Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2012

Giải mã làng Trinh Tiết

Bao đời nay những người phụ nữ làng Trinh Tiết (xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) vẫn thủy chung một lòng một dạ thủ tiết, thờ chồng nuôi con. 
Chính vì thế, hiện trong làng có nhiều người phụ nữ dù chồng mất sớm nhưng vẫn không tái giá lấy chồng. Có gia đình có mấy thế hệ đều thủ tiết.
.
< Cổng làng văn hóa Trinh Tiết.
.
Đường... "gái trinh"
.
Trên trục đường du lịch thắng cảnh đến chùa Hương, mọi người không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy một chiếc cổng làng có ghi hàng chữ: Làng Văn hóa Trinh Tiết. Cái tên Trinh Tiết thực sự gây ấn tượng mạnh trong tôi. Tôi tò mò đi tìm lời giải đáp về cái tên độc đáo đó.

Tôi đã hỏi người dân nơi đây về tên gọi của làng, nhưng nhiều người lắc đầu không biết. May thay tôi được một cụ già giải thích rằng: Trước đây làng có nhiều người con gái trong trắng, thủy chung. Họ yêu chồng thương con, một đời thủ tiết. Xưa kia, hằng năm những người con gái xinh đẹp trong làng được kén chọn để cung tiến cho vua.

< Con đường bằng gạch – món quà của những người con xuất giá.

Ông Bùi Kim Long 73 tuổi, một nhà giáo nghỉ hưu cho biết: "Trước đây, khi làng Trinh Tiết còn là một vùng ao tù nước đọng, để có thể đi lại mọi người dựng tạm những chiếc cầu "chân chó". Sau này thì làng quê được thay đổi cũng nhờ những người con gái trinh trắng đó. Đã thành thông lệ trước khi "xuất giá", những cô "gái trinh" đã tự nguyện góp gạch để xây dựng đường làng. Người đi trước làm gương cho thế hệ sau, với số lượng 200 viên gạch tự "khoán" cho mỗi người, nhờ đó mà bộ mặt của làng được thay đổi. Đường làng ngõ xóm được lát gạch phẳng lỳ khô ráo và sạch sẽ".

"Đến thế kỷ XIX, làng Trinh Tiết trở thành địa phương đầu tiên trong vùng vào mùa mưa "gót chân không chạm đất", ông Long tự hào về làng mình.

Tên làng Trinh tiết có từ thời nhà Lý

Ông Long kể về lịch sử của làng: Khoảng thế kỷ VI, một nông phu ở làng có võ nghệ cao cường khó ai địch nổi. Sau này nông phu đó trở thành tướng của Triệu Quang Phục, ông đã tập trung, huấn luyện được nhiều người tài để giúp vua đánh giặc, bảo vệ đất nước. Tuổi già, ông lui về quê sống thanh bình, yên tĩnh. Chọn gò đất đầu làng sinh sống, hưởng cuộc sống an nhàn. Sau này để đền đáp công ơn của ông, khi ông qua đời dân làng đã chôn cất ông ở gò đất đó và lập đền thờ tôn ông là Thành hoàng làng.

Ông Long cho hay, theo sử sách ghi lại phụ thân của Thành hoàng làng Triệu Quốc Bảo là một người "xứ trong" ra đây lập nghiệp rồi xây dựng gia đình. Hai vợ chồng chung sống rất hòa thuận và hạnh phúc. Khi sinh hạ được Bảo thì bố mất, để lại cảnh mẹ góa con côi. Mẹ Bảo là người phụ nữ nức tiếng gần xa về vẻ đẹp trời phú. Chính vì thế khi người chồng quá cố qua đời, có rất nhiều chàng trai giàu có đến ngỏ lời cầu hôn. Nhưng bà vẫn một lòng thủ tiết. Bà tần tảo nuôi con một mình, nhất quyết không tái giá. Dân làng cảm phục và noi gương bà, từ đó trở đi ai nấy đều dặn lòng mình phải luôn chung thủy với chồng con.

< Một góc làng Trinh Tiết.

Đến thế kỷ thứ XI có một vị vua thời Lý khi đi vi hành đến làng, nghe chuyện về những người phụ nữ nơi đây vua rất cảm động, khâm phục về lòng quyết tâm, nghị lực sống của họ. Sau đó vua quyết định đổi tên là làng Trinh Tiết.

Trinh Tiết thời nay

Những câu chuyện về những người phụ nữ một thời thủy chung, son sắt đã được các con cháu thế hệ sau noi theo. Bà Nguyễn Thị Thơ vốn là người con gái sinh ra ở mảnh đất Trinh Tiết, hiện bà đã nghỉ hưu và sống ở Ninh Bình với con trai.

Bà Thơ kể: "Trước đây gia đình tôi rất hạnh phúc, nhưng căn bệnh hiểm nghèo đã cướp mất chồng tôi, để lại một mình tôi với con trai. Dù lúc đó tuổi tôi còn trẻ có nhiều chàng trai đến dạm hỏi, nhưng tôi luôn dặn lòng mình sẽ ở vậy nuôi con đến suốt đời. Đến đời con tôi "kịch bản cuộc đời" lặp lại và đời cháu tôi cũng vậy đều có chồng mất sớm, nhưng vẫn thủ tiết thờ chồng nuôi con. Tôi luôn răn dạy con cháu khi chồng mất đi, đứa con sẽ là tất cả. Vì thế, sẽ cố gắng vượt khó khăn để nuôi dạy con nên người".

Bà Thơ bảo, người con gái làng Trinh Tiết đã yêu ai, lấy ai thì sẽ chung thủy đời đời kiếp kiếp. Khi chồng mất đi thì thủ tiết thờ chồng nuôi con. Chính vì thế mà xưa nay con gái làng chúng tôi có giá lắm, nhiều người giữ trinh tiết, đức hạnh.

Đệ nhất... cổng làng

"Trước đây làng Sêu (tên cũ của làng Trinh Tiết) có truyền thống trồng dâu nuôi tằm và làm ruộng", ông Long kể lại. Từ năm 1900, làng Trinh Tiết đã nổi tiếng là làng văn vật với những cây đa, bến nước, sân đình, chợ...

< Cổng làng Sêu gây ấn tượng cho khách qua đường.

Cổng làng là bộ mặt của cả thôn, trước khi xây dựng được các cụ già trong làng trao đổi, họp bàn rất cẩn thận. Ông Long bảo rằng, xây cổng đẹp thì dễ nhưng chọn được câu đối hay còn khó khăn gấp mấy lần. "Câu đối phải toát lên vẻ trường tồn của thời gian, chứ không phải mang tính khẩu hiệu thời thế. Nó cũng nói lên được bản chất, con người làng Sêu và đặc biệt là dễ đọc dễ hiểu".

Ông Long cứ tâm tắc khen câu đối của làng mình hay và hội tụ đủ ba yếu tố trên: "Làng Sêu quê cũ - Chim đậu đất lành - văn vật ngàn xưa - còn lưu mãi" - "Trinh tiết đời nay - Xuân về vận mới - Thanh cao muôn thuở - Phải là đây" đó là hai câu đối chính ở cổng làng Trinh Tiết.

< Mặt sau của cổng làng Sêu.

Ông Nguyễn Văn Dũng, một người dân trong làng bảo: "Mặc dù đã được đi rất nhiều nơi, chiêm ngưỡng nhiều cổng làng nhưng chưa thấy cổng làng nơi đâu đẹp và có cái tên ý nghĩa như làng mình. Cái cổng làng cũng là nơi rèn luyện con cháu nhân cách sống và hành vi đạo đức tốt đẹp để giữ mãi bản sắc vốn có của làng".

"Làng Trinh Tiết có gần 900 hộ dân, với 19 dòng họ. Hiện các tập tục, phong tục truyền thống từ nhiều đời trước đã mai một, bởi sự giao thoa về văn hóa đã làm thay đổi khá nhiều trong cách suy nghĩ của con người nơi đây. Tuy vậy truyền thống về sự Trinh Tiết của người phụ nữ vẫn còn. Dù làng có dân số đông, nhưng mọi người nơi đây đoàn kết giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống hàng ngày. Cùng nhau xây dựng làng để làng ngày càng văn minh hơn".

Du lịch, GO! - Theo Anh linh - Xuân Thái (Bee), internet

Link to full article

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét