Khu di tích Chín Hầm nằm ở triền núi Thiên Thai, thuộc thôn Ngũ Tây, xã Thủy An (nay là phường An Tây), thành phố Huế.
Chín Hầm mang dấu ấn khắc ghi của một thời đau thương, mất mát nhưng đầy anh dũng kiên cường của một thời khắc lịch sử của dân tộc ta. Khép lại quá khứ, “vùng đất cấm” Chín Hầm ngày nào đang hoá thân thành một địa chỉ du lịch đặc biệt của cố đô Huế với hình ảnh của màu xanh du lịch sinh thái.
"Chín hầm"... nỗi đau xưa:
Khu vực Chín Hầm nằm giữa một vùng đồi thông cách Huế khoảng 6 km về phía Tây Nam, dưới chân núi Thiên Thai (còn gọi là núi Ngũ Tây hay núi Ba Đồn).
Theo Bản lược kê lý lịch di tích của Bảo tàng Thừa Thiên - Huế, vào năm 1941, “khu vực Chín hầm” được thực dân Pháp xây dựng trên quả đồi nhỏ, với độ cao khoảng 35m, đây là chín gian hầm bằng bê tông cốt sắt được xây để cất giấu vũ khí, sau này chúng đã cải tạo, sửa chữa những lô cốt ấy thành các nhà tù điển hình.
Tuy nhiên có một chi tiết đặc biệt thú vị là dù mang danh xưng “Chín hầm” nhưng thật ra tất cả chỉ có tám hầm và một ngôi nhà gác (trại lính) đóng ở đỉnh đồi. Vì vậy, xưa nay gọi là Chín hầm nghĩa là kể luôn cả trại lính. Dưới thời chính quyền Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Cẩn với vai trò “Chúa tể miền Trung” đã cải tạo Chín Hầm trở thành nơi giam cầm các chiến sĩ cách mạng và những người tham gia các phong trào yêu nước…
Điểm du lịch đặc biệt
Cụm di tích này đã được Nhà nước công nhận vào năm 1993 với tên gọi “di tích lịch sử lưu niệm tội ác Khu vực Chín Hầm và nhà Ngô Đình Cẩn” thuộc thôn Ngũ Tây, xã Thuỷ An, tỉnh Thừa Thiên Huế.UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế đã giao cho Công ty du lịch Hương Giang - làm chủ đầu tư dự án, xây dựng “vùng đất cấm ngày nào” trở thành một khu du lịch sinh thái, tham quan di tích quốc gia. Hiện tại, Công ty du lịch Hương Giang đang cùng các đơn vị thi công triển khai xây dựng Tượng đài bất khuất, Bức phù điêu dưới chân tượng đài, sân hành lễ, nhà tưởng niệm, nhà đón tiếp...tại khu vực di tích Chín Hầm.
Song song với tiến trình xây dựng, Công ty du lịch Hương Giang đã cho “phủ xanh” khu vực di tích Chín Hầm bằng các cây ngô đồng, cây thông, cây sim, cây sến, cây hoàng hậu, cây tùng bút...cùng các loại cỏ Nhật, cỏ ba lá...
Những loại cây này được trồng phân bổ hợp lý để tạo nên cảnh quan thiên nhiên hữu tình hài hoà với cảnh sắc hùng vĩ của vùng đồi núi Thiên Thai.
Bên cạnh đó, di tích lịch sử Chín hầm và nhà Ngô Đình Cẩn có vị trí gần lăng Khải Định, bên cạnh dự án Khu du lịch Đồng quê đang được triển khai xây dựng, đã hình thành nên một tam giác du lịch rất hấp dẫn và kỳ thú.
Du lịch, GO! - Tổng hợp từ báo Thương Mại, ThuathienHue và nhiều nguồn khác
Link to full article
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét