Thứ Hai, 16 tháng 7, 2012

Tìm lạ nơi đất quen...

Điện Biên, Phong Nha, Nam Cát Tiên, ba điểm du lịch ở Bắc Trung Nam không xa lạ gì với dân du lịch bụi. Nhưng nếu bạn cho rằng mình đã thuộc như lòng bàn tay những nơi này, thì e là chưa chắc. Hãy thử đi theo cách này xem, chắc chắn bạn sẽ thấy những điều mới lạ từ những vùng đất quen trên đất nước mình.

< Đường lên Tủa Chùa, Điện Biên.

Hành trình tốn ít nhất hai ngày một đêm nếu khởi hành từ thành phố Điện Biên lên Tủa Chùa, các xã không có nhà trọ và hàng quán phục vụ, nên chuẩn bị võng để ngủ chợ, lương khô, thịt, gạo xin nấu nhờ ở các gia đình ven đường. Cao nguyên đá từ xã Tả Sìn Thàng, kéo dài đến tận xã cuối cùng của huyện là Xín Chải. Mây núi ở cung đường này sáng sớm rất đẹp. Trà cổ thụ Tủa Chùa là một sản vật quý. Rừng trà cổ thụ ở các xã cũng rất độc đáo, thân trà cao to, mọc san sát, là rừng trà cổ đẹp và nhiều nhất của cả Đông Bắc – Tây Bắc.

Tủa Chùa – tau thích mi

< Người H’Mông đen ở Tủa Chùa lên nương.

Hơn 200km từ thành phố Điện Biên, lên Tuần Giáo, rồi Huổi Lóng, rẽ vào đường 129 thế là đến Tủa Chùa. Nơi có cao nguyên đá đẹp long lanh chẳng khác mấy với Hà Giang, chỉ nhỏ hơn về diện tích. Nơi có chợ Tả Sìn Thàng của người H’mông đen (tên gọi phân biệt theo trang phục) lớn nhất Điện Biên – Sơn La họp sáu ngày một phiên. Nơi có rừng chè cổ thụ hoành tráng nhất cả nước với những thân chè trăm năm tuổi hai người ôm không xuể. Những nét đẹp quyến rũ ấy sẽ khiến tôi không hối tiếc khi bỏ tám tiếng bò xe máy từ Điện Biên qua cung đường gian nan còn hơn đi off-road mới lên tới vùng cao nguyên đá đẹp như tranh sơn thuỷ dưới cảnh chiều tà miền sơn cước Tủa Chùa.

Đến Tả Sìn Thàng một xã của Tủa Chùa, không nhà nghỉ, không nước giếng, cả xã xài chung một bể nước đưa từ suối về, tôi cũng mon men ra bể tẩy bụi trần sau một ngày dằn xóc vất vả. May mắn được tá túc và dùng bữa tối ở một gia đình người Xạ Phạng – một nhánh người Hoa – bữa cơm thịt heo muối để hơn hai tuần, chả hiểu đói hay lạ miệng mà ngon chi lạ. Gia chủ mời vài chén rượu Mông Pê, trời lạnh, rượu nặng nức mùi nếp, uống đến mềm môi. Khuya chui vào chăn ấm của người Xạ Phạng hiếu khách, với miên man hạnh phúc: “Tủa Chùa – tau thích mi”.

< Rừng trà cổ thụ ở bản Hấu Chua, Tủa Chùa, Điện Biên.

Sáng mơ tỉnh dậy, đổi con Dream chiến lấy con Win tàu vào rốn trà Tủa Chùa, bản Hấu Chua xã Xín Chải. Đường xấu khiếp đảm, trơn trượt, sạt lở, nhưng bù lại Hấu Chua đẹp dã man với rừng trà dày đặc, san sát, cây cao hơn chục mét, to hơn hai người ôm. Ông trưởng bản cũng là vua trà Hạng A Chư mời ấm trà vừa sao sấy xong, ngồi nhâm nhi vị chát đậm, hậu ngọt thanh của trà giữa mây vờn đục mờ quanh bản, tự dưng thấy ghen tị với ông vua trà quá đi mất. Đường về cũng là dịp may khi gặp đúng ngày họp chợ phiên Tả Sìn Thàng, một phiên chợ đầy hoang sơ, chưa bị du lịch hoá, cả chợ nhuộm một màu đen kịt của váy áo các cô gái, cánh đàn ông lo ôm chai rượu Mông Pê lướt khướt ở vách núi hết cả.

Khám phá hang động hoang sơ ở Phong Nha – Quảng Bình cần chuẩn bị: nón bảo hiểm loại nhẹ, dao đi rừng, võng, tăng che mưa, thuốc chống vắt, giày vải địa hình cao cổ, găng tay tốt để leo núi đá tai mèo, áo quần chống thấm nước, đèn pin công suất lớn, GPS, dây thừng, áo phao (nếu có ý định khám phá hệ thống hang nước – river caves), bộ lọc nước và khẩu phần ăn vừa đủ cho hành trình, lương khô quân đội là lựa chọn hợp lý. Nên chọn lộ trình vừa phải, khoảng 2 – 3 ngày. Không nên chọn đi dài ngày nếu chưa quen đi rừng. Phải đi cùng người dẫn đường địa phương.

Phong Nha – không tiếp những tay mơ

< Cửa hang Tú Làn ở rừng Phong Nha – Kẻ Bàng.

Phong Nha – Kẻ Bàng gần đây như một thỏi nam châm thú hút những người đam mê hang động và rừng già. Dân thám hiểm dõi mắt về Sơn Đoòng – một hang động lớn nhất thế giới vừa được khám phá. Riêng tôi không dám mơ được khám phá hết Sơn Đoòng, lần đi trước mới chạm mặt làm quen với Sơn Đoòng từ cửa sau, đi hết 600m đến điểm mà nhóm hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh đặt tên là “bức tường Việt Nam” với chiều cao khoảng hơn 60m thì bó tay, lộn ngược trở lại. Sơn Đoòng lớn khủng khiếp, quá vĩ đại, chuyện khám phá nó không dành cho những tay chơi nửa mùa, thiếu kinh nghiệm hang động, thiếu thiết bị hỗ trợ, đèn chiếu sáng, lẫn thể lực để có thể đi hết chiều dài 6.481m trong lòng hang.


< Thạch nhũ hang Ươi trong thung lũng Tú Làn.

Nhưng Phong Nha – Kẻ Bàng còn chứa đựng nhiều nét đẹp kỳ vĩ khác của vô vàn hang động chưa từng được khám phá. Tôi may mắn được tham gia cùng đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh trở lại thung lũng Tú Làn (cách Phong Nha hơn 80km) với lỉnh kỉnh thiết bị chuyên dụng để khám phá từng nét đẹp của hang Chuột, hang Tú Làn (hang khô, hang nước). Nhờ “ăn ké” đèn đóm của nhóm thám hiểm, cùng với phao nổi, dây leo chuyên dụng, hang Tú Làn mở ra trước mắt tôi đẹp hơn bao giờ hết.
Nhưng cái đã nhất là theo nhóm thám hiểm lần đầu khám phá hang Ươi và hang Ken. 


< Đoàn thám hiểm chuẩn bị vào hang Chuột ở Phong Nha – Kẻ Bàng.

Mất vài ngày luồn rừng, ăn ngủ bên sông suối mới đến được cửa hang, từng bước theo chân đoàn thám hiểm khám phá mọi ngóc ngách hang động, độ sâu, chiều cao bằng các thiết bị đo đạc bằng tia laser chuyên dụng, càng đi vào hang sâu âm u, tối như bưng, nhưng đèn pha đến đâu cũng thấy đều là góc đẹp. Hành trình cũng là những pha nghẹt thở khi cheo leo bên vách núi hay những giây phút đầy kinh ngạc trước khối thạch nhũ triệu năm tuổi đang sở hữu một vẻ đẹp trường tồn theo thời gian.

Nam Cát Tiên có hai hoạt động thú vị về đêm: ra trảng cỏ xem nai, mễn, hoẵng đi ăn đêm, cần có đèn công suất mạnh để mắt thú ăn đèn, dễ quan sát. Hoặc đi Bàu Sấu xem cá sấu, cẩn thận mùa cá đẻ vì chúng rất hung dữ. Không nên đi một mình vào rừng hay các lùm bụi rậm rạp, ẩm ướt, vì có nhiều loại rắn độc thường săn mồi về đêm.

Mạo hiểm với rừng nguyên sinh

< Một chú sấu con ở Bàu Sấu bị thộp cổ luôn lên thuyền để đoàn chiêm ngưỡng.

Trở lại Nam Cát Tiên vào mùa mưa, cũng đúng là mùa sinh sản của cá sấu, tôi quyết chí làm một chuyến đi “săn” cá sấu đêm. Gọi đi săn cho oai chứ thực tình đi với hy vọng xem được con cá sấu tự nhiên khi đêm xuống nó thế nào.

Dân quanh vùng tả về Bàu Sấu ngày xưa cá sấu dày đặc, khi đêm xuống mắt cá sấu ăn đèn nhìn nhiều như sao trời. Lời kể lể ấy khiến chuyến ra Bàu Sấu thêm phần hấp dẫn. Đêm xuống, mượn xuồng chèo đi tìm cá sấu, cứ ven theo mép nước cuối cùng cũng thấy đôi mắt ăn đèn, lại gần thì ra là chú cá sấu con, dài gần 50cm.

Ông bạn Tây sẵn máu mạo hiểm, thộp cổ luôn chú sấu con lên thuyền để tiện bề chiêm ngưỡng. Vừa chèo tới lui được vài nhịp, thuyền như đụng phải vật gì nghe đánh cộp, tròng trành vài giây, lại thêm một tiếng va chạm nữa.

< Phút nghỉ ngơi bên suối trong rừng nguyên sinh Nam Cát Tiên.

Cả nhóm tự an ủi nhau, chắc là va phải mấy gốc cây hay đụn cỏ. Đến khi tiếng nước rào rào của vật gì trồi từ dưới hồ lên, người chèo thuyền phản xạ nhanh thụt tay lại, ngay lập tức tiếng va đánh bốp của quai hàm con cá sấu mẹ vừa phi lên đớp hụt khiến cả thuyền tái mặt. Con cá sấu mẹ dài hơn sải tay hung hăng hơn, lại trồi ngay lên đeo bám theo thuyền. Hoá ra chúng tôi đang cướp con của nó nên mới ra cơ sự. Vội thảy trả lại sấu con đáng yêu, ai nấy ngồi trên thuyền khép nép, im thin thít, rón rén chèo về. Hú hồn với Bàu Sấu.

Sớm hôm sau, tôi theo chân một nhóm lủ khủ với đám tây ta gần chục người, hành quân học cách đi rừng. Dựa trên bản đồ cả nhóm sẽ luồn rừng tìm điểm đến, hạ trại, tự đi tìm lương thực mà chủ yếu là cá suối và đọt mây rừng. Bắt được cá thì có cái ăn, lỡ không bắt được thì nhịn vì mãi đến hôm sau mới trở lại điểm xuất phát ban đầu.

< Những chú cá bắt được từ suối ở Nam Cát Tiên dành cho bữa ăn đêm.

Chuyến đi thử thách độ chịu đựng những trải nghiệm rừng xanh, tôi cũng học được các kiến thức như cách giữ lửa trong điều kiện thời tiết ẩm ướt. Khoái nhất là học cách đi ngược dòng nước, bởi mùa này, các con sông ở Nam Cát Tiên nước lũ về, đỏ ngầu, chảy rất xiết.

Xuống nước theo bài bản với tư thế chân trước chân sau, người luôn chồm về phía trước, chân sau làm điểm trụ, cứ thế nhích người ngược dòng, mắt đảo phía sau định hướng các lùm bụi ven bờ để lỡ sảy chân, nước cuốn thì sẽ theo hướng lùm bụi để bám vào. Nhờ cách di chuyển bài bản, cảm giác nhìn dòng nước xiết thấy tự tin hơn, sẵn sàng đối mặt mà không còn sợ như ban đầu. Kết thúc hành trình, lúc ra khỏi rừng, người vẫn còn đờ đẫn vì mệt, nhưng cảm giác được trải nghiệm với rừng thật đã.

Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Đình (SGTT)

Link to full article

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét