Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011

Lễ cưới truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên

Các thiếu nữ người Giẻ Triêng đến tuổi lấy chồng được cha mẹ làm cho những cái lều xung quanh làng làm nơi hẹn hò. Khi ưng ý người bạn trai nào đó, nàng mời chàng tối đến, ở cùng. Sau những đêm tâm sự nếu chàng trai chưa thổ lộ tình cảm hoặc thấy không hợp, thì phải nộp phạt cho nhà gái một con gà và một ché rượu.

Nam nữ thanh niên được tự do gặp gỡ, tìm hiểu nhau. Nơi gặp gỡ, tỏ tình, có thể là trong rừng, trên rẫy, ở nhà rông, vào những ngày cưới, hội lễ của làng.Thông thường, sau khi hai bên trai gái đồng ý, họ thưa với cha mẹ nhờ người mối đi hỏi. Qua ông mối, các thiếu nữ Jrai và Ê đê nhắn ngỏ tình cảm và đưa tặng người yêu chiếc vòng tay. Nếu người bạn trai nhận vòng, hôn lễ sẽ được tiến hành.

Trong lễ hỏi của người M’nông, người mối đem hai ống lồ ô trong đựng mǎng chua và da trâu thái nhỏ sang nhà gái cầu hôn. Nếu nhà gái đổng ý thì nhận hai ống lồ ô làm vật giao ước. Nếu việc cầu hôn bị từ chối, ông mối mang bát gạo do nhà gái đưa cho để báo lại việc từ hôn.

Sau lễ ǎn hỏi, người Êđê thường có tục “gửi dâu”, họ hàng nhà gái dẫn cháu gái đến nhà chồng chưa cưới ở như con trong gia đình. Thời gian “gửi dâu” càng lâu thì sính lễ nhà gái phải nộp cho nhà trai càng giảm.

Đám cưới thường được tổ chức vào cuối nǎm, lúc rỗi rãi và no đủ. Lễ cưới của người M’nông mở đầu bằng việc nhà gái mang biếu họ hàng nhà trai mỗi người một bát gạo đầy. Mỗi bát gạo này sẽ tương ứng với một cái ché mà nhà trai phải tặng lại nhà gái. Hôm cưới, hai người làm chứng đại diện cho hai họ xúc cho cặp tân hôn mỗi người ba miếng cơm và ngược lại, đôi tân hôn cũng xúc trả lại cho hai người làm chứng ǎn.

Sau đó đôi vợ chồng mới cưới uống rượu chung trước tiên để mở đầu cho bữa tiệc kéo dài vài ba ngày. Sau khi cưới phải cữ 7 ngày, đôi tân hôn tránh gặp người lạ và không ra khỏi nhà.

Lễ đính ước của người Gia rai được tổ chức qua bữa tiệc rượu cần ở nhà gái. Hôm đó, đôi trai gái cùng vít cần rượu uống chung. Sau đấy trao đổi vòng đeo tay cho nhau biểu hiện sự cam kết thuỷ chung. Tiếp theo là “đoán số phận qua giấc mơ lành, dữ”. Trong đêm tân hôn, nếu đôi vợ chồng thấy giấc mơ xấu thì lập tức phải đến nhờ ông mối cầu thần linh cho chung sống trong một nǎm để hoãn mộng. Đúng vào hẹn đó, nếu vợ chồng vẫn gặp mộng xấu, có thể phải bỏ nhau.

Trong đám cưới của người Cà Dong có tổ chức lễ ǎn thề không bỏ nhau của đôi vợ chồng. Hai vợ chồng trao cho nhau 9 miếng trầu, 9 miếng cau, ý chúc nhau sức khỏe và xum họp mãi mãi. Tiếp đó chồng trao cho vợ chuỗi cườm, và ngược lại, vợ trao cho chồng vòng đồng. Cặp vợ chồng trẻ còn lấy cơm nắm bôi lên đầu nhau, ý muốn hồn hai người nhập vào nhau, và bôi máu gà lên trán, ý muốn xua đuổi hồn dữ ra khỏi thể xác.

Với người Mạ, hôm cưới người ta phủ một cái chǎn lớn thêu đẹp lên đôi trai gái không mặc quần áo và cụng đầu hai người vào nhau bảy lần. Sau một lúc tượng trưng cho thời gian của một đêm hoa chúc, hai người thức dậy, lấy một bát thịt gà, rượu và vòng đeo tay. Chồng đeo vòng cho vợ và ngược lại. Vợ chồng uống chung rượu và cùng ǎn thịt gà. Sau một thời gian, nhà gái mang củi sang nhà trai để làm “lễ củi”. Số lượng gùi củi tương ứng với số khǎn mà nhà gái tặng họ nhà trai.

Người Giê Triêng quan niệm lễ cưới được tổ chức bất ngờ bao nhiêu thì đôi vợ chồng trẻ càng hạnh phúc bấy nhiêu. Hôm cưới, người ta làm lễ hợp cẩn, đôi trai gái trao nắm cơm với ít gan gà cho nhau ǎn, tiếp đó uống rượu chung. Có nơi, trong buổi lễ này, người ta đánh chiêng tập hợp dân làng, bắt đôi nam nữ nằm trên chõng tre để giữa nhà, cùng đắp chung tấm chǎn. Lại có nơi, người chủ trì buổi lễ dứt mấy sợi tóc của đôi trai gái bỏ lẫn lên đầu nhau với ngụ ý hợp hai hồn của họ làm một.

Trong đám cưới của người Ê đê có tục “té nước” vào chú rể như tục “mở cửa nhà” ở người Thái. Khi rước rể về nhà vợ, bạn bè của chàng rể chạy trước đón đường té nước vào người cô dâu chú rể, mỗi lần như vậy nhà gái phải nộp cho họ một số lễ vật. Người Ê đê cho rằng đám cưới nào có nhiều người chặn đường té nước thì đôi trai gái sau này cuộc sống sẽ hạnh phúc và khi chết sẽ có nhiều người thương, kẻ khóc.

Sau ngày cưới, chồng ở nhà vợ (Gia rai, M’nông, Ê đê, K' ho), hoặc ở nhà chồng (Mạ), hoặc luân phiên ở nhà chồng từ ba đến nǎm nǎm rồi lại chuyển sang ở nhà vợ bằng thời gian ấy (Xơ đǎng, Ba na, Giẻ Triêng).

Du lịch, GO! - Theo Langbian.net, internet

Link to full article

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét