Ấp ủ một chuyến vượt đèo Ô Quy Hồ, nhưng lần đầu tiên qua đây trong một sáng mù sương, tôi vượt qua đèo rồi mà không hay biết. Giờ thì đã qua Ô Quy Hồ bao lần chẳng nhớ, nhưng vẫn không thôi trầm trồ trước con đèo hùng vĩ treo mình giữa điệp trùng núi non miền Tây Bắc và lại ấp ủ một chuyến vượt đèo trong đêm.
Tôi biết đến cái tên Ô Quy Hồ từ khi còn bé tí, qua tấm ảnh tuyệt đẹp của nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh và bài báo kể về chuyến săn mây trên đỉnh Ô Quy Hồ của ông. Lâu dần, bài báo và tấm ảnh mờ dần trong ký ức của tôi, chỉ còn cái tên là lạ và đầy vẻ bí hiểm Ô Quy Hồ đọng lại.
Đến khi ti toe bước chân vào đường “phượt”, tôi ấp ủ một chuyến vượt Ô Quy Hồ. Lần đầu tiên qua con đèo huyền thoại này, chúng tôi đi từ Sa Pa (Lào Cai) sang bên Lai Châu trong một sáng mù mịt sương.
Những tay “phượt” amateur còn non kinh nghiệm cắm mặt xuống đường, gồng tay lái nhích từng mét theo vệt bánh xe tải chỉ rộng chừng hai gang tay giữa con đường dốc ngược quanh co vừa bị sạt lở, bùn đất trơn nhẫy. Cứ nem nép đi như thế, chỉ mong sao con đường hiểm trở ngắn lại, chỉ mong sao mình không “đo đường”, chả ai có gan ngắm nghía núi non, mây trời.
Đến khi sương mù tan dần, trời quang đãng hơn, những bánh xe bon bon đổ dốc, thì đã thấy mình ở lưng chừng chân dốc tự khi nào. Thở phào nhẹ nhõm vì đã vượt qua quãng đường hiểm trở an toàn, cả nhóm tạt vào vệ đường, cạnh hai chàng trai trẻ người Mông cũng đang dừng chân nghỉ.
Nhìn những nụ cười méo mó trên khuôn mặt vẫn còn tái xanh vì sợ của chúng tôi, một chàng trai vừa cười, vừa nói: “Ô Quy Hồ mà. Bị sạt đường, lại có sương mù nữa, qua đèo sợ nhỉ”. Ô Quy Hồ hằng ấp ủ của tôi đấy, không một bức ảnh, không hề hay biết.
Lần thứ hai qua Ô Quy Hồ, tôi đi theo hướng ngược lại, vào một ngày nắng đẹp. Hơn 50km đường đèo dài nhất Việt Nam uốn lượn giữa trập trùng núi, vi vu gió và óng ánh nắng vàng, vắt qua 2 tỉnh Lào Cai và Lai Châu, trong đó 2/3 thuộc địa phận huyện Tam Đường (Lai Châu), 1/3 thuộc địa phận Sa Pa (Lào Cai). Cái nắng đầu hè ở phía tây dãy Hoàng Liên Sơn khá oi ả cũng chẳng ngăn được những tay lái giờ đã dạn dày kinh nghiệm hơn vi vút như bay cùng gió trên con đèo dốc dần lên ngang lưng trời.
Lên đến đỉnh đèo, cũng là ranh giới giữa hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu, chúng tôi quay đầu nhìn lại, ngất ngây với con đường ngoằn ngoèo như một dải lụa mềm ôm ngang lưng núi mình vừa đi qua. Một biển mây bồng bềnh trắng xóa từ từ dâng lên ngập tràn thung lũng, vấn vít quanh những ngọn núi xanh mờ tận cuối chân trời. Cả người và xe chìm trong biển mây, bồng bềnh, lãng đãng. Lúc ấy, bất giác muốn được nghe một giọng chim cất lên ba tiếng “ô quy hồ” khắc khoải, da diết, gắn với câu chuyện tình không thành năm xưa, giờ đã thành cái tên Ô Quy Hồ huyền thoại cho con đèo này, bên cạnh cái tên dân gian là đèo Mây, hay đèo Hoàng Liên, đèo Sa Pa...
Lần thứ ba, thứ tư, tôi chẳng còn nhớ mình đi theo hướng nào, chỉ biết mỗi lần qua không thể không dừng lại giữa đỉnh đèo cheo leo ở độ cao gần 2.000m, bồng bềnh với mây ngày hè nắng vàng, mờ ảo với sương ngày xuân ấm áp, ngập trong tuyết phủ trắng xóa ngày đông giá buốt. Lần nào cũng vẫn ngất ngây, xuýt xoa như lần đầu tiên thấy người bạn đồng hành đi xa dần, nhỏ dần trên con đèo vắt ngang sườn núi chênh vênh giữa lưng trời.
Lần nào qua đây cũng háo hức với những cuộc đuổi bắt thú vị. Bởi Ô Quy Hồ vắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn, vì thế mà con đèo chia hai nửa rõ rệt về khí hậu, bên nóng bên lạnh, bên mưa bên nắng. Ngày đẹp trời là cuộc đuổi bắt những làn gió mát mẻ, trong lành phía Lào Cai, bỏ lại cái nóng oi ả của Lai Châu sau lưng. Ngày xấu trời là cuộc chạy trốn cơn mưa dông sầm sập bên Lào Cai, cuống quýt vượt đỉnh đèo sang Lai Châu, sung sướng đứng trong ánh nắng vàng nhìn lại cơn mưa không đuổi kịp bánh xe mình.
Nhưng hành trình Ô Quy Hồ của tôi vẫn còn thiếu một chuyến vượt đèo trong đêm, để được nghe tiếng thở của đại ngàn giữa đêm đen, nghe tiếng chân thú mơ hồ giữa rừng hoang lạnh, để thấy những ánh đèn lập lòe suốt con đường đèo dài dằng dặc. Chắc hẳn sẽ rùng rợn và kỳ thú lắm. Vì thế, tôi vẫn ấp ủ và nhất định sẽ có một ngày tôi vượt Ô Quy Hồ trong đêm.
Du lịch, GO! - Theo Ngân Hà (Laodong), internet
Link to full article
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét