Chưa đi xem thú hoang ăn đêm coi như chưa đến vườn quốc gia Cát Tiên! Anh nhân viên khu bảo tồn vườn bảo thế làm chúng tôi càng háo hức hơn với chuyến đi khám phá cuối tuần cùng đoàn Fam Trip.
Từ TP.HCM vượt 150 km đến bến đò Nam Cát Tiên. Mùa mưa, nước sông Đồng Nai đỏ ngầu phù sa. Trên mui đò có hàng chữ “không được mang túi nilông lên đò”. Vài người thắc mắc rồi cuối cùng cũng nghĩ ra: vườn quốc gia Cát Tiên nói không với túi nilông.
Chỉ cách một con sông nhưng rừng Cát Tiên biệt lập hẳn. Đặt chân lên bờ bên kia đã có cảm giác khác lạ. Khung cảnh hoang sơ. Tiếng muỗi bắt đầu vo ve.
Màn đêm ở rừng sụp xuống rất nhanh. Mọi người háo hức vào rừng xem thú hoang.
Xem thú hoang dã
< Lên xe đặc chủng xem thú.
Cơm tối xong, chúng tôi lên xe đặc chủng mui trần. Ai cũng lăm lăm máy ảnh trong tay, quyết chụp cho được cảnh thú đi ăn đêm.
Xe chầm chậm vào rừng, tiếng máy rì rì. Ai nấy nín thở, căng mắt nhìn về phía trước. Anh nhân viên hướng dẫn cầm đèn pha rọi. Đèn pha lấy điện từ máy xe, sáng đến vài trăm mét. Cộng thêm ánh sáng đèn xe phía trước sáng choang. Lớp cỏ tranh hai bên đường lùi dần phía sau, tạo thành một vệt mờ.
Xe qua khu rừng rậm. Chốc chốc có chú chồn lững thững kiếm ăn trên đường. Mấy chú nai, heo rừng băng ngang qua đường thấy ánh sáng đèn còn đứng lại nhìn.
< Khách tranh nhau chụp ảnh những chú chim.
Xe chạy ngang trảng cỏ rộng. Theo ánh đèn pha, đóm mắt của bầy nai sáng lè như ngọc dội lại. Đông vô kể. Muông thú đi ăn đêm, còn ban ngày chúng trốn trong rừng rậm. Xe từ từ tiến. Khi thấy thú ở gần, anh nhân viên gõ nhẹ lên nóc xe ra hiệu dừng lại. Có những bầy nai ăn cỏ hai bên đường, có bầy chỉ có nai bố, nai mẹ và nai con.
Cũng dễ phân biệt thôi. Nai đực có bộ sừng như chùm rễ cây tua tủa. Nai cái đầu nhỏ hiền lành, bộ lông mềm mại. Nai con nhỏ nhắn, đuôi ngắn, lông vàng và có vẻ ngơ ngác.
Cảnh ban đêm cuốn hút tôi. Sáng hôm sau tôi thức dậy thật sớm và đi bộ một mình. Thật không phí công. Đi ban ngày mới nghe được hết âm thanh của rừng. Tiếng chim hót, tiếng vượn hú và côn trùng kêu nhộn nhịp. Chồn cứ chạy ào trước mặt, chim bay rần rật trong tán cây.
< Nai ăn đêm.
Trong vườn có đến 606 loài động vật và lưỡng cư với 39 loài thú, 22 loài chim và 17 loài bò sát có trong sách đỏ Việt Nam như bò tót, voi, gấu, báo, vọc… Vừa ngắm muông thú, tôi phải để ý để khỏi giẫm phải phân chồn còn mới nguyên.
Vào khu bảo tồn, càng yêu thú quý cây
Chúng tôi ăn sáng tại bến Cự. Một ghềnh nước giữa rừng đẹp tựa tranh vẽ. Nước rì rầm như tiếng nhạc giao hưởng. Đây là căn cứ của chiến khu Đ, một bến giao nhận hàng hóa. Khi giao nhận thường xảy ra cự cãi nên mới có tên bến Cự.
Mọi người vào thăm khu bảo tồn và chăm sóc gấu. Những chú gấu được nuôi dưỡng trong vườn mập ú, đi lại lặc lè. Khi chúng khỏe mạnh và thích nghi với rừng thì thả về với thiên nhiên.
Chị gấu Hope bị cụt hai chân trước do thợ săn đánh bắt. Chị được cứu hộ đưa vào rừng dưỡng thương nhưng thích trèo cây ăn lá. Leo lên được một chạc ba, chị khoái chí ngồi thõng hai chân sau, buông hai chân trước. Chị đã thắng chính mình như vừa leo lên đỉnh Olympia.
< Gấu Hope kiếm ăn.
Đi thuyền vượt sông thăm Đảo Tiên, nơi có trung tâm cứu hộ động vật hoang dã nguy cấp. Những con cu li có đôi mắt to nhưng thân bé tí. Con lớn nhất cũng chỉ có mấy lạng. Cu li (cù lần) là giống linh trưởng hầu như bị mù với ánh sáng ban ngày. Thấy ánh sáng, những con cù lần này lấy tay che mắt. Chúng chỉ di chuyển và tìm thức ăn vào ban đêm.
Sống riêng lẻ và di chuyển chậm chạp, không có khả năng tự vệ mấy nhưng chúng vẫn tồn tại hàng triệu năm qua. Quả là một điều thú vị.
Anh hướng dẫn viên Đinh Sĩ Đạt dẫn chúng tôi mới vào tới bìa rừng, chà vá trên cây nghe tiếng người lạ hú vang. Trong những chiếc vòm sắt mấy chú vượn đu mình hú lanh lảnh. Lauren (cô sinh viên thực tập người Anh) xách ghế nhựa, cầm bút và cuốn sổ ngồi trên bãi cỏ ghi ghi chép chép. Gần cả năm rồi, ban ngày ngồi đồng nghiên cứu vượn, ban đêm cô mang đèn pin vào rừng một mình theo dõi cu li đến tận khuya.
"Sức làm việc của họ thật đáng nể!" - cô nhân viên ở khu bảo tồn bảo thế.
Đến Đảo Tiên tôi còn được nghe câu chuyện cảm động về chà vá chân đen: thợ săn muốn bắt chà vá con đã bắn chà vá mẹ. Bị thương nhưng chà vá mẹ vẫn ôm con gượng sức chuyền cành, gào rú gọi chà vá bố đang kiếm ăn xa quay về cứu con. Chà vá bố tức tốc về đỡ lấy con. Trao con rồi chà vá mẹ mới ngừng kêu và chết. Chà vá bố ôm con trèo lên ngọn cây cao. Thợ săn quyết bắt cho được chà vá con, tiếp tục bắn chết chà vá bố. Khi bị bắt và xích lại, chà vá con đã cắn đứt chân mình để trốn vào rừng tìm về nơi bố mẹ chết…
< Một đoạn đường vào vườn quốc gia.
Nghe câu chuyện về loài vật sống có tình cảm không thua gì con người, nhìn cô Syvia cùng đồng nghiệp từ Anh xa xôi đến sống ở rừng để chăm sóc linh trưởng thật cảm kích. Người nước ngoài đến trồng cây, bảo tồn động vật hoang dã cho nước mình, còn người mình lại săn bắt buôn bán, phá rừng hủy hoại môi trường! Như lời giám đốc kiêm hướng dẫn viên Lửa Việt Nguyễn Văn Mỹ: “Thứ gì phá đi cũng có thể khôi phục. Riêng phá hoại môi trường thì không bao giờ phục hồi được”.
Lúc dạo trong rừng, tôi nhặt được một hạt gõ chín rơi bằng ngón tay cái. Anh nhân viên khu bảo tồn bảo muốn ươm nó nảy mầm phải vạt vào vỏ cứng rồi ngâm cho ngấm nước. Nhìn những cây gõ đỏ cao vút, tôi ước cả trăm năm sau vườn nhà tôi cũng sẽ có một cây như thế.
Du lịch, GO! - Theo Trương Anh Quốc (Du lịch Tuổi Trẻ)
Link to full article
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét