Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

Chợ nổi Cà Mau

Nằm giữa lòng thành phố Cà Mau, quãng cuối sông Gành Hào, đứng trên cầu nhìn về phía mặt trời mọc, người ta có thể nhìn thấy một dãy ghe rập rờn xao động cả mặt sông, những cái chân vịt gác chỏng lên loang loáng dưới mặt trời. Không biết chợ đã hình thành từ khi nào, phải chăng từ những chiếc ghe thương hồ xuôi ngược một hôm neo đậu gần nhau để mồi xin chút lửa, trao đổi cho nhau nắm gạo lứt, tấm vải bố tời, trái bầu, trái bí… mà nên một xóm chợ trên sông đông đúc, sung túc nhất đồng bằng như bây giờ ?

Bạn hãy cùng tôi dạo chợ trên sông, đi từ buổi sớm mai trong lành để ngắm xóm chợ tươi tắn, nhiều màu sắc và lạ lùng trong con mắt người xứ khác. Mà, sao lại là buổi mai ? Vì chợ lúc bình minh lên như thời thơ ấu của một đời người, đẹp đẽ, tinh khiết, trong ngần. Sương đọng trên chiếc mùng giăng trên mui ghe của đám trẻ con ngủ vùi, ngủ nướng rồi bảng lảng tan cho một ngày buôn bán bận rộn bắt đầu.

Hàng trăm chiếc ghe to, nhỏ khẳm lừ, đậu sát vào nhau thành một dãy dài, người bán, người mua trùng trình trên sóng nước. Buổi sớm mai, đó là buổi của những chiếc xuồng con với các chị, các dì bán hàng ăn sáng, mùi thơm của các loại bánh lan tỏa xa hơn cả tiếng rao hàng, là buổi của những chiếc ghe hàng bông đổ ra từ trăm ngàn con sông, rạch để bổ hàng rồi trở về theo trăm ngàn lối sông rạch cho chuyến buôn xa.

Buổi của những chủ ghe tất bật bày biện sao cho mớ hàng hóa của mình mới mẻ, tươi tắn và tinh tươm nhất.

Ngày trước, chợ trên sông Cà Mau cũng giống như nhiều chợ nổi đồng bằng khác buôn bán rất nhiều mặt hàng từ nhu yếu phẩm đến thực phẩm, chợ còn bán cả bàn ghế, giường ngủ, tủ thờ… Bây giờ, cách buôn bán ấy chỉ còn ở những ghe hàng bông lưu động đến tận nhà người dân, riêng chợ nổi Cà Mau chỉ tập trung bán sỉ hàng hóa nông sản tươi, những thứ rau, trái miệt vườn. Với khách đường xa, đi chợ trên sông là để xem, để khám phá cái nguyên khí một miền quê lạ.

Bạn không cần ghé vào từng ghe để xem hàng họ bán những gì, bạn chỉ cần biểu em gái chèo đò chèo chậm thôi, thong thả thôi ngang qua chợ. Bạn cứ nhìn cái nhánh cây thon, dài buộc ở đầu ghe kia, trên cây treo gì thì ghe bán thức ấy, lúc la lúc lỉu trông lạ vậy, nhưng đó là tiếng chào mời không lời.

Chẳng cần rao bán, chèo kéo nhưng khách cầm lòng nào mà bỏ đi. Cầm lòng được sao với cái màu đỏ thanh thao của trái đu đủ chín cây, đỏ au au của chùm chôm chôm, vàng ươm của khóm, xoài, xanh riết của cóc, ổi, tím của cà…

Giữa chợ nổi Cà Mau, cảm giác như gặp được những khu vườn của miệt sông Tiền, sông Hậu, như nhìn thấy những rẫy khóm, rẫy mía miên man dọc triền sông Trẹm quê mình.

Mỗi chiếc ghe neo đậu ở đây là một ngôi nhà, ngang hai mét, dài năm bảy mét. Nhỏ bé, chật hẹp là vậy, nhưng khách thương hồ lại có tâm hồn hiếu khách, hào sãng, rộng rãi. Bạn đến, họ sẽ chẳng hẹp lòng gì mà không mời bạn nếm thử miếng dưa gang thanh thao, cái thơm ngọt lạ lùng của trái dừa nước, thử cái vị chua chua của trái dâu, trái khế quê nhà.

Nếu bạn lỡ phải lòng cô bán hàng duyên dáng nào đó thì xin hẹn ước mau mau, để chần chừ về nhà rồi quay trở lại, sợ rằng sẽ đứng trên chiếc đò nhỏ chao trên sóng nhìn cây cọc buộc ghe vắng một sợi dây quen, có buồn lắm thì cũng đành hát “người đã đi rồi khôn níu lại”. Biết làm sao được, bản chất của xóm chợ này là vậy, hợp rồi tan như lục bình trôi, như bèo dạt.

Hy vọng một ngày nào đó, ban sẽ về thăm chợ nôi vùng cuối đất để cảm nhận cái sầm uất, rộn ràng của chợ buổi sáng, buổi trưa, cái man mác buổi chiều. Cái man mác buồn đúng là của một chiều phố núi nào đó, một xóm nhỏ heo hút nào đó nhưng ở trên sông này vẫn có nét riêng.

Những chiều tà, chợ nổi đìu hiu bập bềnh đậu hết một vạt áo nắng vàng hoe hoe, đỏ hoe hoe. Những người đàn bà cúi đầu ngó chăm chăm xới nồi cơm nghi ngút khói, những người đàn ông xếp bằng ngồi trên mui ghe vấn những điếu thuốc to đùng bằng đầu ngón chân cái, phì phà nhả khói lên trời. Những đứa trẻ con ngồi tênh hênh trên mũi ghe câu cá chốt, cá mè.

Những cô con gái sau một ngày bán hàng mệt mỏi tìm niềm vui bằng việc nụm nịu chăm nom cho mấy bụi hẹ, chòm rau húng lủi, vài cây ớt ốm nhom trong cái khạp bễ để trên mui ghe mà nghe phảng phất niềm thương nhớ đất.

Du lịch, GO! - Theo Đất Mũi, internet

Link to full article

Đà Lạt rực rỡ đón Lễ hội hoa

Thành phố hoa Đà Lạt đang có những ngày đẹp nhất trong năm với dư vị mùa giáng sinh, mùa xuân sắp về và đặc biệt là không khí rộn ràng chào đón Festival hoa Đà Lạt 2012 sắp diễn ra.
Festival Hoa Đà Lạt 2012 với chủ đề Đà Lạt - thành phố festival hoa, đêm nay 31.12 sẽ chính thức khai mạc tại quảng trường Lâm Viên.

Rạo rực phố hoa

Đến hẹn lại lên, cứ 2 năm, Đà Lạt lại tổ chức festival hoa. Đây là dịp để giới thiệu, quảng bá về tiềm năng và thế mạnh của hoa Đà Lạt. Khác với những kỳ festival hoa trước đây, ban tổ chức chủ trương tập trung vào chủ thể chính là hoa. Vì vậy, trong 21 chương trình, phần lớn đều có sự xuất hiện của hoa.

Trên các tuyến phố chính và xung quanh khu vực hồ Xuân Hương đâu đâu cũng rực rỡ sắc hoa muôn màu. Ở các làng hoa ven đô như Thái Phiên, Hà Đông, Vạn Thành và các khu du lịch đều chăm chút cho hoa để đón du khách đến thưởng lãm.

Ban tổ chức Festival Hoa 2012 cho biết, cùng với lễ hội đường phố Hoa và ánh sáng thì điểm nhấn festival hoa lần này là không gian hoa đẹp trong sân Golf Đà Lạt do Hiệp hội hoa Đà Lạt làm chủ chương trình. Trên diện tích 3,3 ha, không gian này gồm 4 thảm hoa dại, hoa hè phố tượng trưng cho 4 mùa; 12 tiểu cảnh tượng trưng 12 tháng trong năm cùng nhiều tiểu cảnh nghệ thuật, bonsai, biểu trưng hình ảnh của một số nước và kiến trúc tiêu biểu của 5 châu lục.

Du khách sẽ được “mãn nhãn” với những thảm hoa tulip Hà Lan rực rỡ khoe sắc. Tuy nhiên, để thưởng lãm không gian hoa đẹp này du khách phải mua vé vào cổng với mức giá 50 ngàn đồng/vé.
Sân khấu khai mạc tràn ngập hoa tươi

Với chủ đề Hoa Đà Lạt - hội tụ sắc màu, đêm khai mạc hứa hẹn sẽ mang đến những cảm giác mới lạ và hấp dẫn người xem. Ông Nguyễn Vũ Hoàng, tổng đạo diễn festival hoa 2012 cho biết, chương trình được dàn dựng hiện đại, chuyên nghiệp và đổi mới hình thức thể hiện; hạn chế tối đa “sân khấu hóa” và “ca múa nhạc”, thay vào đó sẽ áp dụng hợp lý các loại hình nghệ thuật để nêu bật chủ đề hoa một cách sinh động.

Lần đầu tiên sân khấu được trang trí bằng hàng chục ngàn hoa tươi và sau lễ khai mạc sẽ giữ nguyên “sân khấu hoa” này tại quảng trường Lâm Viên. Chủ đề Hoa Đà Lạt - thế giới sắc màu sẽ làm nổi bật quá trình hình thành và phát triển của Đà Lạt cùng nghề trồng hoa.

Trong phần biểu diễn nghệ thuật có sự tham gia của hơn 1.000 người, tiếp đó 1.100 diễn viên sẽ thể hiện ca khúc Mùa hoa festival của Vi Nhật Tảo. Nối tiếp là phần biểu diễn của 18 xe hoa qua lễ đài. Kết thúc chương trình khai mạc là 15 phút bắn pháo hoa nghệ thuật ở 2 điểm bên hồ Xuân Hương.

Trong khuôn khổ Festival Hoa 2012, đêm 30.12 đã khai mạc không gian hoa đẹp trong sân Golf Đà Lạt. Tại XQ sử quán Đà Lạt khai mạc Bảo tàng hoa phong lan rừng và Bảo tàng tranh thêu hoa hai mặt.

Cùng ngày, tại Vườn hoa Đà Lạt khai mạc trưng bày triển lãm hoa quốc tế với hơn 22.000 chậu hoa, tác phẩm bonsai, non bộ, tiểu cảnh, đá cảnh... của 93 tổ chức cá nhân trong và ngoài tỉnh. Trước đó, Hội chợ Làng nghề Việt Nam với sự tham gia của 26 tỉnh thành đã khai mạc tại quảng trường Lâm Viên.

Khai mạc không gian hoa và tượng gỗ Tây nguyên

Ngày 29.12, Bảo tàng Lâm Đồng phối hợp với bảo tàng các tỉnh Tây nguyên khai mạc triển lãm Không gian hoa và tượng gỗ Tây nguyên mở màn các chương trình hưởng ứng của Festival hoa Đà Lạt 2012. Triển lãm trưng bày 200 tượng gỗ mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Tây nguyên theo 3 phần chính: tượng nghệ thuật, tượng nhà mồ và tượng dân gian của các nghệ nhân dân tộc Tây nguyên cùng hàng ngàn chậu hoa đỗ quyên trên một đồi thông rộng chừng 1 ha, ngay trước cung Nam Phương hoàng hậu trong khuôn viên Bảo tàng Lâm Đồng. Cũng trong triển lãm này, các nghệ nhân Tây nguyên sẽ thao tác tạc tượng gỗ để phục vụ du khách thưởng lãm. Triển lãm kéo dài đến ngày 4.1.2012.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Thannien, Lamdong và nhiều nguồn ảnh khác.

Link to full article

Xuôi dòng Trường Giang

Phía đông của tỉnh Quảng Nam có con sông chạy dài ven biển từ Hội An đến Chu Lai, khoảng 70 km, như một đường thông nhau giữa hai cửa biển An Hòa ở phía nam và Cửa Đại ở phía bắc.

Nước sông Trường Giang luôn trong xanh và phẳng lặng tựa hồ chưa có bàn tay con người làm vẩn đục. Dọc hai bên sông là những làng chài, ruộng lúa, rừng dừa xanh ngát.

Từ Bắc vào Nam, hai bên sông còn có những địa danh nổi tiếng: làng mộc Kim Bồng, làng chiếu Bàn Thạch, làng khoai lang Trà Đõa, làng chài lưới Tịnh Thủy, các làng nước mắm Cửa Khe, An Hòa, làng chài Tam Hải, bãi biển Tam Thanh, bãi Rạng Chu Lai… Lại có nhiều chợ quê sầm uất và gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử như chợ Lạc Câu, chợ Bà, chợ Được, chợ Tây Giang, chợ Bến Đá nức tiếng từ hàng trăm năm nay.

Trong quy hoạch phát triển khu kinh tế mở Chu Lai, vùng ven biển và dọc sông Trường Giang, từ phía đông sân bay Chu Lai đến thành phố Tam Kỳ và kéo dài đến tận Hội An sẽ là các khu du lịch sinh thái cao cấp, các làng nghề được xây dựng theo phương châm thân thiện với môi trường từ năm 2010 trở đi.

Để thực hiện mục tiêu này, một dự án đầu tư trên 60 triệu USD để xây dựng một hệ thống cầu đường hiện đại vượt cửa sông Thu Bồn nối liền Hội An với vùng đông các huyện ở phía nam đô thị cổ. Hàng ngàn héc ta đất vùng cát trong tương lai sẽ trở thành các khu đô thị, du lịch sinh thái cao cấp mà vốn đầu tư ước tính trên 10 tỉ USD trong vòng 50 năm.

Nhưng để được đến ngày đó, vùng quê dọc hai bên sông Trường Giang vẫn là một vùng đất hoang sơ, trong lành, thích hợp cho những ai đi tìm cái thoáng đãng, nên thơ nơi thôn dã. Nắm được nhu cầu này, nhiều doanh nghiệp du lịch, các chủ thuyền tư nhân đã nghiên cứu mở các tour du lịch sông nước dọc Trường Giang…

Đó là những dự án mang tính khả thi rất cao không chỉ cho người nước ngoài mà rất thú vị trước hết với du khách nội địa. Đi dọc Trường Giang nhiều lần bằng ghe máy, nhưng lần nào tôi cũng thấy lạ lẫm với những khám phá và hiểu biết mới. Đó là chưa kể được tắm gội trong một môi trường tự nhiên trong lành, yên tĩnh và cảnh quan tuyệt đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này.

Dừng ghe cạnh làng rau Nồi Rang, bước chân lang thang trên những cây cầu tre dài vài trăm mét, ghé thăm chợ Bà, chợ Được ăn những tô mì Quảng chính hiệu với những chú tôm đất ngọt lịm hoặc xem cảnh các thuyền khai thác hàu, nghêu ven sông rồi thưởng thức mấy bát cháo hàu, những tô canh bầu nấu nghêu sông nóng hổi, ngắm cảnh những vuông tôm bạt ngàn dưới ánh hoàng hôn như tranh vẽ…

Chưa hết, đi dọc Trường Giang, ai yêu mến lịch sử còn có thể dừng chân ở xã Bình Dương 3 lần anh hùng vẫn còn đậm nét trong những tranh hồi ký của Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý và đến cây Dương thần để tưởng nhớ và chiêm nghiệm một thời binh lửa đã qua. Cũng có thể về thăm xã Tam Giang, quê hương của Thủ Thiệm để nghe người dân ở đây kể những giai thoại nhớ đời về ông, không kém gì chuyện Ba Giai, Tú Xuất.

Vùng đất dọc sông Trường Giang còn có những sinh hoạt văn hóa cổ truyền như hát Bả Trạo trong lễ Cầu ngư, xem hát bội, nghe tiếng trống chầu vào dịp cúng Kỳ Yên mỗi năm thật hào hứng trong những đêm trăng tháng giêng…

Du lịch, GO! - Theo Thannien, internet

Link to full article

Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2011

Núi Cậu, nhiều giai thoại thuyền bí

Một ngày cuối năm, tôi theo chân đoàn khách vượt qua ngàn dốc đá cheo leo đến tận đỉnh núi Cậu tọa lạc tại xã An Phú (Tịnh Biên-An Giang). Tuy ngọn núi không cao chỉ khoảng 250m so với mực nước biển nhưng cảnh thiên nhiên vẫn còn nguyên vẹn. Vào những ngày lễ, Tết, rằm lớn trong năm, núi Cậu thu hút hàng trăm ngàn lượt khách đến hành hương và ngắm “cảnh tiên”…

Chinh phục núi Cậu

Con đường mòn độc đạo dẫn đoàn khách lên núi toàn đá hòn, đá cục được chất thành dãy quanh co, uốn lượn, khiến cho du khách càng thấy thích thú và cố hết sức chinh phục tận đỉnh. Leo được một đoạn, mệt đừ, đầu toát mồ hôi, tôi liền bẻ một nhánh tầm vông ven đường dùng làm gậy tiếp sức cho hành trình leo núi.

Đến tảng đá lớn, dừng lại nghỉ chân, ông Đoàn Văn Đương, một du khách ở Bạc Liêu cho biết: “Hôm nay, đoàn 25 người đến đây khoảng 8 giờ sáng.

Chúng tôi ghé cúng chùa Đông Lai Thiền Viện (Phật tử thường gọi là chùa Phật Nằm). Sau đó, cả đoàn rủ nhau leo núi Cậu cho biết “cảnh tiên”. Cũng nghe những người đi trước về kể, ở đây núi non cảnh đẹp nên cả đoàn cùng đi. Leo núi tuy mệt nhưng bù lại hít thở được không khí trong lành, toàn thân như nhẹ nhõm…”

< Bàn chân tiên khổng lồ ở núi Cậu.

Thật lạ mắt, ven theo tuyến đường mòn, những hòn đá xếp từng bậc toàn là đá cỡ lớn. Người lớn tuổi sống gần đó cho biết, lúc mới về đây lập nghiệp đã có những hòn đá to như thế. Trong lúc lên rừng đốn củi, hái trái cây, người dân đi riết thành đường mòn. Từng đoàn khách nối bước nhau đi qua những hòn đá to tướng, mất khoảng 40 phút mới chinh phục được đỉnh núi.

“Cảnh tiên” kỳ bí

Sân Tiên núi Cậu rộng khoảng 2.000m2, cạnh đó có cái quán cóc bán nước giải khát cho du khách. Tấp vào bên trong, một số người chọn cho mình chiếc võng để nghỉ lưng hứng gió núi lộng vi vu, thật dễ chịu. Số còn lại quanh quẩn sân Tiên nghiền ngắm những dấu tích thiên nhiên từ thuở sơ khai còn in lại.

Ông Võ Văn Tuấn, chủ quán cho biết: “Một năm, khách đi đông nhất là vào ngày 16 và ngày 19 tháng giêng. Khách đến đông nghẹt, quán không còn chỗ để ngồi. Nhiều đoàn ở Bến Tre, Cà Mau, Bạc Liêu còn mang heo quay, trái cây, bánh… đến đây cúng trăng vào ban đêm.

< Bàn cờ tiên.

Mấy năm trước, bà Bảy ở Châu Đốc thuê người khuân vác gạch, xi măng lên xây ngôi miếu thờ ông Cậu, chứ trước đây chỉ có một cái miếu nhỏ, với chiếc lư hương đìu hiu hoang vắng đặt cạnh cây bồ đề”.

Điều độc đáo và huyền bí ở đây là tại giữa sân Tiên có một chiếc bàn bằng đá ngang khoảng 1,5m, dài hơn 2m được kê kích bởi 5 chân bằng những tảng đá nhỏ. Không biết ngày trước, ông bà dùng cách nào để chẻ đá thành một mảnh lớn và kê kích được như vậy?

Trước đó là bàn chân tiên (chân phải) khổng lồ gấp 10 lần chân người bình thường vẫn còn in rõ mồn một trên mặt đá. Đồng thời cạnh bàn thờ ông Cậu và quanh sân Tiên còn có 11 hang tích trữ nước quanh năm… Quá nhiều điều kỳ bí đối với du khách!

Theo cụ Trần Văn Mẹo (85 tuổi), nhà dưới chân núi Cậu, những người già ở đây hay kể sân Tiên trên núi ngày xưa là nơi để các vị tiên đến vui chơi, trong đó có trò chơi chọi gà. Cạnh sân Tiên có nhiều giếng nước tự nhiên dùng để tắm gà, vỗ gà… Còn bàn thờ ở giữa sân tiên đó chính là bàn cờ để các tiên ông giải trí. Phía trước có bàn chân tiên, hồi xưa ông Cậu bước qua năm non, bảy núi nên vẫn còn in dấu chân trên đá. Điều này càng làm núi Cậu thêm kỳ bí!

Du lịch, GO! - Theo An Giang online, internet

Link to full article

Nam Yết đảo xanh

Cách đất liền gần 300 hải lý, đảo Nam Yết như một cánh cung hướng ra biển. Gần như toàn bộ hòn đảo nằm ở phía Bắc quần đảo Trường Sa này đều được bao bọc bởi cây xanh.

< Đã thấy Nam Yết ở phía xa.

Là một trong những đảo trung tâm của Trường Sa, cũng giống như Song Tử Tây, Nam Yết có vị trí địa chính trị quan trọng, bao quát một ngư trường sôi động. Đây còn là nơi chính quyền Sài Gòn đặt sở chỉ huy thời kỳ trước giải phóng miền Nam. Cách đây đúng 35 năm, sau khi hoàn thành giải phóng đảo Song Tử Tây và đảo Sơn Ca, ngày 27-4-1975, quân ta đã hoàn toàn làm chủ đảo Nam Yết, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng gió Trường Sa. Kể từ đó đến nay, lớp lớp CBCS của đảo luôn phát huy truyền thống Lữ đoàn Trường Sa anh hùng, sát cánh bên nhau, đồng cam cộng khổ, khắc phục khó khăn, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

< Những hàng cọc chắn sóng với những chú chim biển báo hiệu sắp đến bờ.

Đã nghe kể về Nam Yết trước khi đến đảo, song chúng tôi thật sự ngạc nhiên trước sức sống thần kỳ ở nơi đây. Mặc dù trên đảo chủ yếu là san hô, cát và mùn cây lâu năm (không có nước ngọt), nhưng Nam Yết lại có rất nhiều cây cối xanh tươi, trong đó có những cây mù u hàng trăm năm tuổi và cây bàng 8 nhánh như một kỳ quan, thu hút vô số những phó nháy nghiệp dư lần đầu tiên đến đảo.

Tại đây còn trồng được cả đu đủ, dừa, xoài và một loài cây “đặc sản” là cây nhàu mà quả của nó làm nguyên liệu sản xuất ra thứ “thần dược” Noni nổi tiếng được các công ty bán hàng đa cấp trong đất liền lợi dụng quảng cáo bán ra với giá cắt cổ.

< Rất quen thuộc vẫn là những cột đèn và cột phát điện bằng năng lượng sạch trên các đảo ở đây.

Hiện Nam Yết cũng được đánh giá là đảo đẹp nhất về cảnh quan môi trường trong quần đảo Trường Sa với sân bóng chuyền, bãi thể thao, công trình tường chắn sóng, trạm thu phát tín hiệu truyền từ vệ tinh, hệ thống năng lượng gió và phương tiện phục vụ đời sống bộ đội... Giữa đại dương mênh mông, Nam Yết nổi lên như một ốc đảo xanh tươi, làm điểm tựa cho những con tàu của ngư dân đến trú chân sau hải trình đầy mỏi mệt. Năm nay, đã 6 tháng không mưa nên số nước ngọt dự trữ trên đảo được dùng rất dè sẻn. Mặc dù vậy, đảo vẫn dành những phần nước ngọt quý giá cung cấp cho ngư dân và như một phong tục, mỗi đoàn khách đến thăm, tại cầu đảo vẫn có những thau nước ngọt do CBCS chuẩn bị đón tiếp, làm chúng tôi vơi đi mệt nhọc.

Sau phút nghỉ ngơi và chụp ảnh lưu niệm tại cột mốc chủ quyền, cây bàng 8 nhánh giữa trung tâm đảo, đoàn công tác của TP Hà Nội do Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh dẫn đầu đã đi thăm nơi ăn ở, sinh hoạt và làm việc của CBCS, trong đó có những người con ưu tú của Thủ đô. Vui nhất trong đoàn là chị Phạm Thị Mứt, Phó Chủ tịch HĐND huyện Đông Anh bởi được gặp hai chiến sỹ trẻ là đồng hương. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, câu chuyện về quê hương Đông Anh giữa người hậu phương và người giữ đảo diễn ra không dứt.

< Bia chủ quyền của nước CHXHCNVN.

Bá vai nhau cười thật tươi trước ống kính máy ảnh, chiến sỹ Nguyễn Hữu Quyền, SN 1989 và chiến sỹ Bùi Văn Hải, SN 1988, cùng ở Hải Bối, Đông Anh, cùng ra đảo tháng 1-2010, cho biết, ngày đầu còn bỡ ngỡ, song được chỉ huy và đồng đội giúp đỡ, đến nay, hai bạn đã làm quen với cuộc sống, môi trường ở đảo và đã bớt nhớ nhà. Ấn tượng nhất là cái Tết đầu tiên ở Trường Sa, có cả bánh chưng, thịt lợn và pháo hoa... “Vui hơn cả đón Tết ở quê nhà” - Hải và Quyền cho biết. Nhờ cô Mứt gửi ảnh và quà (là chùm hoa biển làm từ vỏ ốc, vỏ sò) về cho mẹ và bạn gái ở quê, hai em cùng nhắn nhủ: Mẹ và gia đình cứ yên tâm, chúng con đều xác định quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, nguyện xứng đáng là người Hà Nội.

< Bia ghi nhận sự kiện ngày 22/8/1956 một phái bộ quân sự của VN Cộng hoà đến thị sát nghiên cứu.

Một tình cờ thú vị nữa là tại đảo Nam Yết có đến 5 anh em CBCS là người Hà Nội. Vui mừng và cảm động khi được đón đoàn cán bộ Thủ đô ra thăm, động viên CBCS, Đại úy Trịnh Công Lý, người Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, Cụm trưởng cụm chiến đấu

Năm qua, các anh đã đoàn kết một lòng, hoàn thành tốt nhiệm vụ, được chỉ huy đảo biểu dương, khen ngợi. Vạch áo khoe vết mổ ruột thừa vừa mới liền sẹo do Thiếu tá, bác sỹ Lê Thanh Sơn - người đồng hương Sơn Tây mổ cấp cứu, Trịnh Công Lý hồ hởi: “Mổ ruột thừa bây giờ ở đảo không còn là việc quá phức tạp, nhưng nếu hôm đó không có Sơn chẩn đoán kịp thời thì sức khỏe của tôi không sớm hồi phục như thế này”. Vừa tốt nghiệp tiến sỹ y khoa, công tác tại Viện Quân y 103, mới chân ướt chân ráo ra đảo Nam Yết, Thiếu tá Lê Thanh Sơn đã được “thử tay nghề” bằng những “ca” khó.

< Ở đây có nhiều cổ thụ như cây tra.

Gần đây nhất là cứu chữa thành công cho anh Nguyễn Ngọc Hồng, 35 tuổi, thuyền viên tàu đánh cá mang số hiệu QNg-91739 đi câu mực bị dập nặng ngón chân cái do bị kẹp thuyền. Sơn tâm sự, dễ nhất trong tình huống này là cắt bỏ ngón chân vì phần xương đã vỡ vụn. Nhưng với người lao động, tứ chi rất quan trọng nên anh đã cùng các y, bác sỹ tại bệnh xá cố gắng xử lý để giữ lại. Đến nay, sức khỏe anh Hồng đã hồi phục và đi biển trở lại. Anh cũng vừa gọi điện ra đảo báo tin và cảm ơn các y, bác sỹ trong bệnh xá. “Đây chính là niềm hạnh phúc lớn nhất của chúng tôi” - Thiếu tá Sơn cho biết. Anh nói, muốn ngư dân yên tâm làm ăn trên biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, bên cạnh việc cung cấp nước ngọt, dầu diezen, công tác cứu hộ, cứu nạn và chăm sóc sức khỏe đồng bào, chiến sỹ cũng phải hiệu quả, kịp thời.

< Cây nhàu mà chiến sĩ gọi là cà phê hoang dã.

Công việc đó không có ai ngoài bộ đội Hải quân đảm nhận. Rất mừng là những năm gần đây, nhờ được trang bị các phương tiện hiện đại, bệnh xá của đảo đã làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn cho ngư dân, giải quyết cấp cứu nhiều ca tương đối phức tạp mà trước kia phải chuyển về đất liền. Trong năm 2009 và 4 tháng đầu năm 2010, đảo Nam Yết đã cứu sống 6 ngư dân lặn biển bị “giảm áp”, hôn mê sâu cùng hơn 140 lượt ngư dân bị nạn trên biển, trở thành điểm tựa vững chắc cho những con tàu đánh bắt xa bờ.

Thượng tá Bùi Hải Phước, Đảo trưởng đảo Nam Yết cho biết, với vai trò là lực lượng nòng cốt của thế trận quốc phòng - an ninh trên biển, phát huy truyền thống vẻ vang của Đoàn Trường Sa anh hùng, CBCS đảo Nam Yết tiếp tục làm tốt chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành, địa phương các chủ trương, biện pháp phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh trên biển; tập trung xây dựng đảo Nam Yết vững mạnh về mọi mặt; xác định đúng đối tượng, đối tác, nhất là đối tượng tác chiến trên vùng biển được đảm nhiệm để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và chủ động đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của đối phương, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

< Nhiều dừa đến mức Nam Yết còn được gọi là Đảo Dừa.

Những năm qua, toàn đảo luôn làm tốt công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, góp phần bảo vệ vững chắc quyền, chủ quyền trên biển, đảo, được Quân chủng Hải quân và Vùng D đánh giá cao. Năm 2004, đảo Nam Yết vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ đổi mới. Khâm phục trước ý chí quyết chiến, quyết thắng và tinh thần vượt khó của CBCS và nhân dân trên đảo, thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh cho biết, Hà Nội luôn thể hiện trách nhiệm của mình với CBCS ở Trường Sa nói chung và người Hà Nội nói riêng, sẵn sàng ở bên cạnh Trường Sa, vì Trường Sa thân yêu.

Không chỉ có cây xanh, trái ngọt và những tình cảm thân thiết nhất từ đất liền, trong môi trường sóng gió khắc nghiệt, nhiều khi phải một mình vật lộn với bão tố, đã có những CBCS anh dũng hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ cao cả của mình, cứu xuồng, cứu đồng đội...

Cùng chúng tôi ra viếng mộ liệt sỹ Hoàng Đặng Hùng, SN 1984, quê ở Thanh Hà, Hải Dương đã dũng cảm hy sinh khi cứu xuồng bị trôi trong trận bão tháng 7-2004, được đồng đội an táng ngay cạnh mép đảo, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, Hội Nhà văn Hà Nội đã xúc động làm thơ về người lính trẻ Trường Sa với những “đường chân trời” đầy khắc khoải: Đường chân trời của tôi là Song Tử Tây/Chỉ gần ngay bên nhưng Song Tử Đông cách biệt/Là nấm mộ nhỏ nhoi trên Nam Yết/Người lính trẻ quên mình cứu xuồng đảo trôi...

Vâng. Không phải chỉ chiến tranh mà cả trong thời bình vẫn có “Những tuổi đôi mươi thành sóng nước”. Họ đã mãi mãi ra đi, cống hiến tuổi đôi mươi của mình cho Tổ quốc được bình yên.

Du lịch, GO! - Theo Hanoimoi, Bee

Link to full article

Tây Nguyên - đường 14C... (P1)

Đêm Trường Sơn.
Gió xào xạc bứt đám lá khô thả tung lên trời, rồi lại cuốn đi rào rào trên con đường đất đỏ. Con đường huyền thoại giữa đêm tối như chất chứa những bí ẩn khó tả. Có thể, ngày ấy, nơi này, những người lính đã ngã xuống để hôm nay chúng tôi có cơ hội được thử sức mình... 
.
Tạm biệt vườn Quốc gia Chư Mom Ray, bốn chiếc xe máy tiếp tục hành trình chinh phục 14C, bụi bám trắng xóa lên áo khoác ngoài và balô.
Trạm kiểm soát của đồn biên phòng 707 cách trạm kiểm lâm cuối rừng Mo Ray chừng 5km. Tại đây, chúng tôi được chỉ dẫn tới làng K’Đin để ăn trưa. Theo đó, chạy tiếp đến địa phận xóm Mới, nơi có những căn nhà gỗ đơn sơ và giản dị của công nhân trồng rừng thì phải vòng về phía bên trái để qua cầu. Ở khu vực này, nếu không chú ý sẽ dễ dàng đi lạc về phía biên giới hoặc sang cả địa phận Campuchia.
Làng K’Đin thuộc xã Mo Ray còn rất nghèo, nhà sàn được ghép từ gỗ, mảnh phên và ống nứa, lợp ngói và có cùng một kiểu kiến trúc hình chữ T, thân ngắn, nằm rải rác bám dọc hai bên đường quốc lộ.
.
“512” là tên một quán ăn duy nhất nằm chéo trước cổng doanh trại của binh đoàn 15. Cách đó không xa là căn nhà rông văn hóa điển hình của buôn làng Tây nguyên do Công ty 78 tặng nhân dân làng K’Đin với những khúc gỗ còn tươi nguyên. Mái nhà lợp bằng tôn thay vì tết bằng thảm rơm. Hai bên cầu thang có hai thanh cột chống, phía trên có tượng hai chú voi bằng gỗ trông rất độc đáo.
Giữa trưa, người dân đi lên nương cả nên làng khá vắng vẻ và trầm lặng. Đàn lợn say sưa nằm dưới gốc tre, ngủ yên lành.
.
Trong lúc lang thang, tình cờ tôi gặp một cụ già người dân tộc Gia Rai đang ngồi chiết nước vào những chai nhựa rỗng bên giếng khoan. Bà cụ có màu da nâu sẫm và rắn rỏi "rất Tây nguyên", thùy tai chảy xệ xuống tạo thành một lỗ hổng lớn do thời trẻ bà đã đeo rất nhiều đồ trang sức. Ngay cả lúc này, bà cũng đang đeo rất nhiều vòng trên cổ và tay. Bà cụ không nhớ mình bao nhiêu tuổi, nói được ít tiếng Kinh, chỉ biết thể hiện thái độ thân thiện với chúng tôi qua nụ cười mộc mạc.
.
Có vẻ như bộ quần áo truyền thống lấp lánh chỉ thêu được để dành cho những dịp lễ hội, nên ngày thường những người phụ nữ dân tộc chúng tôi gặp trên đường chỉ mặc váy hoa quấn giản dị với một chiếc áo vải kiểu hiện đại. Đàn ông thì khá "Kinh hóa", hầu như ai cũng mặc quần áo như người dưới xuôi, thay vì đóng khố và ở trần.
.
Chỉ vào một khúc gỗ lấm đất nằm lẫn trong đống củi bên gốc mít, một người địa phương cho biết đó chính là quan tài của đồng bào người dân tộc. Nó được khoét một lỗ vuông từ một khúc gỗ nguyên bản và đặt úp xuống để bảo quản, nhà nào cũng có một vài chiếc để dưới sàn nhà hoặc trong vườn, dành sẵn cho người già.
.
Dọc đường, gặp căn nhà có dựng hai cây nêu lớn bằng tre khá kỳ công và độc đáo trước sân, cả nhóm rủ nhau dừng lại chụp ảnh. Cây nêu của đồng bào người Tây nguyên là một loại cây không thể thiếu trong các dịp lễ hội hay mừng năm mới. Cây nêu thường được làm từ cây tre hoặc lồ ô có lá ở trên ngọn và được trang trí đặc biệt bằng những thanh tre, nứa cắm xòe như tua hoa xung quanh. Dưới gốc còn cắm những thẻ bài với mục đích yếm quỉ trừ tà, cầu mong cho mọi gia đình luôn được ấm no và hạnh phúc, hàng xóm láng giềng vui sống thuận hòa. Một số nơi còn trang trí cây nêu bằng những dải lá phướn nhiều màu rực rỡ. 
.
Gặp khúc quanh đầu tiên của suối Nam Sa Thầy tại đúng trạm kiểm soát biên phòng của đồn 709, và tình cờ chúng tôi cũng gặp cả bí thư xã Mo Ray. Con đường vắng vẻ, ít người đi lại khiến những người lính và dân nơi đây đều kinh ngạc khi biết mục đích đi du lịch của nhóm qua vùng này. Bên dòng suối róc rách, chúng tôi đã cùng nhau uống cạn những ly rượu trắng, mừng cho cuộc gặp gỡ hiếm hoi chốn biên thùy. 
.
Càng đi, quốc lộ 14C càng trở nên hoang sơ và bí ẩn. Con đường vẫn lúc ẩn lúc hiện dưới tán cây rừng nguyên sinh, lúc chạy xiên qua những đồi trồng cỏ chăn nuôi gia súc, lúc lại bị cắt ngang bởi một khúc suối lớn, bên những cây cầu đang xây dựng dở dang. Suối mùa khô nên ít nước, trong leo lẻo nhìn rõ cả những viên đá cuội nằm ngổn ngang dưới đáy dòng. Những người công nhân làm cầu cho biết nếu có một trận mưa rừng thì không thể vượt qua những đoạn suối thế này, kể cả bằng xe U-oát chuyên chạy đường rừng của biên phòng và kiểm lâm.
.
Từ đồn 711 nằm bên cạnh Suối Cát, chúng tôi được chỉ dẫn sẽ phải chạy xuyên rừng Trường Sơn sát biên giới để tới Chư Ty bằng đường tránh Sesan 4 vì thủy điện Sesan 3 sẽ xả nước hằng ngày từ 12g trưa, ngầm sẽ ngập nước ngang ngực suốt cả chiều và đêm, không xe nào có thể đi qua. 
.
Hơn một chục kilômet từ Suối Cát ra đến Sesan 4 quả là ấn tượng và khó quên. Con đường rất xấu bởi những tảng đá lớn đã bị bóc hết lớp đất sét bao quanh, trồi lên khấp khểnh trên mặt đường, cỏ ẩm ướt trơn trượt và ban đêm trở thành một cái bẫy nguy hiểm. Không một bóng người, không nhà dân và không đồn biên phòng. Gặp những ngã ba, chúng tôi đành phải chọn lựa bằng cảm giác đường, bằng những kinh nghiệm mà các chiến sĩ biên phòng đã hướng dẫn tỉ mỉ lúc chiều.
.
Đêm Trường Sơn. Rừng âm u và lạnh lẽo, chỉ có tiếng động cơ xe máy nổ ầm ầm và những ánh đèn xe loang loáng bám sát nhau. Góc rừng huyền thoại trong chiến tranh, giữa đêm tối trở nên chất chứa những bí ẩn khó tả. Có thể, ngày ấy nơi này, những người lính đã ngã xuống để hôm nay chúng tôi có cơ hội được thử sức mình.
.
Những chiếc xe lầm lũi và cần mẫn vượt qua những đoạn đường dốc ngược hay bùn đất lê lết, vượt qua những con suối hoang dại giữa thung sâu, sương mù ma quái và bồng bềnh ngay trước ánh đèn xe. Dường như chính đại ngàn đã âm thầm tiếp thêm sức mạnh để chúng tôi băng qua bóng tối với một chút liều lĩnh của tuổi trẻ.
.
Những ánh sáng từ công trình thủy điện Sesan 4 lấp lánh trong đêm cho chúng tôi biết mình đã không sai đường. Với một địa hình bị chia cắt mạnh, sườn núi có độ dốc cao và một hệ thống sông suối dày đặc đã hình thành nên một dòng Sesan hoang dại có tiềm năng thủy điện lớn thứ 3 trong cả nước sau sông Đà và sông Đồng Nai.
.
Cả nhóm dừng xe trên mặt đập, nghe gió lồng lộng trên đỉnh đầu trong khi tiếng nước chảy ầm ì dưới chân, cảm thấy sự vĩ đại của thiên nhiên đã và đang được bàn tay tài hoa của con người chinh phục. Cảm xúc vừa dữ dội vừa dịu êm, khó để diễn tả thành lời.
.
Từ Sesan 4, chúng tôi tìm đường tắt qua hai xã Ia O và Ia Chia thuộc huyện Ia Grai về thị trấn Chư Ty huyện Đức Cơ tỉnh Gia Lai. Con đường dài khoảng 40km chạy xuyên qua những đồn điền cao su mênh mông bát ngát của binh đoàn 15.
.
Đêm, vẫn là đêm Trường Sơn. Gió xào xạc bứt đám lá khô trên cành thả tung lên trời, rồi lại cuốn rào rào trên con đường đất đỏ. Như một lời chào tốt đẹp nhất dành cho cung đường 14C trên địa phận tỉnh Kontum.
.
Chitto
.
Còn tiếp:
Tây Nguyên - đường 14C... (P2)
.
Du lịch, GO! - Theo Phuot.vn, internet

Link to full article

Tây Nguyên - đường 14C... (P2)

Tây Nguyên ơi - tôi biết mình sẽ còn quay lại!
.
Đêm trên biên giới. Thông tin về đường 14C trên địa phận tỉnh Gia Lai và nối sang Đăk Lăk khá mờ mịt. Biên phòng cho biết, chưa có cầu bắc qua con sông Ia lốp vốn là địa giới giữa hai tỉnh, phải hẹn tàu thuyền trong mỗi lần đi tuần tra. Hỏi dân địa phương tại Chư Ty thì hầu hết đều lắc đầu không biết và nói phải đi Đăk Lăk theo ngả Hàm Rồng qua quốc lộ 14B. Bản đồ lại được lật lên lật xuống, bàn tính rất nhiều.
.
Chư Ty là thị trấn của huyện Đức Cơ, khá sầm uất và đông đúc. Nhà trên mặt phố chính hầu hết đều dùng làm cửa hàng buôn bán. Bao quanh thị trấn là những đồi cao su bát ngát. Chư Ty cách cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (Gia Lai - Việt Nam) - Oyadao (Ratanakiri - Campuchia) 25km đường tráng nhựa uốn lượn trên bình nguyên mênh mông.

Cửa khẩu mới khai trương ngày 15-12-2007 và vẫn đang trong quá trình hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Trong tương lai, khi cặp cửa khẩu chính thức đi vào hoạt động sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế vùng và giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia.
.
Sau khi tới thăm và chụp ảnh kỷ niệm tại Lệ Thanh, chúng tôi quay xe trở lại thôn Mooc Đen, xã Ia Dom, nơi mà theo bản đồ giao thông đường bộ có lối rẽ vào quốc lộ 14C. Trong lúc hỏi đường, tình cờ một người lái xe ôm quê ở Nghệ An chú ý tới đám đông đứng lố nhố ven quốc lộ 19. Anh khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng tất cả các sông suối trên đường 14C đều đã được bắc cầu và tả đường cho chúng tôi về Easup, sau đó còn nhiệt tình dắt cả bọn đến lối rẽ vào đường mòn Hồ Chí Minh.
Hành trình 14C thêm một lần nữa chính thức được mở ra.
.
Con đường đất đỏ dắt chúng tôi chạy qua một hồ nước xanh ngắt nằm lặng trên cao nguyên, cây cối nhuộm bụi vàng và rừng cao su cuối trời trông như một bức tranh. Những nhóm công nhân đang túm tụm trong nhà mủ để chuẩn bị cho một ngày làm việc.
.
Một Tây nguyên thực sự khoáng đạt và ngợp nắng, đỏ rực và bụi mờ trời. Những con người săn chắc rắn rỏi, nước da đen bóng, giọng nói đậm âm sắc địa phương, cách giao tiếp vừa nhiệt tình vừa rụt rè, mộc mạc và chân thành. Những ngôi nhà gỗ giản dị bám dọc tuyến đường liên xã Ia Nan và Ia Pnon.
.
Làng Bò là làng dân sinh cuối cùng mà chúng tôi có thể mua được xăng và hỏi đường. Từ đây con đường 14C độc đạo chạy qua những rừng khộp - một loại cây họ dầu có tán rộng và những đồng cỏ dày đặc dưới tán rừng. Vào mùa khô, lá rụng nhiều và rừng bắt đầu khô lại. Rừng khộp là loại rừng thưa điển hình của Tây nguyên, đặc biệt phổ biến dọc theo tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia. Loại rừng này rất dễ cháy nhưng lại có sức sống vô cùng mãnh liệt, vào mùa mưa phát triển mạnh với thảm thực vật phong phú, là nơi thích hợp cho các loài thú lớn hoang dã sinh sống.
.
Quãng đường 14C từ làng Bò đến hết địa giới tỉnh Gia Lai dài khoảng 50km đang được đầu tư cải tạo và xây dựng. Suối đã được bắc cầu, những hố nước đọng ở bên rừng, xanh ngợp dưới ánh nắng gay gắt. Hoa dại vẫn kiên cường lan theo mép đường và bung cánh khoe sắc.
.
Nơi cả nhóm dừng lại ăn trưa, những dây hoa leo bò ngang ra cả mặt đường đầy sỏi đá. Bữa trưa chỉ có bánh tét mua từ tận Pleikần mang theo và một bếp café tan tự nấu. Rừng âm u, thăm thẳm, chỉ có tiếng gió hun hút và những câu chuyện phiếm, xua tan đi bao mệt nhọc của chặng đường dài. Từ đây đến biên giới Việt Nam - Campuchia rất gần, chỉ khoảng 2km đường chim bay.


Buổi chiều, chúng tôi phải đối mặt với khó khăn lớn nhất của hành trình: con đường cát.
.
Có khoảng 30km đường 14C trên địa phận tỉnh Gia Lai chưa được ủi phẳng và làm nền, con đường ngập trong cát bụi dày hàng chục cm. Tài xế gồng mình lên giữ tay lái và chân đạp, chân chống nhích xe từng đoạn đường. Với những tay lái của thanh niên thành phố như chúng tôi thì đây chả khác gì giải đua xe Paris - Dakar mở rộng (một giải đua xe trên sa mạc nổi tiếng toàn thế giới). 
.
Đồn 729 nằm bên đông của con đường cát, trú mình dưới tán cây rừng, lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên vọng gác thanh niên. Đã sang địa phận của xã Iamơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, vẫn không một bóng người và không làng bản. Từ đồn 729 xuôi tiếp về nam chừng 1 giờ đồng hồ chạy xe máy thì gặp làng thanh niên lập nghiệp Iamơr. Làng kinh tế mới với những nóc nhà gạch nhỏ bé nằm giữa một cánh đồng cỏ bạc màu, một vài người dân đang ngồi trước hiên nhà, có khúc gỗ đang cháy dở tỏa khói nghì ngụt, dây điện lưới chăng ngang dọc trên trời.
.
Qua khỏi khúc quanh có hai vết bánh xe tải sâu hoắm đất đã khô lại thành tảng lớn, con đường trở thành một lối mòn ngợp trong cỏ, cuối đường là một gian nhà gỗ có lá cờ đỏ treo trước sân. Đó chính là trạm kiểm soát biên phòng của đồn 731 thuộc tỉnh Gia Lai. Vài luống rau cải xanh mới gieo trong vườn, gà quanh quẩn kiếm ăn bên bờ rào, những chồng củi ngay ngắn xếp bên chái nhà... Yên tĩnh trong chiều tắt nắng.
.
Đường 14C đến đây là gặp sông Ia Lốp - phụ lưu cấp I của dòng Ia H’Leo chảy theo hướng đông bắc tây nam, là địa giới tự nhiên giữa hai tỉnh Gia Lai và Đăk Lăk. Trụ cầu đã đổ, nhưng mặt cầu chưa có, đường cũng chưa mở xong. Cách duy nhất để sang sông là xuống bến đò. Một chiếc thuyền gỗ nhỏ sẽ lần lượt chở từng người và xe qua sông. 
.
Chiều biên giới. Bên ấm trà xanh, câu chuyện với người lính biên phòng làm chúng tôi dùng dằng mãi không thể rời chân.
.
Nơi đây, đoàn quân giải phóng năm xưa đã từng đi qua để vào giải phóng Buôn Ma Thuột, mở đầu cho chiến dịch đại thắng mùa xuân năm 1975 thống nhất hai miền Nam Bắc. Bao người lính đã ngã xuống và nằm lại mãi mãi ở nơi này. Bao người lính vẫn còn ở đây giữa thời bình, kiên nhẫn bám đất, giữ rừng, sát cánh với đồng bào Tây nguyên để bảo vệ mảnh đất biên cương. Lẫn trong những nụ cười có cả tiếng thở dài và những giọt nước mắt. Cái siết tay tạm biệt không nói thành lời, nhưng chất chứa những đồng cảm và chia sẻ của tuổi trẻ thành phố với người chiến sĩ trên tuyến đầu.
.
Chúng tôi theo con đường mòn vạch đám cỏ gianh tìm xuống bến đò. Dòng Ia Lốp lặng lẽ trôi. Con thuyền bồng bềnh, chỉ cần mất bình tĩnh là cả chiếc xe máy dựng đứng có thể lao xuống sông bất cứ lúc nào. Từ đây, chúng tôi tách khỏi 14C, tạm chia tay với con đường huyền thoại.
.
Đường về thị trấn Easup - Đăk lăk ngang qua những làng kinh tế mới. Ở phía tây biên giới, vẫn còn cả một chặng dài 14C chạy về cửa khẩu Bu Đrăng mà chúng tôi chưa tới. Tây nguyên ơi, tôi biết mình sẽ còn quay lại...
.
Chitto
.
Tây Nguyên - đường 14C... (P1)
.
Du lịch, GO! - Theo Phuot.vn, internet

Link to full article

Tuyệt tác kiến trúc xứ Kinh Bắc

Trong tiềm thức của người Việt, khi nói về một ngôi làng thì không thể nhắc đến ngôi đình của làng đó, bởi công trình này là sự kết tinh trí tuệ, công sức và thể diện của người dân cả làng. Có thể nói ngôi đình chính là biểu tượng thiêng liêng của một ngôi làng. 

Ngôi đình càng to, đẹp thì người dân trong làng lại càng tự hào. Nói về sự hoành tráng của những ngôi đình, người xưa có câu: “Thứ nhất là đình Đông Khang/Thứ nhì đình Bảng, thứ ba đình Diềm”.
Ngày nay, Đình Đông khang đã không còn do chiến tranh tàn phá, đình Diềm cũng đã biến đổi nhiều, không còn bề thế như xưa. Chỉ còn Đình Bảng vẫn giữ được nguyên vẹn quy mô kiến trúc của mình. Giới kiến trúc cũng đánh giá đây là ngôi đình đẹp nhất của người Việt còn tồn tại cho đến nay.

Cách Hà Nội 20km về phía Bắc, Đình làng Đình Bảng (Đình Bảng) thuộc thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh (xưa là Hương Cổ Pháp). Vùng địa linh này là quê hương Lý Công Uẩn (tức Lý Thái Tổ), người lập ra triều Lý và khai sáng kinh đô Thăng Long (năm 1010).

Đình Bảng có cả cụm di tích văn hóa, nhất là những di tích về thời Lý, tạo thành một khu lưu niệm độc đáo, âm vang lịch sử, có tầm cỡ quốc gia, đủ cả: Đình, Đền, Chùa, Lăng, Tẩm .... đặc trưng của văn hóa làng Việt Nam.

Đình làng Đình Bảng là một ngôi đình cổ kính nổi tiếng nhất của đất Kinh Bắc, được xây dựng năm 1700 và đến năm 1736 mới được hoàn thành, do công đầu của quan Nguyễn Thạc Lượng, người Đình Bảng và bà vợ đảm đang Nguyễn Thị Nguyên quê ở Thanh Hóa đã mua gỗ lim về dâng làng xây dựng, ngôi đình có thế trường tồn (Nay ngôi nhà cổ của ông Nguyễn Thạc Lượng cho dựng thử trước khi cho dựng Đình Bảng vẫn còn và được gìn giữ bảo tồn).

Đình Bảng là nơi hội tụ văn hoá tín ngưỡng, nguyên trước Đình thờ 3 vị nhiên thần: Cao Sơn đại vương (Thần Đất), Thuỷ Bá đại vương (Thần Nước) và Bạch Lệ đại vương (Thần Trồng Trọt), đây là các vị thần được cư dân nông nghiệp tôn thờ, cầu mong mưa thuận gió hoà cho mùa màng tươi tốt. Hàng năm vào tháng 12 âm lịch nhân dân lại mở hội cầu khẩn cho một năm mùa màng bội thu. Cũng tại đình làng nhân dân cũng thờ Lục Tổ (6 vị có công lập lại làng vào thế kỷ XV. Sau này khi đền Lý Bát Đế bị thực dân pháp phá năm 1948, nhân dân đã tiếp nhận bài vị của tám vị vua triều Lý về thờ tại đình Đình Bảng.

Đình Đình Bảng là hình ảnh độc đáo của kiến trúc dân tộc, giữ được hình ảnh toàn vẹn kiểu thức nhà sàn dân tộc được áp dụng cho kiến trúc đình làng. Nhìn lại lịch sử từ buổi đầu dựng nước, hình ảnh ngôi nhà sàn còn in giữ trên các trống đồng Đông Sơn - Một sáng tạo của cha ông ta trong lĩnh vực kiến trúc nhà ở. Không thể đem ngôi đình đồ sộ sau mấy mươi thế kỷ đem so sánh với những nhà sàn trên trống đồng Đông Sơn nhưng phải nhận thấy cả hai mẫu hình này có phong thái thống nhất, có sự kế thừa và phát triển truyền thống kiến trúc được xác lập từ buổi đầu dựng nước.

Đình Bảng là một công trình kiến trúc quy mô, nguyên trước có cả tam quan, cửa giữa xây hai trụ gạch kiểu lồng đèn cao, hai bên có cửa cuốn tò vò giả mái, phía sau là khoảng sân rộng, hai bên là hai dãy tả vu và hữu vu. Cũng như mọi ngôi đình khác, công trình quan trọng nhất của Đình Đình Bảng về mặt kiến trúc nghệ thuật là toà Bái Đường (Đại Đình).

Bái Đường của đình có hình chữ nhật, dài 20m, rộng 14m chia làm bảy gian, hai chái nằm trên nền cao bó đá xanh có hai bậc cấp. Vẻ đồ sộ của đình thể hiện qua phần mái toả rộng chiếm 2/3 chiều cao tổng thể và 6 hàng, khoảng 60 cột lim lớn nhỏ có đường kính từ 0,55- 0,65 mét được đặt trên các tảng đá xanh vuông vức.

Khi bước vào lòng đình, quý khách được đón chào và bị cuốn hút bởi tất cả sự tinh hoa của nghệ thuật chạm khắc thế kỷ XVIII. Sự cuốn hút đầu tiên với mọi du khách là bức cửa Võng lớn ở cung giữa thuộc gian ngoài. Bức Võng phủ kín một diện rộng, kéo dài từ Thượng lương xuống Hạ xà và mở ngang hết một gian. Cửa Võng được chạm lộng kết hợp chạm nổi tinh xảo trên cả 7 lớp, 9 ô các đề tài tứ linh, tứ quí.... phía trên bức cửa Võng là bức trần gỗ che kín mái gian giữa với hình trang trí là một con chim Phượng xoè rộng cánh tới các vầng vân mây quanh đó.

Hoa văn trang trí trên các cấu kiện kiến trúc khác rất đa dạng, chạm trổ tinh vi, chau chuốt, hài hoà. Kết cấu bộ khung đình khá vững chắc, gắn với nhau bằng các loại mộng theo lối chồng giường "Thượng tam, hạ tứ".

Mỗi bức chạm khắc ở đình là một tác phẩm nổi tiếng độc nhất vô nhị. Càng chiêm ngưỡng, càng thêm bị cuốn hút: Bức "Bát mã quần phi" thể hiện sự sống động, thấy được sự phóng khoáng và nét thanh bình của mảnh đất này qua hình ảnh và tư thế của từng chú ngựa. Bức Lưỡng nghê phục chầu, con đực, con cái, mỗi con một vẻ. Những bức chạm rồng tuyệt xảo: Long vân đại hội, Ngũ long tranh châu, Lục long ngự thiên...từng bức, từng bức gợi tả bao điều.

Suốt hơn 200 năm kể từ khi khởi dựng, cho đến nay đình Đình Bảng đã đi vào đời sống tình cảm và là niềm tự hào của người xứ Bắc cũng như nhân dân cả nước:

"Thứ nhất là đình Đông Khang
Thứ nhì Đình Báng, vẻ vang đình Diềm"

Đình Đông Khang ngày nay không còn, cái mà hôm nay ta còn được chiêm ngưỡng lại là Đình làng Đình Bảng. Với vẻ đẹp về quy mô kiến trúc, nghệ thuật chạm khắc, nghệ thuật trang trí và cái quý giá hơn là đình Đình Bảng cho du khách một cái nhìn trọn vẹn của kiến trúc đình làng được xây dựng vào nửa đầu thế kỷ XVIII, trong khi các ngôi đình khác không còn giữ được dáng vẻ nguyên vẹn nữa.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Datviet, Svhtt&dl-Bắc Ninh

Link to full article