Chiều nay 20-11, lễ thông xe hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn và toàn tuyến đại lộ Đông - Tây chính thức được tổ chức tại hai đầu phía Q.1 và Q.2 (TP.HCM). Khoảng 500 khách mời là lãnh đạo trung ương, các tỉnh, TP và lãnh đạo cao cấp của Nhật Bản, lãnh sự quán các nước tại TP.HCM, các tập đoàn đầu tư nước ngoài... sẽ tham dự buổi lễ.
Giải tỏa áp lực cho cầu Sài Gòn
Buổi lễ thông xe sẽ diễn ra từ 14g đồng thời ở sân khấu chính tại đầu hầm phía Q.2 và sân khấu phụ tại khu vực đầu hầm dẫn phía Q.1. Sau lễ thông xe, từ 17g-20g Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN TP.HCM sẽ tổ chức cho khoảng 2.500 người dân gồm đại diện các đoàn thể, các giới, người dân các quận huyện đi bộ tham quan hầm Thủ Thiêm. Từ 6g ngày 21-11 hầm Thủ Thiêm sẽ chính thức được thông xe, kết nối niềm mơ ước giữa hai bờ sông Sài Gòn.
Việc đưa vào sử dụng hầm Thủ Thiêm sẽ tạo sự kết nối thông suốt của toàn tuyến đại lộ Đông - Tây dài 21,89km bao gồm đường Võ Văn Kiệt (dài 14,317km), hầm Thủ Thiêm (dài 1,49km) và phần còn lại của đại lộ Đông - Tây (từ đầu hầm phía Q.2 tới cầu vượt ngã ba Cát Lái dài khoảng 6km).
Tuyến đại lộ Đông Tây - Võ Văn Kiệt là tuyến đường dài nhất nội ô TP và hầm Thủ Thiêm là đường hầm dài nhất Đông Nam Á được khánh thành sau gần bảy năm thi công.
Hình thành tuyến đại lộ Đông - Tây giúp TP.HCM kết nối gần hơn với Tây Nam bộ và Đông Nam bộ. Theo đó, từ trung tâm TP đi đại lộ Đông - Tây về các tỉnh miền Tây rút ngắn thời gian xe chạy khoảng 20 phút hoặc từ trung tâm TP đi các tỉnh miền Đông và ra biển Vũng Tàu qua đại lộ Đông - Tây cũng sẽ nhanh hơn. Tuyến đường mới này còn góp phần giải tỏa áp lực cho cầu Sài Gòn đang quá tải.
Nền tảng cho phát triển
“Việc thực hiện dự án này thể hiện tầm nhìn chiến lược về phát triển giao thông vận tải TP.HCM và phát huy vai trò giao thương giữa TP.HCM với các tỉnh.
Trong quá trình thực hiện dự án, khó khăn lớn nhất là giải quyết đền bù giải tỏa cho 6.744 hộ và 368 cơ quan, đơn vị. Có thể nói số lượng đền bù giải tỏa ở dự án này có quy mô lớn nhất TP và không có vụ khiếu kiện nào làm chậm tiến độ dự án. Điều quan trọng nhất là dự án đã cải thiện cuộc sống của hàng chục ngàn cư dân ven kênh rạch vào năm khu tái định cư của dự án và ở nhiều khu dân cư khác.
Mặt đường Bến Chương Dương, Bến Hàm Tử và đường Trần Văn Kiểu xưa kia chật hẹp có hai hai làn xe nay trở thành tuyến đại lộ Đông Tây - Võ Văn Kiệt cho 8-14 làn xe lưu thông đã làm thay đổi bộ mặt cảnh quan khu vực trung tâm TP. Các tuyến kênh Tàu Hủ, Bến Nghé được cải tạo và nhiều chiếc cầu cũ được mở rộng nâng cấp hoặc xây dựng mới như cầu Chữ Y, cầu Chà Và, cầu Calmette, cầu Khánh Hội... đã làm thông thoáng lưu thông từ các quận 4, 8 gần với trung tâm TP. Tuyến đại lộ Đông - Tây mới mở về Q.2 sẽ là nền tảng cho sự phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm” - ông Lê Toàn (phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM).
