Địa, Thần Tài...
Ngoài chính điện, ngư dân còn lập bàn thờ Cửu Thiên Huyền Nữ, Chúa Ngọc Nương Nương, Chúa Tiên Nương Nương, Chư vị, Bà Mẹ Sanh, Chủ tịch Hồ Chí Minh và miếu thờ Hỏa Tinh Thánh Mẫu, Quan Thánh Đế Quân, Quan Thế Âm Bồ Tát.

Liên quan đến Dinh Cô là Mộ Cô, nằm trên đồi Cô Sơn, cách Dinh Cô chừng 1km. Mộ Cô là một nơi khang trang đẹp đẽ, thu hút nhiều người đến thăm viếng, chiêm bái, đặc biệt là trong dịp diễn ra lễ Nghinh Cô.

Hàng năm lễ hội Dinh Cô được ngư dân Long Hải tổ chức rất long trọng theo nghi thức cổ truyền vào 3 ngày từ 10 đến 12 tháng 2 âm lịch.

Trong ngày lễ. Dinh Cô được trang hoàng hết sức rực rỡ, trang nghiêm, có chăng đèn kết hoa. Các nhà trong vạn ghe đều đặt bàn hương, trên có nhang đèn, bánh trái, mâm xôi... ban đêm có treo đèn lồng. Các tàu thuyền của ngư phủ đều đậu ờ bến, mỗi chiếc đều treo đèn giấy nhiều màu, kết hoa từ mũi đến lái, kể cả cột buồm.

Những chiếc thuyền ghe từ các làng cá như Long Hải, Phước Hải, Phước Tỉnh, Vũng Tàu và một số thuyền ghe từ miền Trung vào đều trở nên rộng lẫy. Vì thế, ban đêm ở đây hiện ra cảnh nhộn nhịp huy hoàng của hội hoa đăng. Thuyền ghe nào ở đây cũng hướng mũi vào trước Dinh Cô thực hiện nghi thức "Chầu Cô".

Ngày đầu tiên có cúng Tiền hiền, Hậu hiền và tung niệm cầu quốc thái dân an. Bước sang ngày thứ 2 (11 tháng 02), ở lễ hội hội có tổ chức hội thi chèo thúng và bơi lội : buổi tối có cúng Tiên thường.

< Rời nơi này, bọn mình hướng về đồi Cô Sơn, nơi có Mộ Cô.

Ngày chính hội là ngày 12 tháng 02. Ngay từ buổi sáng ngư dân đã tổ chức lễ Nghinh Cô (ngoài biển) về dinh để nhập điện. Lễ hội Dinh Cô là một trong những lễ hội quốc gia lớn nhất ở Nam Bộ.
< Khung cảnh nơi đây thật đẹp, có nhiều ghế đá để du khách ngồi ngắm biển. Muốn xuống bãi thì cứ theo những bậc thang nhưng bãi biển ở đấy có bảng "Cấm tắm" vì nhiều đá, nguy hiểm.
< Còn đây là Mộ Cô với quy cách xây dựng đẹp ngay trên đồi Cô Sơn với nhiều ngõ có bậc thang cho khách lên xuống.
Dinh Cô có nhiều hàng quán vây quanh, tận dụng luôn cả những ghế đá nên hơi xô bồ nhưng tại Mộ Cô thì không có cảnh này.
Vì vậy từ giấc chiều cho đến đêm: lúc nào cũng có khách đến thăm viếng, hóng gió trong không khí tỉnh lặng - thả lòng theo tiếng ì ầm của những con sóng vỗ bờ...

Đến Long Hải mà bạn không ghé nơ này thì thật là đáng tiếc lắm nghen...


Còn tiếp

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!

Link to full article

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét