Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2012

Béo ngậy chấu rang mùa gặt

Khi thóc trên đồng chuẩn bị chín vàng, cũng là lúc lũ châu chấu bắt đầu “hoạt động” rầm rộ để kiếm thức ăn, con nào con nấy đều bóng bẩy, béo múp míp. Lũ trẻ trong xóm lại rủ nhau đi bắt châu chấu, cào cào và muồm muỗm về nướng, rang ăn.

< Châu chấu rang vàng ươm...

Loài côn trùng này có nhiểu loại: Nào châu chấu lúa, châu chấu tre, nhưng thơm ngon nhất phải kể tới châu chấu sim béo ngậy, cẳng to nhiều thịt.

Bắt châu chấu có nhiều cách. Trước đây nhiều châu chấu, người ta thường dựng cọc, căng màn rồi lùa gậy vào những ruộng lúa để châu chấu bay vào màn. Từng đàn châu chấu bay rào rào rồi mắc lại ở màn. Thế là đã có một bữa châu chấu no nê, vừa nướng vừa rang.

Hoặc đơn giản hơn thì chỉ cần một chiếc que tre nhỏ, một đầu buộc túi nylon để xua châu chấu rồi đem theo một cái chai nhựa. Gặp con nào thì vồ con ấy rồi nhét vào chai, chúng thi nhau nhảy loạn xạ trong chai, nghe rất vui tai.

Châu chấu đem về đổ vào xoong nước nóng để chúng không thể nhảy được nữa. Sau đó đem nhặt sạch cánh, chân, càng và râu nhưng nhớ để lại hai chiếc đùi xanh mướt vì đùi khi chín vừa giòn, béo. Rửa qua nước lạnh rồi mới đem chế biến món ăn. Món ngon nhất phải kể đến là châu chấu rang lá chanh.

Để châu chấu chín, không bị cháy thì đổ một chút nước cà muối vào đun lửa nhỏ. Nước cà muối sẽ giúp châu chấu ngấm mặn, khi chín sẽ giòn hơn. Khi nước cạn thì cho vào một chút muối, dầu ăn, đảo đều cho tới khi châu chấu vàng ươm. Cuối cùng cho vào đó một chút lá chanh thái nhỏ và một thìa đường. Đảo cho tới khi châu chấu chín vàng, có mùi thơm là được.

Châu chấu vừa giòn, thơm, lại beo béo, ngọt ngọt và bùi bùi, cảm giác vừa lạ vừa quen. Bữa cơm ngày mùa mà có thêm đĩa rau muống luộc và bát cà muối thì ngon phải biết.

Ngoài món rang, nhiều nơi còn chế biến châu chấu xào sả ớt và lẩu châu chấu. Món ăn châu chấu xào sả ớt. Châu chấu được xào thật khô vẫn bảo toàn độ giòn tan, béo ngậy rất riêng biệt của con châu chấu. So với món rang thì châu chấu xào vẫn mềm hơn.

Còn, món lẩu châu chấu là món ăn rất đặc biệt. Gần giống với lẩu cá lóc đồng, món lẩu châu chấu cũng cần các thứ phụ gia như lá rút, me chua, măng chua, tai chua, đậu rồng, rau ngổ… đặc biệt là không thể thiếu vị cay của ớt và gừng. Sau khi nước dùng nêm nếm đầy đủ phụ gia và sôi sùng sục mới cho châu chấu đã rang vàng từ đĩa vào. Con châu chấu vàng rộm ngấm nước chua, đặt trên một bát bún sợi to, ăn kèm với giá đậu, chuối chát cùng các loại rau thơm khác, thật sự là một món ăn khoái khẩu những ngày mùa gặt.

Thưởng thức món châu chấu rang lá chanh, bất cứ ai cũng không thể quên được hương vị đậm đà của nó, mà trong đó có cả hương vị thân quen của lúa mới cảm xúc nhớ quê da diết.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Danviet và Afamily

Link to full article

Giải mã làng Trinh Tiết

Bao đời nay những người phụ nữ làng Trinh Tiết (xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) vẫn thủy chung một lòng một dạ thủ tiết, thờ chồng nuôi con. 
Chính vì thế, hiện trong làng có nhiều người phụ nữ dù chồng mất sớm nhưng vẫn không tái giá lấy chồng. Có gia đình có mấy thế hệ đều thủ tiết.
.
< Cổng làng văn hóa Trinh Tiết.
.
Đường... "gái trinh"
.
Trên trục đường du lịch thắng cảnh đến chùa Hương, mọi người không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy một chiếc cổng làng có ghi hàng chữ: Làng Văn hóa Trinh Tiết. Cái tên Trinh Tiết thực sự gây ấn tượng mạnh trong tôi. Tôi tò mò đi tìm lời giải đáp về cái tên độc đáo đó.

Tôi đã hỏi người dân nơi đây về tên gọi của làng, nhưng nhiều người lắc đầu không biết. May thay tôi được một cụ già giải thích rằng: Trước đây làng có nhiều người con gái trong trắng, thủy chung. Họ yêu chồng thương con, một đời thủ tiết. Xưa kia, hằng năm những người con gái xinh đẹp trong làng được kén chọn để cung tiến cho vua.

< Con đường bằng gạch – món quà của những người con xuất giá.

Ông Bùi Kim Long 73 tuổi, một nhà giáo nghỉ hưu cho biết: "Trước đây, khi làng Trinh Tiết còn là một vùng ao tù nước đọng, để có thể đi lại mọi người dựng tạm những chiếc cầu "chân chó". Sau này thì làng quê được thay đổi cũng nhờ những người con gái trinh trắng đó. Đã thành thông lệ trước khi "xuất giá", những cô "gái trinh" đã tự nguyện góp gạch để xây dựng đường làng. Người đi trước làm gương cho thế hệ sau, với số lượng 200 viên gạch tự "khoán" cho mỗi người, nhờ đó mà bộ mặt của làng được thay đổi. Đường làng ngõ xóm được lát gạch phẳng lỳ khô ráo và sạch sẽ".

"Đến thế kỷ XIX, làng Trinh Tiết trở thành địa phương đầu tiên trong vùng vào mùa mưa "gót chân không chạm đất", ông Long tự hào về làng mình.

Tên làng Trinh tiết có từ thời nhà Lý

Ông Long kể về lịch sử của làng: Khoảng thế kỷ VI, một nông phu ở làng có võ nghệ cao cường khó ai địch nổi. Sau này nông phu đó trở thành tướng của Triệu Quang Phục, ông đã tập trung, huấn luyện được nhiều người tài để giúp vua đánh giặc, bảo vệ đất nước. Tuổi già, ông lui về quê sống thanh bình, yên tĩnh. Chọn gò đất đầu làng sinh sống, hưởng cuộc sống an nhàn. Sau này để đền đáp công ơn của ông, khi ông qua đời dân làng đã chôn cất ông ở gò đất đó và lập đền thờ tôn ông là Thành hoàng làng.

Ông Long cho hay, theo sử sách ghi lại phụ thân của Thành hoàng làng Triệu Quốc Bảo là một người "xứ trong" ra đây lập nghiệp rồi xây dựng gia đình. Hai vợ chồng chung sống rất hòa thuận và hạnh phúc. Khi sinh hạ được Bảo thì bố mất, để lại cảnh mẹ góa con côi. Mẹ Bảo là người phụ nữ nức tiếng gần xa về vẻ đẹp trời phú. Chính vì thế khi người chồng quá cố qua đời, có rất nhiều chàng trai giàu có đến ngỏ lời cầu hôn. Nhưng bà vẫn một lòng thủ tiết. Bà tần tảo nuôi con một mình, nhất quyết không tái giá. Dân làng cảm phục và noi gương bà, từ đó trở đi ai nấy đều dặn lòng mình phải luôn chung thủy với chồng con.

< Một góc làng Trinh Tiết.

Đến thế kỷ thứ XI có một vị vua thời Lý khi đi vi hành đến làng, nghe chuyện về những người phụ nữ nơi đây vua rất cảm động, khâm phục về lòng quyết tâm, nghị lực sống của họ. Sau đó vua quyết định đổi tên là làng Trinh Tiết.

Trinh Tiết thời nay

Những câu chuyện về những người phụ nữ một thời thủy chung, son sắt đã được các con cháu thế hệ sau noi theo. Bà Nguyễn Thị Thơ vốn là người con gái sinh ra ở mảnh đất Trinh Tiết, hiện bà đã nghỉ hưu và sống ở Ninh Bình với con trai.

Bà Thơ kể: "Trước đây gia đình tôi rất hạnh phúc, nhưng căn bệnh hiểm nghèo đã cướp mất chồng tôi, để lại một mình tôi với con trai. Dù lúc đó tuổi tôi còn trẻ có nhiều chàng trai đến dạm hỏi, nhưng tôi luôn dặn lòng mình sẽ ở vậy nuôi con đến suốt đời. Đến đời con tôi "kịch bản cuộc đời" lặp lại và đời cháu tôi cũng vậy đều có chồng mất sớm, nhưng vẫn thủ tiết thờ chồng nuôi con. Tôi luôn răn dạy con cháu khi chồng mất đi, đứa con sẽ là tất cả. Vì thế, sẽ cố gắng vượt khó khăn để nuôi dạy con nên người".

Bà Thơ bảo, người con gái làng Trinh Tiết đã yêu ai, lấy ai thì sẽ chung thủy đời đời kiếp kiếp. Khi chồng mất đi thì thủ tiết thờ chồng nuôi con. Chính vì thế mà xưa nay con gái làng chúng tôi có giá lắm, nhiều người giữ trinh tiết, đức hạnh.

Đệ nhất... cổng làng

"Trước đây làng Sêu (tên cũ của làng Trinh Tiết) có truyền thống trồng dâu nuôi tằm và làm ruộng", ông Long kể lại. Từ năm 1900, làng Trinh Tiết đã nổi tiếng là làng văn vật với những cây đa, bến nước, sân đình, chợ...

< Cổng làng Sêu gây ấn tượng cho khách qua đường.

Cổng làng là bộ mặt của cả thôn, trước khi xây dựng được các cụ già trong làng trao đổi, họp bàn rất cẩn thận. Ông Long bảo rằng, xây cổng đẹp thì dễ nhưng chọn được câu đối hay còn khó khăn gấp mấy lần. "Câu đối phải toát lên vẻ trường tồn của thời gian, chứ không phải mang tính khẩu hiệu thời thế. Nó cũng nói lên được bản chất, con người làng Sêu và đặc biệt là dễ đọc dễ hiểu".

Ông Long cứ tâm tắc khen câu đối của làng mình hay và hội tụ đủ ba yếu tố trên: "Làng Sêu quê cũ - Chim đậu đất lành - văn vật ngàn xưa - còn lưu mãi" - "Trinh tiết đời nay - Xuân về vận mới - Thanh cao muôn thuở - Phải là đây" đó là hai câu đối chính ở cổng làng Trinh Tiết.

< Mặt sau của cổng làng Sêu.

Ông Nguyễn Văn Dũng, một người dân trong làng bảo: "Mặc dù đã được đi rất nhiều nơi, chiêm ngưỡng nhiều cổng làng nhưng chưa thấy cổng làng nơi đâu đẹp và có cái tên ý nghĩa như làng mình. Cái cổng làng cũng là nơi rèn luyện con cháu nhân cách sống và hành vi đạo đức tốt đẹp để giữ mãi bản sắc vốn có của làng".

"Làng Trinh Tiết có gần 900 hộ dân, với 19 dòng họ. Hiện các tập tục, phong tục truyền thống từ nhiều đời trước đã mai một, bởi sự giao thoa về văn hóa đã làm thay đổi khá nhiều trong cách suy nghĩ của con người nơi đây. Tuy vậy truyền thống về sự Trinh Tiết của người phụ nữ vẫn còn. Dù làng có dân số đông, nhưng mọi người nơi đây đoàn kết giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống hàng ngày. Cùng nhau xây dựng làng để làng ngày càng văn minh hơn".

Du lịch, GO! - Theo Anh linh - Xuân Thái (Bee), internet

Link to full article

Kỳ bí huyệt đạo trên đỉnh Ngàn Nưa

Hai bên đường vào Khu du tích được phủ một màu xanh rì của những cây xà cừ cổ thụ càng làm tôn lên vẻ uy nghi, cổ kính của vùng đất này.

Ngày mở cửa... Trời

Khu di tích Am Tiên nằm trên núi Nưa thuộc xã Tân Ninh (Triệu Sơn, Thanh Hóa). Quần thể khu di tích bao gồm "Núi Nưa - Đền Nưa - Am Tiên" với tổng diện tích 100 ha, riêng khu vực đền Am Tiên là 4 ha.
Am Tiên đã có từ lâu đời nhưng mãi đến năm 2006 vẻ đẹp tiềm ẩn của vùng đất địa linh nhân kiệt này mới được khai thác. Vào năm 2010 mảnh đất này đã được công nhận là Khu di tích cấp quốc gia. Lễ hội đền Nưa - Am Tiên bắt đầu từ 15 - 20 tháng Giêng hàng năm.

Theo tín ngưỡng dân gian: Huyệt đạo trên đỉnh núi này là huyệt khí thiêng! Ngày 9 tháng Giêng hàng năm là ngày mở cửa trời. Người dân hành hương về đây cầu cho quốc thái dân an, nhà nhà hạnh phúc, người người khỏe mạnh, tài năng tiến tới, công thành danh toại.

< Đền Nưa dưới chân núi Nưa.

Từ giã Am Tiên khi màn sương đã tan dần, cảnh vật hai bên sườn núi hiện rõ như bức tranh sơn thủy hữu tình. Từ trên cao nhìn xuống, một vùng đồng bằng Nông Cống - Triệu Sơn mờ ảo trải dài ngút tầm mắt. Kia là dòng Lãn Giang nằm e ấp, cuộn mình trong sương sớm. Kia là núi Tía, núi Lễ Động nơi đã ghi dấu ẩn sĩ Tu Nưa đã giúp dân ngăn sông vá trời. Chắc chắn nếu có dịp, tôi sẽ lại ghé thăm vùng đất địa linh nhân kiệt này.

Am Tiên - núi Nưa gắn liền với cuộc khởi nghĩa năm 248 của Bà Triệu chống giặc Ngô xâm lược. Bởi vậy Am Tiên còn có tên gọi khác là Kinh Triệu Quận (tức là Kinh đô của Bà Triệu). Để tri ân lớp người thiên cổ, du khách tới đây đều không quên vào dãy điện thờ Bà Chúa Thượng Ngàn, vua Bà, đền thờ ông Tu Nưa thắp nén hương tỏ lòng thành kính.

Đến với Am Tiên vào những ngày đầu xuân, du khách sẽ được đắm chìm trong bạt ngàn lau trắng quyện mây dìu dặt trong gió. Đoạn đường lên Am Tiên dài hơn 3km đường núi quanh co, hai bên đường sương mù che phủ. Tuy nhiên chừng ấy khó khăn vẫn không thể ngăn cản bước chân du khách.

< Cổng chào đền Am Tiên.

Chúng tôi nghe rất rõ tiếng trò chuyện nhưng không thấy người vì lớp sương bao phủ quá dày. Phải qua một quãng dài mới nhận ra đó là một đoàn khách cũng đang song hành. Một ông khách trong đoàn chợt cao hứng đùa: "Am Tiên có khác! Âm u quá các bác nhỉ?"- Cả đoàn cười ồ lên rồi ai nấy lại mải mê bước tiếp.

Trong sương mù cổng chính đền Am Tiên dần hiện ra với băng rôn treo phía trên "Đền Am Tiên - kính chào quý khách".

Chủ trì hiện tại đền Am Tiên là ông Lê Bật Sơn, ông là chủ trì đời thứ 3. Hiện tại ông Sơn cùng người dân địa phương đang tích cực xây dựng con đường lên Am Tiên để người hành hương thuận tiện đi lại. Dù ngày chính hội đền Am Tiên đã qua nhưng du khách đến vãn cảnh vẫn rất đông. Dọc lối đi trong khuôn viên đền mang đậm giá trị văn hóa tâm linh bởi chiếc chuông đồng cổ và những tán đa, bồ đề đẫm mình trong sương sớm.

Huyệt thiêng

Từ cổng đền Am Tiên đi sâu vào 150m sẽ thấy huyệt thiêng. Đó là khoảng đất rộng hơn 100 mét vuông được rào chắn kỹ lưỡng. Ngay lối vào là phiến đá trắng có khắc dòng chữ "Cầu cho quốc thái dân an". Ông Lê Bật Thắng, trợ lý cho chủ trì chùa dẫn tôi lên huyệt thiêng đền Am Tiên và giới thiệu: "Đất nước ta có 3 huyệt đạo thiêng. Một là ở núi Đá Chông (Ba Vì, Hà Nội), hai là ở núi Bà Đen (Tây Ninh) và ba chính là chỗ này (tức Đền Am Tiên, Núi Nưa- Thanh Hóa). Theo sử sách để lại, đây chính là 1 trong những huyệt đạo quan trọng nhất của nước Nam, mà tướng Cao Biền không thể trấn yểm nổi...".

< Huyệt thiêng.

Thật bất ngờ bởi nơi tôi đang đứng cao 538m so với mực nước biển và chính là đỉnh cao nhất của ngọn núi Nưa. Huyệt thiêng chính là nơi giao hòa giữa trời và đất. Giếng tiên có độ sâu khoảng 5m, rộng 4 m, phần lộ thiên của giếng được xếp bởi 3 lượt đá.

Ngay tại nơi này ta có thể cảm nhận được sự chuyển động của vũ trụ. Thấy tôi băn khoăn về việc làm sao cảm nhận được chuyển động ấy, ông Thắng gọi thêm một số du khách đứng gần và chỉ dẫn: "Bây giờ mời các vị nhắm mắt lại, thả lỏng cơ thể, tập trung mọi suy nghĩ lên đôi mắt, lúc đầu các vị sẽ thấy có màu đỏ, rồi chuyển sang màu da cam, cuối cùng là màu trắng xanh và đợi một chút quý vị sẽ thấy trong màu trắng xanh có lẫn các hạt bụi.

Đó chính là các hạt bụi đang chuyển động trong vũ trụ này!". Thật kỳ lạ, bởi làm theo chỉ dẫn tới đâu thì tôi cảm nhận được sự khác lạ đến đó. Trong một khoảnh khắc tôi thấy mình như đang bay bổng giữa trời đất bao la và đang hòa cùng với những chuyển động của vũ trụ. Cảm giác thư thái, nhẹ nhõm ấy quả không dễ nào có được.

Rời huyệt thiêng trong cảm giác lâng lâng khó tả, tôi như lạc vào cõi bồng lai tiên cảnh trên đường vào giếng Tiên. Hai bên lối đi được phủ kín một màu hồng đào của những cành đào phai nở rộ sau Tết đẹp đến say lòng người. Những cánh đào hồng tươi rớt xuống tựa như tấm thảm nhung. Người ta gọi đó là Động đào.

< Động đào.

Tương truyền khi xưa trên vùng đất này bạt ngàn đào. Tới giờ nơi đây vẫn còn hơn 1.000 gốc. Cứ đến đúng dịp lễ hội, hoa đào lại đua nhau khoe sắc. Truyền thuyết kể rằng các tiên nữ xưa kia thường xuống đây hái đào và tắm nước giếng, vì thế mới gọi là giếng Tiên.

Ông Lê Bật Thắng cho biết: "Không ai xác định được giếng này có từ khi nào. Dân gian vẫn tương truyền: Từ khi vũ trụ sinh ra giếng đã có rồi! Sự chuyển động của vũ trụ đã tạo ra vết nứt trên đá và dần dần vết nứt rộng ra tạo thành giếng".

Để tiện cho du khách tới xin nước và ngăn không cho đất cát bẩn rơi xuống giếng Ban quản lý di tích đã cho xây dựng thành giếng vào năm 2004. Nước giếng từ trong núi chảy ra nên rất tinh khiết, người ta gọi nguồn nước chảy vào giếng là Long mạch. Lòng giếng rất cạn, từ trên nhìn xuống đã thấy ngay, nhưng lạ kỳ thay nước giếng không bao giờ vơi dù cho hạn hán kéo dài. Các sư thầy vùng lân cận thường tới đây xin về làm nước cam lồ dùng trong các dịp lễ tế, còn du khách tới xin về để thờ cúng tổ tiên.

Khu di tích Am Tiên

Du lịch, GO! - Theo Lường Thi - Ngọc Hưng (Giadinh24h.net)

Link to full article

Vượt đèo Ô Quy Hồ

p ủ một chuyến vượt đèo Ô Quy Hồ, nhưng lần đầu tiên qua đây trong một sáng mù sương, tôi vượt qua đèo rồi mà không hay biết. Giờ thì đã qua Ô Quy Hồ bao lần chẳng nhớ, nhưng vẫn không thôi trầm trồ trước con đèo hùng vĩ treo mình giữa điệp trùng núi non miền Tây Bắc và lại ấp ủ một chuyến vượt đèo trong đêm.

Tôi biết đến cái tên Ô Quy Hồ từ khi còn bé tí, qua tấm ảnh tuyệt đẹp của nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh và bài báo kể về chuyến săn mây trên đỉnh Ô Quy Hồ của ông. Lâu dần, bài báo và tấm ảnh mờ dần trong ký ức của tôi, chỉ còn cái tên là lạ và đầy vẻ bí hiểm Ô Quy Hồ đọng lại.

Đến khi ti toe bước chân vào đường “phượt”, tôi ấp ủ một chuyến vượt Ô Quy Hồ. Lần đầu tiên qua con đèo huyền thoại này, chúng tôi đi từ Sa Pa (Lào Cai) sang bên Lai Châu trong một sáng mù mịt sương.


Những tay “phượt” amateur còn non kinh nghiệm cắm mặt xuống đường, gồng tay lái nhích từng mét theo vệt bánh xe tải chỉ rộng chừng hai gang tay giữa con đường dốc ngược quanh co vừa bị sạt lở, bùn đất trơn nhẫy. Cứ nem nép đi như thế, chỉ mong sao con đường hiểm trở ngắn lại, chỉ mong sao mình không “đo đường”, chả ai có gan ngắm nghía núi non, mây trời.

Đến khi sương mù tan dần, trời quang đãng hơn, những bánh xe bon bon đổ dốc, thì đã thấy mình ở lưng chừng chân dốc tự khi nào. Thở phào nhẹ nhõm vì đã vượt qua quãng đường hiểm trở an toàn, cả nhóm tạt vào vệ đường, cạnh hai chàng trai trẻ người Mông cũng đang dừng chân nghỉ.

Nhìn những nụ cười méo mó trên khuôn mặt vẫn còn tái xanh vì sợ của chúng tôi, một chàng trai vừa cười, vừa nói: “Ô Quy Hồ mà. Bị sạt đường, lại có sương mù nữa, qua đèo sợ nhỉ”. Ô Quy Hồ hằng ấp ủ của tôi đấy, không một bức ảnh, không hề hay biết.

Lần thứ hai qua Ô Quy Hồ, tôi đi theo hướng ngược lại, vào một ngày nắng đẹp. Hơn 50km đường đèo dài nhất Việt Nam uốn lượn giữa trập trùng núi, vi vu gió và óng ánh nắng vàng, vắt qua 2 tỉnh Lào Cai và Lai Châu, trong đó 2/3 thuộc địa phận huyện Tam Đường (Lai Châu), 1/3 thuộc địa phận Sa Pa (Lào Cai). Cái nắng đầu hè ở phía tây dãy Hoàng Liên Sơn khá oi ả cũng chẳng ngăn được những tay lái giờ đã dạn dày kinh nghiệm hơn vi vút như bay cùng gió trên con đèo dốc dần lên ngang lưng trời.

Lên đến đỉnh đèo, cũng là ranh giới giữa hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu, chúng tôi quay đầu nhìn lại, ngất ngây với con đường ngoằn ngoèo như một dải lụa mềm ôm ngang lưng núi mình vừa đi qua. Một biển mây bồng bềnh trắng xóa từ từ dâng lên ngập tràn thung lũng, vấn vít quanh những ngọn núi xanh mờ tận cuối chân trời. Cả người và xe chìm trong biển mây, bồng bềnh, lãng đãng. Lúc ấy, bất giác muốn được nghe một giọng chim cất lên ba tiếng “ô quy hồ” khắc khoải, da diết, gắn với câu chuyện tình không thành năm xưa, giờ đã thành cái tên Ô Quy Hồ huyền thoại cho con đèo này, bên cạnh cái tên dân gian là đèo Mây, hay đèo Hoàng Liên, đèo Sa Pa...

Lần thứ ba, thứ tư, tôi chẳng còn nhớ mình đi theo hướng nào, chỉ biết mỗi lần qua không thể không dừng lại giữa đỉnh đèo cheo leo ở độ cao gần 2.000m, bồng bềnh với mây ngày hè nắng vàng, mờ ảo với sương ngày xuân ấm áp, ngập trong tuyết phủ trắng xóa ngày đông giá buốt. Lần nào cũng vẫn ngất ngây, xuýt xoa như lần đầu tiên thấy người bạn đồng hành đi xa dần, nhỏ dần trên con đèo vắt ngang sườn núi chênh vênh giữa lưng trời.

Lần nào qua đây cũng háo hức với những cuộc đuổi bắt thú vị. Bởi Ô Quy Hồ vắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn, vì thế mà con đèo chia hai nửa rõ rệt về khí hậu, bên nóng bên lạnh, bên mưa bên nắng. Ngày đẹp trời là cuộc đuổi bắt những làn gió mát mẻ, trong lành phía Lào Cai, bỏ lại cái nóng oi ả của Lai Châu sau lưng. Ngày xấu trời là cuộc chạy trốn cơn mưa dông sầm sập bên Lào Cai, cuống quýt vượt đỉnh đèo sang Lai Châu, sung sướng đứng trong ánh nắng vàng nhìn lại cơn mưa không đuổi kịp bánh xe mình.

Nhưng hành trình Ô Quy Hồ của tôi vẫn còn thiếu một chuyến vượt đèo trong đêm, để được nghe tiếng thở của đại ngàn giữa đêm đen, nghe tiếng chân thú mơ hồ giữa rừng hoang lạnh, để thấy những ánh đèn lập lòe suốt con đường đèo dài dằng dặc. Chắc hẳn sẽ rùng rợn và kỳ thú lắm. Vì thế, tôi vẫn ấp ủ và nhất định sẽ có một ngày tôi vượt Ô Quy Hồ trong đêm.

Du lịch, GO! - Theo Ngân Hà (Laodong), internet

Link to full article

Chín kỷ lục biển đảo Việt Nam

Tổ chức Kỷ lục Việt Nam chính thức công bố chín kỷ lục Việt Nam trong lĩnh vực biển và hải đảo nhân tuần lễ Biển & Hải đảo Việt Nam diễn ra từ ngày 5 -8/6/2012 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

< Bãi biển Trà Cổ.

1. Bãi biển Trà Cổ - Bãi biển dài nhất

Bãi biển Trà Cổ thuộc tỉnh Quảng Ninh nằm ở cực đông bắc của Tổ quốc, nơi giáp ranh giữa Việt Nam và Trung Quốc. Bãi biển Trà Cổ là bãi biển dài nhất Việt Nam với chiều dài 17 km, diện tích khoảng 170 ha cong hình vành khuyên, trải từ Mũi Gót phía bắc đến Mũi Ngọc ở phía nam.

Bãi biển Trà Cổ được đánh giá là một trong những bãi biển đẹp nhất Việt Nam. Quanh bãi biển Trà Cổ có các địa danh du lịch như Nhà thờ Trà Cổ, Đình Trà Cổ. Lễ hội Đình Trà Cổ từ 30/5 – 6/6 hàng năm. Đây là một hoạt động văn hóa thu hút khách du lịch.

2. Vịnh Hạ Long - Vịnh có nhiều đảo nhỏ nhất

Vịnh Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam), nằm ở bờ Tây vịnh Bắc bộ. Với diện tích rộng 1.553 km² bao gồm 1.169 hòn đảo lớn, nhỏ, trong đó 95% là các đảo đá vôi cùng với những giá trị về cảnh quan; giá trị đa dạng sinh học; giá trị địa chất địa mạo và giá trị lịch sử, văn hóa, vịnh Hạ Long đã được công nhận là di tích danh thắng cấp quốc gia và di sản thế giới.

Năm 1962, vịnh Hạ Long được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch) Việt Nam xếp hạng di tích danh thắng cấp quốc gia (Di sản quốc gia Việt Nam). Ngày 17/12/1994 Hội nghị lần thứ 18 của Ủy ban Di sản Thế giới họp tại Phuket (Thái Lan) đã công nhận vịnh Hạ Long vào danh mục Di sản Thiên nhiên Thế giới với giá trị ngoại hạng toàn cầu về mặt thẩm mĩ (tiêu chí VII) theo tiêu chuẩn của Công ước Quốc tế về Bảo vệ Di sản Tự nhiên & Văn hóa của thế giới.

Ngày 2/12/2000 Hội nghị lần thứ 24 của Hội đồng Di sản Thế giới họp tại thành phố Cairns, Queensland, Australia, đã công nhận vịnh Hạ Long là di sản thế giới lần thứ hai theo tiêu chuẩn (VIII) về giá trị địa chất địa mạo. Tổ chức kỳ quan thiên nhiên của thế giới mới (New Open World Corporation) đã vận động bình chọn các kỳ quan thiên nhiên thế giới mới và Vịnh Hạ Long đã vượt qua 21 ứng cử viên sáng giá khác để trở thành một trong bảy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.

3. Tam Giang - Cầu Hai - Đầm phá lớn nhất

Tam Giang - Cầu Hai (thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế) là hệ đầm phá lớn nhất và tiêu biểu nhất của Việt Nam, với diện tích mặt nước rộng 21.600 héc ta, chiếm 48,2% tổng số diện tích mặt nước các đầm phá ven bờ Việt Nam. Về quy mô, Tam Giang - Cầu Hai là đầm phá lớn nhất ở Đông Nam Á và thuộc loại lớn trên thế giới.

Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai dài 68 km, rộng nhất là 8 km, hẹp nhất là 0,6 km, có độ sâu trung bình 1,5 - 2m và được chia thành ba phần: phía bắc là phá Tam Giang, ở giữa là An Truyền và Thủy Tú và phía nam là đầm cầu Hai. Vực nước có thể tích trung bình 300 triệu m3, khi có mưa lũ lên đến trên 400 triệu m3. Vực nước đầm phá thống với biển qua hai cửa Tư Hiền (phía nam) và Thuận An (phía bắc). Hai phía đầm phá phát triển các thềm, bãi cao 2-4 m cấu tạo bằng cát, bột cát. Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có khoảng 900 loài sinh vật, đặc biệt có bảy loài cỏ biển, bảy loài thực vật ngập mặn, 230 loài cá và 73 loài chim nước.

4. Quần đảo Cát Bà - Quần đảo có nhiều đảo nhất

Quần đảo Cát Bà bao gồm 367 hòn đảo lớn, nhỏ, nằm ở phía nam Vịnh Hạ Long và ngoài khơi Thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh. Quần đảo có tọa độ từ 20°42’ đến 20°54’ độ vĩ Bắc và từ 106°52’ đến 107°07’ độ kinh Đông thuộc ngoài khơi vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng. Quần đảo cách trung tâm Thành phố Hải Phòng 30 km và cách Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh 25 km. Đảo lớn nhất của quần đảo là đảo Cát Bà (còn gọi là đảo Ngọc), là hòn đảo lớn nhất trong tổng số 1969 đảo của Vịnh Hạ Long.

Quần đảo Cát Bà có đa dạng sinh học cao. Tại đây có hệ sinh thái vùng triều (150 loài động vật đáy, 24 loài rong biển), hệ sinh thái đáy mềm và thủy vực nước bao quanh (207 loài thực vật phù du, 75 loài động vật phù du, 142 loài động vật đáy mềm, 124 loài cá biển), hệ sinh thái rạn san hô (81 loài san hô cứng), hệ sinh thái các hồ nước mặn (66 loài động thực vật).

5. Quần đảo Trường Sa - Quần đảo xa bờ nhất

Quần đảo Trường Sa của Việt Nam nằm giữa biển Đông về phía Đông Nam nước ta, phía Bắc là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, phía Đông giáp biển Philippines, phía Nam giáp biển Malaysia, Brunei và Indonesia. Quần đảo Trường Sa gồm trên 100 hòn đảo nhỏ và bãi san hô với diện tích vùng biển rộng khoảng 410.000 km², nằm từ vĩ độ 6°00’00”N - 12°00’00”N và kinh độ 111°00’00”E - 117°00’00”E.

Diện tích toàn bộ phần đất nổi của quần đảo khoảng 3 km², được chia làm tám cụm là Song Tử, Loại Ta, Thị Tứ, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, Thám Hiểm, Bình Nguyên. Đảo cao nhất là Song Tử Tây (khoảng 4 - 6 m), đảo lớn nhất là đảo Ba Bình (0,44 km²), sau đó là đảo Nam Yết (0,06 km²). Khoảng cách giữa các đảo cũng khác nhau, gần nhất từ đảo Song Tử Đông đến Song Tử Tây khoảng 1,5 hải lý, xa nhất từ Song Tử Tây (phía Bắc) đến An Bang (phía Nam) khoảng 280 hải lý.

Quần đảo Trường Sa án ngữ đường hàng hải quốc tế nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương, giữa châu Âu, châu Phi, Trung Cận Đông với Trung Quốc, Nhật Bản, giữa các nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á, một tuyến đường huyết mạch có lưu lượng tàu thuyền tấp nập vào hàng thứ hai trên thế giới (chỉ sau Địa Trung Hải). Trung bình mỗi ngày có từ 250 đến 300 tàu biển các loại đi qua Biển Đông.

6. Cụm đảo Hòn Khoai - Cụm đảo gần xích đạo nhất

Cụm đảo Hòn Khoai thuộc xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, gồm năm đảo nhỏ và rất nhỏ: Hòn Khoai (4,96 km²), hòn Sao (0,7 km²), hòn Gò (0,03 km²), hòn Đồi Mồi (0,03 km²) và hòn Đá Lẻ (0,005 km²). Cụm đảo có tọa độ từ 8°22’46” đến 8°27’30” độ vĩ Bắc và từ 104°48’30” đến 104°52’30” độ kinh Đông.

Hòn Đá Lẻ thuộc cụm đảo Hòn Khoai, cách bờ biển Cà Mau 21m được lấy làm điểm chuẩn của đường cơ sở (điểm A2, tọa độ 8°22’8” độ vĩ Bắc và 104°52’4” độ kinh Đông) dùng để tính chiều rộng lãnh hải của lục địa Việt Nam (Tuyên bố ngày 12 tháng 11 năm 1982 của Chính phủ nước Cộng hòa xa hổi chủ nghĩa Việt Nam). Trên đảo Hòn Khoai có khu tưởng niệm cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai do nhà giáo Phan Ngọc Hiển lãnh đạo ngày 13/12/1940 trong cao trào Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940.

7. Đảo Phú Quốc - Hòn đảo lớn nhất

Đảo Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất trong số 38 đảo của huyện đảo Phú Quốc. Đảo Phú Quốc còn là hòn đảo lớn nhất trong hệ thống hải đảo của Việt Nam với diện tích 561km2 nằm ở tọa độ 10°00’ - 10°27’ vĩ độ Bắc và 103°49’ - 104°05’ kinh độ Đông. Đảo Phú Quốc nằm trấn giữ ở phía đông bắc Vịnh Thái Lan, ở biên giới Tây Nam của Tổ quốc, thuộc vùng nước lịch sử Việt Nam - Campuchia. Đảo cách Rạch Giá 116km, cách Hà Tiên 45km, cách bờ biển Campuchia 12,5km. Đảo có dạng hình tam giác, chiều theo phương Bắc - Nam dài 50km, chiều theo phương Đông - Tây dài 27km ở phần Bắc đảo, đảo thót hẹp dần về phía Nam.

Tài nguyên phi sinh vật có cát thủy tinh, cát xây dựng, kaolin, đá xây dựng, đá ong, tài nguyên đất đai (đất cát, đất mặn sú vẹt, đất phù sa chua glây, đất phù sa ít được bồi, đất feralit vàng xám và vàng đỏ, đất sialit-feralit xám, đất feralit xói mòn trơ sỏi đá), nước mặt (mỗi năm đảo nhận được 1.600 triệu m³ nước mưa), nước ngầm (ước tính khoảng 198,4 triệu m³).

8. Khu bảo tồn biển Nam Yết - Khu bảo tồn biển Việt Nam lớn nhất

Khu bảo tồn biển Nam Yết được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 742/QĐ-TTg ngày 26/5/2010 về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020. Theo đó Khu Bảo tồn biển Nam Yết thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, ở tọa độ 10011’00” vĩ độ Bắc và 114021’42” kinh độ Đông. Khu bảo tồn biển Nam Yết có tổng diện tích là 35.000 ha, trong đó diện tích biển là 20.000 ha và toàn bộ diện tích đảo rạn san hô Nam Yết 15.000 ha.

Khu bảo tồn biển đảo Nam Yết nằm ở phía nam cụm đảo Nam Yết, cách thành phố Nha Trang khoảng 450 km về phía Đông Nam. Đảo dạng thuôn dài theo hướng Đông - Tây, chiều dài nhất khoảng 850m, rộng nhất chỉ 170m, diện tích đảo nổi khoảng 10,4ha. Mặt đảo bằng phẳng, cao 3,5-3,8m so với mặt biển.

9. Huyện đảo Lý Sơn - Huyện đảo có mật độ dân số cao nhất

Huyện đảo Lý Sơn là huyện đảo tiền tiêu nằm ở ngoài khơi vùng biển tỉnh Quảng Ngãi, cách thành phố Quảng Ngãi 45km về phía đông bắc, cách cảng nước sâu Dung Quất 36km về phía đông. Huyện đảo bao gồm đảo Lý Sơn (hay Cù Lao Ré hoặc đảo lớn, tọa độ từ 15°22’02” đến 15°23’24” độ vĩ Bắc và 109°05’13” đến 109°09’00”), cù lao Bờ Bãi (hay đảo Bé, tọa độ 15°25’42” độ vĩ Bắc và 109°05’13” độ kinh Đông) và hòn Mù Cu.

Huyện đảo Lý Sơn có tổng diện tích đất là 9,97km², dân số là 18.223 người (năm 2009). Mật độ dân số của huyện là 1.888 người/km², đây là huyện đảo có mật độ dân số cao nhất trong 12 huyện đảo của Việt Nam. Mật độ này thậm chí còn cao hơn cả các huyện của các tỉnh đồng bằng sông Hồng, nơi có mật độ dân số cao nhất cả nước. Huyện đảo Lý Sơn có ba xã là An Vĩnh, An Hải, và An Bình. Hành và tỏi là hai cây sản xuất chính của nông nghiệp Lý Sơn từ nhiều thập trở lại đây. Cây tỏi và cây ré được coi là đặc trưng của huyện đảo và Lý Sơn được gọi là "vương quốc tỏi”.

Du lịch, GO! - Theo Thanh Thảo (VFEJ), ảnh internet

Link to full article

Đi du lịch “3 không”

Đi du lịch nhưng không mang theo điện thoại, không được nhận sự trợ giúp của người thân và... không mang theo tiền! Kiểu du lịch “3 không” này đang được nhiều bạn trẻ “kết” để thử thách chính mình.

Một ngày giữa tháng 6, nghe lời rủ rê có chút khiêu khích từ đứa bạn: “Đi thử cho bớt chất công tử!”, tôi thoáng ngần ngừ rồi tặc lưỡi:”Ừ, thì đi...!”.

Chật vật kiếm tiền...

8g30 sáng chủ nhật 24-6. Tại điểm tập kết là trạm xe buýt ngã tư Điện Biên Phủ - Võ Thị Sáu, chúng tôi gửi lại đồ đạc cho một người bạn (không tham gia chuyến đi), chỉ giữ lại chứng minh nhân dân với 90.000 đồng/người - đủ để đón xe ra Vũng Tàu. Từ đó trở đi, mọi chi phí sẽ phải tự thân vận động.
9g, cả nhóm bốn người đã ngồi trên xe khách chuyến bến xe miền Đông - Vũng Tàu. Lần đầu đi du lịch kiểu này, bạn Đặng Nguyễn Đỗ Quyên (dược sĩ) không giấu được vẻ lo lắng: “Chẳng biết có trụ nổi tới cuối chương trình không vì chẳng còn gì trong tay cả”.

Lục khắp người, bạn Huỳnh Thị Kim Phụng lôi ra bịch khăn giấy nhỏ, gợi ý: “Hay là xếp hoa giấy đem bán”.

Nghe loáng thoáng câu chuyện của mọi người, bác Nguyễn Hàng Châu (hành khách ngồi cạnh Phụng) lắc đầu... Vậy mà nửa tiếng sau, bác Châu đã bị Phụng thuyết phục mua “mở hàng” một bông hồng giấy với giá 50.000 đồng...

11g30. Khu vực bãi sau Vũng Tàu đầy nắng rát. Cả nhóm ngồi cặm cụi gấp hạc từ những chiếc vé xe khách xin được, mồ hôi nhễ nhại. Hạc giấy, hoa hồng giấy sẽ bán với giá 20.000 đồng/cái. Biết là giá cao, nhưng đó là cách duy nhất để chúng tôi kiếm đủ tiền ăn trưa và mua vé xe về TP.HCM.

Phần lớn khách du lịch đang quây quần ăn, ai cũng nhíu mày khi chúng tôi sà vào mời mua hàng. Mất hơn một tiếng thuyết phục, giải thích mục đích chuyến đi, cả nhóm vẫn chưa bán thêm được thứ gì trong khi bụng đã đói meo. Tới gần 14g, chúng tôi mới bán được thêm vài món.

Lấy tiền mua đồ ăn trưa thì tiền đâu về lại TP? Cả nhóm quyết định... đi xin. Một anh phục vụ ở nhà hàng TT (đường Thùy Vân) sau khi nghe chúng tôi trình bày, đã đem trà đá và một ít bánh kẹo ra cho. Một anh bán kem dạo đứng gần đó cũng góp thêm vài que kem nhỏ.

< Bạn Huỳnh Thị Kim Phụng (thứ hai từ phải) thuyết phục một du khách mua hoa hồng bằng giấy ở bãi biển Vũng Tàu trưa 24-6.

16g. Số tiền thu về chưa tới 200.000 đồng. Không đủ tiền đón xe khách về TP, chúng tôi chọn cách đón xe buýt dù.
20g. Ngồi trên xe, thấy những tòa nhà cao tầng ở TP dần hiện ra, cả nhóm thở phào nhẹ nhõm...

Mất và được

Phải cố gắng hạ cái tôi xuống, phải tập cười, kiên nhẫn thuyết phục trước sự hoài nghi từ người đối diện, phải nỗ lực trong cái đói để tìm cách tồn tại... Đó là những gì chúng tôi thu hoạch được từ chuyến đi ngắn ngủi trong ngày.
Trên xe buýt, cẩn thận đếm từng đồng tiền lẻ, Quyên nói: “Bình thường hứng lên là đi shopping mà không thấy tiếc tiền. Có vào hoàn cảnh này mới biết quý tiền bạc”.

Lý Huệ Thủy (25 tuổi), một bạn trẻ từng đi du lịch “3 không”, cho biết: “Sau chuyến đi tôi thấy bớt lo lắng, ám ảnh về việc sống thiếu tiền, công nghệ”.

“Người tham gia du lịch “3 không” cần học một số kỹ năng để có thể trò chuyện, thuyết phục người mua mà không khiến họ cảm thấy bị làm phiền hoặc mua vì thương hại” - Hoàng Anh Quân, người thực hiện thành công hai lần du lịch “3 không”, chia sẻ. Quân cũng rất bất ngờ khi nhận ra trong xã hội hiện nay, người nghèo lại dễ mở lòng giúp đỡ những ai gặp khó khăn hơn là người giàu. “Tôi thấy hối hận khi luôn xem thường người nghèo và hay nghi ngờ, tính toán với bạn bè” - Quân nói.

Còn anh bạn người Pháp Thibault Mavel (21 tuổi, sinh viên ngành nhân sự Trường IGS, Pháp) đúc kết: “Tôi tham gia kiểu du lịch này để cải thiện sự thiếu tự tin. Cảm giác chiến thắng được chính mình thật tuyệt”.

Thử thách cần cho người trẻ

Du lịch “3 không” được khởi phát từ khóa học “Làm chủ bản thân và giải tỏa stress” của giảng viên Nguyễn Đức Quý (Công ty Prosales) từ tháng 5-2011, sau đó dần được phổ biến trong giới sinh viên một số trường như ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế TP.HCM...

Chia sẻ về mô hình du lịch trên, ông Quý cho biết: “Ở Mỹ có một số chương trình huấn luyện kỹ năng sống đòi hỏi học viên đến một địa điểm bất kỳ, không được mang theo tiền. Học viên có nhiệm vụ khám phá nơi đó và tìm cách trở về an toàn. Tôi tìm hiểu và thiết kế lại chương trình với đòi hỏi cao hơn: học viên không được mang theo tiền, các thiết bị điện tử hay nhờ người thân trợ giúp”. Ông Quý đã áp dụng mô hình trên dưới dạng bài kiểm tra cuối khóa nhằm giúp học viên tự đánh giá, nhìn nhận bản thân.

Theo ông Quý và nhiều bạn trẻ từng đi du lịch “3 không”, điều quan trọng nhất thu hoạch được từ những chuyến đi đầy thiếu thốn chính là người đi học được cách lắng nghe, nâng cao khả năng giao tiếp, quản lý cảm xúc và làm chủ bản thân.

Du lịch, GO! - Theo C.NHẬT - K.THÁI (TTO), internet

Link to full article

Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

Phiêu bồng trên đỉnh Hòn Bà

Hòn Bà chưa được nhiều người biết đến, nên như một “nàng tiên ngủ trong rừng núi quanh năm mây phủ”. Nằm gần Nha Trang nóng ấm, nhưng Hòn Bà mát mẻ quanh năm, nên người ta gọi Hòn Bà là “Đà Lạt II” của tỉnh Khánh Hòa.

Hòn Bà nằm ở phía nam TP.Nha Trang khoảng 30 cây số đường chim bay, nhưng du khách phải đi theo đường bộ khoảng 60-70 cây số. Trong đó, chỉ riêng đường lên núi gần 40 cây số. Khoảng gần 2 giờ đường từ Nha Trang rời biển xanh, cát trắng, du khách đã được trải nghiệm một không gian khác lạ của núi rừng mù sương.

Trước tiên, đường chạy dọc theo một hồ nước lớn, xanh mênh mông. Tiếp theo là dọc theo con suối uốn lượn. Điểm tô cho màu xanh ngắt của cây cối là những ngôi nhà sàn làm bằng tre lá của người dân tộc.
Đi được khoảng 12 cây số, nhiệt độ bắt đầu xuống thấp và vô cùng mát mẻ. Đường dốc quanh co, tạo cảm giác chơi vơi thú vị...

Khoảng 4 giờ chiều, sương mù đã, giăng kín đỉnh núi và tràn xuống thấp hơn. Đến điểm cuối của con đường nhựa, muốn tới đỉnh núi, du khách bỏ ra khoảng 1 giờ đi bộ theo lối mòn và lên những con dốc thẳng đứng.

Nơi đây rừng ẩm ướt quanh năm. Điều thú vị là khoảng nửa đêm, sương mù sà thấp xuống, để lại phần đỉnh núi một không gian thoáng đãng. Du khách lên đây thường dậy sớm để ngắm bình minh và chiêm ngưỡng sắc trời vào thời điểm giao nhau giữa đêm và ngày.

Nhiều người mặc áo ấm, trùm chăn bước ra giữa đất trời mênh mông và cái lạnh buốt trên cao.

Lữ khách sẽ có cảm giác như đang đứng trên cả mây, bềnh bồng, bềnh bồng. Bình minh nhìn từ đỉnh Hòn Bà chỉ là một vừng đỏ ở phía Đông. 8h sáng, vẫn chưa có một tia nắng nào chiếu vào đỉnh núi. Nhưng ánh sáng đủ để du khách nhìn rõ những đám mây từ phía xa xa ẩn hiện những dãy núi dài, nối tiếp nhau đến ngút ngàn.

Hòn Bà đã được quy hoạch thành khu bảo tồn thiên nhiên rộng khoảng 20.000ha. Trong đó, có khoảng 1/2 diện tích được bảo vệ nghiêm ngặt. Từ khoảng năm 1915, bác sĩ người Pháp Alexandre Yersin đã đến đây để lập trại, trong thực nghiệm các giống thuốc bản địa và du nhập từ thế giới. Ông đã cho xây một ngôi nhà sàn gỗ và cải tạo đất đai để trồng các loại thuốc. Trong đó, có thuốc ký sinh chống sốt rét. Sau đó, cây thuốc này được chuyển lên Lâm Đồng. Hiện nay, du khách vẫn có thể nhìn thấy những cây thuốc, cây rừng quý được giữ nguyên, tạo thành một sản phẩm du lịch thiên nhiên thú vị.

Ngôi nhà sàn nay đã xuống cấp, nên địa phương cho phục dựng lại dựa trên nguyên mẫu ngay trên nền đất cũ. Khi du lịch phát triển, người ta xây dựng thêm một ngôi nhà dài của người Tây Nguyên phục vụ khách lưu trú.

Ngôi nhà sàn là khu lưu niệm, trưng bày nhiều hình ảnh, hiện vật liên quan đến Alexandre Yersin. Quanh nhà sàn vẫn còn nhiều dấu tích của ông. Bên trái ngôi nhà vẫn còn cây trà cổ thụ do ông trồng. Khách đến đây thường được đãi uống trà, được nấu từ lá trà tươi của cây này. Nước trà xanh và thơm lừng.

Tương lai không xa, Hòn Bà sẽ là khu du lịch sinh thái độc đáo, hấp dẫn.

Rừng nguyên sinh Hòn Bà - Nha Trang
Tắm sương trên đỉnh Hòn Bà
Du xuân trên đỉnh Hòn Bà

Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Diễm (Laodong), ảnh internet

Link to full article

“Người nhện” vách đá

Nếu như người nhện trong bộ phim cùng tên bay từ tòa nhà này sang tòa nhà khác một cách nhẹ nhàng, thuần thục, thì 12 chàng trai trong đội làm tour du lịch Dalat Holidays chinh phục các vách đá ở quần thể thác Datanla (Đà Lạt) cũng nhẹ nhàng…

Một ngày đẹp trời, chúng tôi được “tháp tùng” một đoàn gồm những chàng trai làm hướng dẫn viên và một nhóm khách Việt kiều Mỹ vào tận rừng sâu - nơi quần thể thác Datanla gồm nhiều thác nước ngoạn mục và vách đá cheo leo - làm nơi tập kết.

Đây là nơi lý tưởng để những người thích mạo hiểm tham gia leo vách đá và trượt thác nước. Đoàn chúng tôi xuất phát lúc 9h sáng và để có được một chuyến đi, hai hướng dẫn viên phải chuẩn bị nhiều thứ: từ dụng cụ chuyên dụng để leo núi, đến thức ăn, nước uống, thậm chí cả dụng cụ y tế cho đoàn.

Phải nói những chàng trai làm hướng dẫn viên này là những người có sức khoẻ, vì với độ dài đi bộ qua những đoạn đồi nguy hiểm và vượt suối để đến được nơi tập kết phải mất hơn nửa tiếng đồng hồ chúng tôi cảm thấy mệt rã rời, thế mà những chàng trai này còn mang trên vai mỗi người… 25 kg hành lý.


< Để đến được nơi tập kết, đoàn phải vượt qua nhiều đoạn nguy hiểm.

Anh Đinh Quang Dương - một hướng dẫn viên cho biết, có thể nói Datanla là nơi duy nhất ở Việt Nam đưa môn thể thao leo vách đá vào khai thác du lịch, dù ở vịnh Hạ Long cũng có quần thể thác rất đẹp nhưng chưa được đưa vào khai thác du lịch. Vì là hướng dẫn viên, nên anh cùng các đồng nghiệp khác phải leo tất cả các vách núi hầu như hằng ngày.

Điều khá thú vị là các anh không hề qua trường lớp nào, mà chỉ qua thực tế từ những chuyến đi. Nguyễn Ngọc Thành - một thành viên - cho biết sau khi tốt nghiệp trường ĐH Đà Lạt, trong lúc chưa biết sẽ xin việc gì, anh xin vào làm… tạm ở công ty du lịch, lúc đầu cũng chỉ quá thích các môn thể thao này (leo núi, đạp xe, dã ngoại, trượt thác…). Không ngờ sau khi thử sức, anh lại “dính” luôn.

Dương kể cho chúng tôi nghe về nghề nghiệp của mình: gia đình ở tận Quảng Ngãi coi anh là người… thất nghiệp, vì “không hiểu thằng đó làm cái gì mà suốt ngày cứ vào rừng chơi không hà” - như lời ba mẹ anh nhận xét. Giới thiệu với bạn bè là hướng dẫn viên du lịch thì người ta còn hiểu chứ giới thiệu là hướng dẫn viên leo vách đá thì người ta… mù tịt. Thậm chí bạn gái chia tay cũng vì “không có nghề ngỗng gì”. Thế nhưng, anh cũng đeo nghề này gần 10 năm trời.

Để làm được nghề này, đòi hỏi phải có sức khỏe, lòng đam mê và nhất là phải giỏi ngoại ngữ, vì hầu hết khách đến tham gia tour du lịch này là người nước ngoài và Việt kiều. Cô Sarah Nguyen, Việt kiều Mỹ cho biết cô sinh ra ở Mỹ và đây là lần đầu tiên cô về Việt Nam. Trước đó, cô chỉ biết Việt Nam qua lời giới thiệu của mẹ và lên… web. Một lần tình cờ “lang thang trên mạng” biết được Đà Lạt có đưa môn thể thao mạo hiểm này vào tour du lịch nên chuyến xuyên Việt lần này cô nhất định phải tham gia.


< Sarah Nguyen thích thú với môn thể thao này.

Vì là người có chân trong câu lạc bộ leo núi trong nhà (tạo những vách núi gần giống như thật để các thành viên tập leo), nên những động tác của cô trông rất thành thục. Cô có thể leo vách núi thẳng đứng với đai an toàn là móc sắt do cô tự móc (không như chúng tôi khi leo phải có hướng dẫn viên giữ dây an toàn và theo dõi kỹ).

Không hiểu do sự nguy hiểm, hay phải đòi hỏi sức khỏe mà khách du lịch trong nước ít chọn tour này. Thành nói thẳng: “Khách nào là công tử hay tiểu thư thì không thể tham gia môn thể thao này được. Vì sau mỗi lần leo, bị trầy chân, sướt da là chuyện bình thường”. Cũng chính vì đặc thù của môn thể thao mạo hiểm này mà dụng cụ đi kèm phải được trang bị tận… chân tơ kẻ tóc và phải “tậu” hầu hết ở nước ngoài. Một đôi giày leo núi giá chuyên dụng ít nhất cũng 100USD, rồi nào là dây, đai an toàn, mũ bảo hiểm, bao tay… đều là những thứ đắt tiền nên giá tour này hơi cao (28USD/khách).

Địa chỉ liên hệ: (giá tour: 28USD/du khách - gồm xe đưa đón, vé, ăn trưa, dụng cụ…) - Công ty du lịch Dalat Holidays - Số 73 Trương Công Định, Đà Lạt; ĐT: 063.829422; fax: 063.820331; Emal: info@phattireventures.com ; Web: www.phattireventures.com

Du lịch, GO! - Theo Lê Hân (Thanhnien)

Link to full article

Trưa hè nơi lũy xưa thành cổ…

Thành cổ Sơn Tây nằm giữa thị xã Sơn Tây, cách trung tâm Hà Nội hơn 40km, là một công trình kiến trúc quân sự cổ, được xây dựng vào năm 1822 triều vua Minh Mạng.

< Cột cờ trong Thành cổ Sơn Tây nhìn từ ngoài tường lũy.

Năm 1461, đời vua Lê Thánh Tông, đơn vị hành chính “Sơn Tây thừa tuyên” chính thức được khai sinh. Ban đầu trấn sở đặt tại xã La Phẩm, huyện Tiên Phong, phủ Quảng Oai (nay thuộc xã Tản Hồng, huyện Ba Vì). Đến đời Lê Cảnh Hưng (1740-1786), do nước ngập làm lở thành nên dời trấn sở về khu đất cao hơn, có nhiều đồi gò thoai thoải thuộc địa phận làng Mông Phụ, tổng Cam Giá, huyện Phúc Lộc, phủ Quốc Oai (nay thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây).

< Lũy xưa nơi thành cổ.

Đến năm Minh Mạng thứ ba (1822) mới dời trấn sở về địa phận các xã Mai Trai, Thuần Nghệ, huyện Minh Nghĩa (sau gọi là Tùng Thiện), tức vùng trung tâm thị xã Sơn Tây ngày nay.

Qua thời gian “dâu biển đổi dời,” nhiều công trình của trấn lỵ cũ đã bị tàn phá, hiện chỉ còn di tích Thành cổ Sơn Tây ở giữa thị xã Sơn Tây ngày nay, được xây dựng vào năm 1822, tức năm Minh Mạng thứ ba.

< Những đoạn tường lũy đá ong mới, cao 1,2 đến 1,7m.

Thành cổ Sơn Tây là tòa thành quân sự được xây bằng đá ong (là loại vật liệu xây dựng đặc thù của vùng Sơn Tây), có tổng thể hình vuông, mỗi chiều dài khoảng 400m, cao 5m, được xây theo kiểu Vauban - kiểu công trình quân sự lấy theo tên kỹ sư Vauban người Pháp.

< Bức tường thành mới xây cao 5m.

Thành có hình tứ giác, có mặt cắt hình thang, chân thành rộng 6m, mặt thành rộng 4m, có nhiều lỗ ở phía trên để cho quân lính nấp phía trong bắn súng ra ngoài hoặc dùng giáo mác có cán dài đâm đối phương khi chúng trèo lên tường thành.

< Trên bờ lũy xưa và trong thành cổ còn rất nhiều cây cổ thụ với cây duối “thế kỷ”.

Thành có bốn cổng chính: chính Nam gọi là cổng Tiền; chính Bắc là cổng Hậu; chính Đông và chính Tây. Mỗi cổng ở phía trên đều có lầu canh (Vọng lâu) và chỉ có một lối ra vào; phía ngoài có đắp Dương mã thành (còn gọi là mang cá) hình chóp nón chắn phía ngoài của thành. Xung quanh thành phía ngoài có hào sâu 3m, rộng 20m, dài khoảng 1.795m, được nối ra sông Tích ở góc thành phía Tây Nam.

Xa bên vòng ngoài là La Thành (thành ngoài) được đắp bằng đất cao 3,5m, hình ngũ giác, bên ngoài có lũy tre gai dày đặc bao bọc. Thành ngoài cũng mở bốn cổng trông ra bốn hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc, nay vẫn gọi là đường La Thành.

< Những vạt hoa dại phủ nền đá ong.

Trong thành, các công trình quan trọng đều được xây dựng đối xứng trên trục trung tâm Nam-Bắc. Chính giữa là “Vọng cung nữ” về hướng Nam, là nơi nghỉ của vua mỗi khi đi tuần thú và là nơi các quan trong trấn hàng năm, Xuân Thu nhị kỳ, đến tế lễ hoặc “bái vọng” mỗi khi có chiếu chỉ của nhà vua ban xuống.

< Cửa Tiền và Cửa Hữu.

Trước điện Kính Thiên là một sân rộng lát gạch, phía ngoài cổng có bức bình phong xây bằng gạch, đắp hình nổi “Long vân khánh hội” bằng vôi vữa. Tiếp đó là Đoan môn có ba cửa ra vào, nhìn thẳng ra Kỳ đài (cột cờ) xây trên một bệ hình chóp vuông cụt bằng đá ong, cao khoảng 18m.

Về phía Tây là Võ miếu, nơi thờ các tướng sỹ đã anh dũng hy sinh trong khi chiến đấu bảo vệ thành. Ở bốn góc thành, xưa kia có bốn giếng nước hình vuông to, xây bậc xuống tận đáy bằng đá ong, sâu khoảng 6m, quanh năm cung cấp nước ăn cho quân lính trong thành và nhân dân trong trấn lỵ. Bên cạnh đó là dinh thự và công đường của các quan đầu tỉnh: Tổng đốc (sau đổi là Tuần phủ), Bố chánh (hay Án sát), Đề đốc và Đốc học.  Về phía Đông Vọng cung là ngục thất (trại giam), kho lương và Trại con gái - nơi vợ con binh lính ở.

Khoảng thập kỷ 70-80 của thế kỷ 19, Thành cổ Sơn Tây là một trung tâm phòng bị kháng chiến chống Pháp của quan lại triều đình nhà Nguyễn do Hoàng Kế Viêm, Lưu Vĩnh Phúc… lãnh đạo.

< Cổng thành phía Bắc (Cửa Hậu) phục dựng năm 1995.

Thành bị quân Pháp chiếm năm 1884. Năm 1924, Toàn quyền Đông Dương đã ra nghị định để xếp hạng di tích thành cổ này. Tháng 12/1946, một cuộc họp của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã diễn ra ở đây.


Trải qua gần 200 năm, bị nhiều cuộc chiến tranh và thời gian tàn phá, Thành cổ Sơn Tây phần lớn đã bị phá hủy, chỉ còn lại tường thành, cửa tiền, cửa hậu, hai khẩu thần công và một số phế tích như Vọng lâu, nền điện Kính Thiên, giếng nước...


< Vọng lâu trên cổng thành phục dựng.

Năm 1994, Thành cổ Sơn Tây được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử Kiến trúc quốc gia.

Ngày 16/2/2009, Ủy ban Nhân dân Hà Nội đã ra quyết định cải tạo, chỉnh trang Di tích Lịch sử văn hóa Thành cổ Sơn Tây phục vụ cho Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, nhằm lưu giữ một di tích tích lịch sử văn hóa có giá trị, hấp dẫn khách tham quan.

< “Lý lịch” cho Thành cổ…

Ngày nay, giữa trưa hè yên ả: ta dạo một vòng quanh bờ lũy, cổng thành dấu xưa quen thuộc của Thành cổ Sơn Tây để cảm nhận được bao điều mới mẻ, kỳ thú. Nét quyến rũ nơi đây tạo bởi không gian rất xưa của những cây cổ thụ, những tường lũy, cổng thành ghi dấu tích thời gian và cảm nhận mùi ngái nồng nguyên sinh từ cây cỏ…

Khám phá thành cổ Sơn Tây

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Chinhphu.vn/Vietnam+, Danviet

Link to full article