“Cùng với đại lộ Đông Tây - Võ Văn Kiệt, hầm Thủ Thiêm, đường nối cầu Phú Mỹ, đường nối đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây... tạo thành mạng lưới giao thông khá hoàn chỉnh ở phía đông, giảm bớt áp lực giao thông cho trung tâm TP. Đồng thời Q.2 còn có khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu cảng Cát Lái, khu đô thị trung tâm hành chính ở Thạnh Mỹ Lợi...
Tất cả những dự án trên sẽ tạo động lực để Q.2 phát triển nhanh hơn trong thời gian tới” - ông Tất Thành Cang (bí thư kiêm chủ tịch UBND Q.2, TP.HCM).
Hầm Thủ Thiêm có tuổi thọ 100 năm
Chiều 19-11, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tổ chức cuộc họp báo thông tin về hầm Thủ Thiêm - hầm dìm đầu tiên ở Đông Nam Á - sẽ được thông xe vào ngày 20-11. Ông Motonori Tsuno - trưởng đại diện của JICA tại VN - cho biết đây là công trình có quy mô lớn và có ý nghĩa đối với TP.HCM.
Trả lời câu hỏi của các báo, giám đốc Công ty tư vấn Oriental (Nhật) cho biết hầm Thủ Thiêm được thiết kế với kỹ thuật cao nhất và có tuổi thọ 100 năm. Sau thời gian bảo hành hầm là một năm, các đơn vị của Nhật sẽ chuyển giao công nghệ về quản lý và điều hành.
Theo JICA, để hầm Thủ Thiêm vận hành 100 năm, VN bảo đảm nguồn vốn duy tu công trình thông qua việc thu phí giao thông. Đồng thời cần xem xét xử lý xe quá tải trọng lưu thông làm đường mau xuống cấp. Các nhà thầu Nhật Bản cho biết qua công trình này VN có thể xây dựng công trình có quy mô tương tự.
Những cột mốc của hầm Thủ Thiêm và đại lộ Đông - Tây
Ngày 31-1-2005: Chính thức khởi công dự án xây dựng đại lộ Đông - Tây đi qua địa bàn tám quận huyện gồm Q.1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh. Trong đó xây dựng hầm Thủ Thiêm nối Q.1 - Q.2, xây dựng mới tám chiếc cầu qua kênh Bến Nghé - Tàu Hủ và năm cầu vượt. Tổng vốn đầu tư dự án là 700 triệu USD (phía Nhật tài trợ khoảng 65% vốn, còn lại là vốn đối ứng của VN).
Ngày 13-9-2007: Đổ mẻ bêtông đầu tiên đúc bốn đốt hầm Thủ Thiêm ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Mỗi đốt hầm dài 92m, rộng 33m, cao 9m và nặng khoảng 27.000 tấn.
Ngày 2-9-2009: Thông xe giai đoạn 1 dự án đại lộ Đông - Tây từ cầu Calmette (Q.1) đến quốc lộ 1A (huyện Bình Chánh) dài 13,4km, rộng 42-60m. Tuyến đường này sau đó được đặt tên là đường Võ Văn Kiệt.
Ngày 7-3-2010: Bắt đầu lai dắt đốt hầm đầu tiên theo tuyến sông Nhà Bè, sông Sài Gòn dài 22km về đến vị trí đặt hầm Thủ Thiêm gần bến Nhà Rồng.
Ngày 21-9-2010: Hợp long thành công hầm Thủ Thiêm với 1,49km nối thông đôi bờ sông Sài Gòn từ Q.1 - Q.2.
Từ 6g ngày 21-11-2011: Chính thức mở hầm Thủ Thiêm thông xe toàn tuyến đại lộ Đông - Tây.
Du lịch, GO! - Theo Tuoitre, internet
Lưu thông qua hầm Thủ Thiêm như thế nào?
Link to full article
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét