Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2011

Làng cổ Đông Hòa Hiệp

Làng cổ Đông Hòa Hiệp ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang nổi tiếng với phong cảnh hữu tình nhờ có con sông Cái Bè bao quanh, cùng với hình ảnh những ngôi nhà cổ nằm ẩn mình thơ mộng giữa những vườn cây trái suốt bốn mùa xanh tươi, trĩu quả.

< Ngôi nhà cổ của gia đình ông Phan Văn Đức ở làng Đông Hòa Hiệp.

Cùng với làng Đường Lâm ở Hà Nội và làng Phước Tích ở Huế, làng Đông Hòa Hiệp là một trong 3 ngôi làng cổ ở Việt Nam được Tổng cục Du lịch Việt Nam cùng Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) lựa chọn để đầu tư phát triển mô hình du lịch nông thôn.

Không giống cách bố trí nhà san sát như ở làng cổ Đường Lâm và làng cổ Phước Tích, làng cổ Đông Hòa Hiệp có một khung cảnh nên thơ, thoáng đãng với những ngôi nhà cổ nằm thấp thoáng giữa những vườn cây trái rộng xanh tươi được bao bọc bởi con sông Cái Bè hiền hòa.

< Nội thất ngôi nhà được bài trí theo phong cách truyền thống.

Đến đây du khách sẽ được thưởng ngoạn cảnh đẹp bình yên của làng bằng cách đi xuồng trên sông hoặc đi bộ men theo những con đường len lỏi giữa các vườn cây rợp bóng.
< Gian thờ được chạm trổ tinh vi, cầu kỳ.

Một trong những điểm ấn tượng đối với du khách khi đến với làng cổ Đông Hòa Hiệp là hình ảnh của những ngôi nhà cổ mang đậm phong cách nhà vườn Nam Bộ có tuổi đời khoảng 150 năm.
< Du khách nước ngoài tham quan một ngôi nhà cổ ở Đông Hòa Hiệp.

Ngôi nhà cổ của ông Trần Tuấn Kiệt ở ấp Phú Hòa, xã Đông Hòa Hiệp nằm ẩn mình giữa một vườn cây ăn trái rộng 1,8 ha. Ngôi nhà 5 gian, rộng gần 1000 mét vuông với 108 cây cột làm bằng loại gỗ căm xe quý hiếm. Nhà được xây vào khoảng năm 1838.
< Bộ tủ và đồ trang trí khảm trai quý giá.

Trải qua gần 200 năm nhưng ngôi nhà vẫn còn như nguyên vẹn. Trên các vì kèo, ô cửa, bao lan… bằng gỗ người ta thấy có nhiều hình chạm khắc theo mô típ tùng, cúc, trúc, mai rất tinh tế và điêu luyện. Ngoài ra, trong nhà vẫn còn giữ được nhiều bộ liễn đối khảm xà cừ, các bộ bàn ghế chạm trổ rất công phu và nhiều vật dụng bằng sứ quý hiếm.
< Một bộ đèn dầu có từ thời Pháp.

Bà Lê Thị Chính, vợ của ông Trần Tuấn Kiệt cho biết, thời xưa, ông cố của chồng bà là quan tri huyện, là người rất thích chơi đồ cổ nên đã thuê thợ giỏi từ ngoài kinh đô Huế vào dựng mất mấy năm trời mới xong ngôi nhà này và ông cũng đã bỏ rất nhiều tiền của để sưu tầm được rất nhiều đồ cổ quý hiếm.

< Tủ đựng các đồ gốm sứ cổ.

Năm 2002, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tài trợ hơn 1,8 tỉ đồng để sửa chữa lại ngôi nhà này, đồng thời cử một nữ kiến trúc sư người Nhật đến ăn ở tại chỗ để giám sát công việc trong hơn 6 tháng liền. Nhờ đó, các chuyên gia Nhật Bản đã phục chế được toàn bộ kiến trúc của ngôi nhà và vật dụng trang trí bên trong nhà theo đúng nguyên bản như xưa.
< Du khách tnước ngoài ham quan ngôi nhà cổ ông Trần Tuấn Kiệt.

Ngôi nhà cổ thứ hai của làng Đông Hòa Hiệp được nhiều du khách viếng thăm là nhà của ông Phan Văn Đức. Nhà xây vào năm 1850, có lối kiến trúc Đông – Tây kết hợp. Nếu như mặt tiền của ngôi nhà được xây theo kiểu Pháp với những hàng cột tròn, mái vòm uốn cong đầy lãng mạn, thì bên trong nội thất lại là một không gian kiến trúc thuần Việt. Hiện trong nhà vẫn còn lưu giữ được nhiều vật dụng quý và đẹp cho thấy một thú chơi phong lưu, tao nhã của những gia đình giàu có ở Nam Bộ xưa kia.

< Nét duyên dáng của thiếu nữ làng cổ Đông Hòa Hiệp.


Hiện nay, làng cổ Đông Hòa Hiệp đang là một điểm đến đầy hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Ước tính trung bình mỗi năm, làng đón khoảng 100.000 lượt du khách đến tham quan. Đặc biệt, lượng khách nước ngoài đến đây ngày càng tăng.

Du lịch, GO! - Theo Báo Ảnh VN

Link to full article

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét