Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2012

Đi bộ... qua biển

Theo chương trình khảo sát tour trong khuôn khổ hội thảo "Liên kết phát triển du lịch đồng bằng – biển đảo" do Hiệp hội Du lịch ĐBSCL và Sở VH, TT&DL tỉnh Kiên Giang thực hiện với sự tài trợ của Công ty Cổ phần Du lịch Kiên Giang, chúng tôi đã có một chuyến đi thú vị đến quần đảo Bà Lụa - Ba Hòn Đầm, thuộc ấp Hòn Ngang, xã đảo Sơn Hải (huyện Kiên Lương).

Việc đi bộ qua biển nghe có vẻ lạ tai, nhưng bạn hoàn toàn có thể làm được điều này nếu đến quần đảo Bà Lụa. Nơi bạn đến là nơi xa nhất của quần đảo Bà Lụa – Ba Hòn Đầm. Dân địa phương giải thích rằng thời Pháp thuộc, tàu Pháp thường ghé đây để cho vợ sĩ quan Pháp (dân ta vẫn quen gọi là bà đầm) tắm biển, nên riết rồi thành địa danh Ba Hòn Đầm.
Tên gọi của từng hòn là Hòn Giếng, Hòn Đước và Hòn Dương. Nơi đây cảnh sắc hữu tình, hoang sơ, trời, biển, núi đồi như hoà quyện vào nhau. Toàn bộ quần đảo Bà Lụa có khoảng 37 hòn đảo nổi lớn nhỏ quần tụ với nhau, nên còn được nhiều du khách ví như Vịnh Hạ Long của phương Nam.

Bạn nên tham quan Ba Hòn Đầm với nhóm bạn khoảng 10 người trở lại là lý tưởng nhất, hành trang chuẩn bị cần đủ cho một chuyến đi nghỉ vào 2 ngày cuối tuần, bao gồm cả lều bạt để cắm trại qua đêm trên bờ biển.

Phương tiện thì tuỳ sở thích và điều kiện mà có thể đi bằng xe máy, ô tô, hay thậm chí đi bằng xe khách chất lượng cao cũng không có vấn đề gì. Nếu đi từ thành phố Rạch Giá bằng phương tiện cá nhân, các bạn nên khởi hành vào khoảng 7 giờ sáng.

Xuôi theo quốc lộ 80, đến thị trấn Hòn Đất (huyện Hòn Đất), dưới chân cầu Tri Tôn bạn nên dành thời gian rẽ trái đi về xã Thổ Sơn để tham quan tháp truyền hình Hòn Me của VTV cao nhất ĐBSCL, thăm và thắp hương viếng mộ anh hùng Phan Thị Ràng – nguyên mẫu của nhân vật Chị Sứ trong tác phẩm nổi tiếng "Hòn Đất" của nhà văn Anh Đức. Thăm thú nghỉ ngơi thư giãn xong, chúng ta trở ra quốc lộ 80 tiếp tục hành trình về xã Bình An (huyện Kiên Lương).

Theo lộ trình như vậy, đến Bình An đã vào giữa trưa. Tại đây các bạn sẽ nghỉ ngơi, ăn trưa, tham quan Chùa Hang (tên chính thức là Hải Sơn Tự). Đây là một ngôi chùa cổ toạ lạc trong lòng hang núi với nhiều nét văn hoá tín ngưỡng tâm linh rất đặc sắc cho các bạn khám phá, tìm hiểu. Ra khỏi Chùa Hang là tới bờ biển cát vàng với những hàng cây dương, cây dừa, thốt nốt... toả bóng râm mát rượi. Nhìn ra biển bạn sẽ ngắm hòn Phụ Tử nổi tiếng cả trước và sau khi đã gãy đổ một trong hai trụ đá. Bên bờ biển có cung cấp một số dịch vụ cơ bản cho du khách như: ăn ghẹ, tôm tích, ngồi nghỉ ngơi thư giãn, chụp ảnh lưu niệm... Nhưng bạn chớ nên sa đà ở Chùa Hang, vì điểm đến Ba Hòn Đầm mới thực sự hấp dẫn hơn rất nhiều.

Tại bến du thuyền Chùa Hang, bạn mua vé đi Ba Hòn Đầm với giá chỉ khoảng vài chục ngàn đồng mỗi người. Gọi là du thuyền cho sang, chứ thực ra đó là những chiếc tàu đánh cá nhỏ của ngư dân được tân trang rồi cải tiến để chở du khách, không sang trọng nhưng khá tươm tất, sạch sẽ. Trước khi đi các bạn nên kiểm lại hành trang xem đã có đủ nước uống và đồ dùng cho một đêm cắm trại hay chưa. Bạn nào say sóng thì trước đó 30 phút nên uống thuốc, nhưng đề phòng vậy thôi, chứ hôm chúng tôi đi đoàn 60 người với rất đông phụ nữ mà không có ai cảm thấy khó chịu chút nào. Xong xuôi rồi thì lên thuyền và bắt đầu hành trình lênh đênh trên biển kéo dài khoảng một tiếng rưỡi.

Cảm giác bồng bềnh trên biển khơi lộng gió, vừa đi vừa ngắm cảnh thiên nhiên, ôm đàn ca hát, hay lai rai một ít rượu, bia thì càng hấp dẫn. Theo nhịp lắc lư của du thuyền, những hòn đảo lần lượt nối nhau hiện lên trong tầm mắt với đủ hình thù, trong đó rất nhiều hòn chưa có tên và các bạn có thể tuỳ uý đặt theo trí tưởng tượng của mình. Cứ thế cảnh vật thiên nhiên không ngừng chuyển động thay đổi, khiến mọi cảm giác lo toan, mệt mỏi trong bạn sẽ tan biến hết, bạn sẽ cảm thấy như lạc vào một thế giới khác hoàn toàn nhẹ nhàng, thanh thản tâm hồn.

Kết thúc hải trình, du thuyền sẽ cập bến tại Hòn Giếng. Ở đây chỉ có duy nhất gia đình chị Phạm Tô Thuỷ sinh sống với ba ruột, chồng và hai con.
Chị Thuỷ kể: Gia đình tui sống ở đây đã hơn 40 năm nay rồi. Trước vùng đảo này có nhiều gia đình, nhưng vì chiến tranh ác liệt họ chạy giặc hết chỉ còn ba tui bám trụ ở lại. Nhà tui đã chuyển... hòn vài ba bận, tới khi thấy qua hòn này sinh sống được mới ở lại, cất nhà ổn định. Anh Phan Tấn Tài – chồng của chị Thuỷ cho biết: Thu nhập chính của gia đình trước đây nhờ vào đánh bắt hải sản trên biển, chỉ tạm đủ sống qua ngày.

Cách đây gần 20 năm, ba vợ tui là người đầu tiên thử nuôi cá bống mú bằng bè trên biển, nghề này cho thu nhập khá. Hiện gia đình đang thả nuôi khoảng trên một thiên (1 ngàn con cá), mỗi năm trừ chi phí thu nhập cũng được khoảng 60 chục triệu đồng. Ngoài ra nhà tui còn trồng rừng phòng hộ theo hướng dẫn của Nhà nước, trồng các loại cây ăn trái như: dừa, xoài, thanh trà, mít... để tăng thêm thu nhập.

Vài năm nay, các công ty du lịch thường đưa ra khách ra tham quan nên cũng có thêm nguồn thu kha khá nữa, nhưng chủ yếu làm cho vui, vì ở đảo thiếu hơi người lắm ! "Nước sạch thì khoan giếng, còn điện thì chạy máy đèn (máy phát điện), nhưng chủ yếu để thắp sáng và xem tivi, còn quạt máy hoàn toàn không cần vì bốn bề gió lộng quanh năm, tối lạnh muốn chết" – anh Tài nói vui.

Tới nơi rồi, các bạn hãy thay đồ ngắn để lội xuống biển tự tay mình bắt Nhum, Cà Xịu lên ăn. Nhum là động vật biển, có gai đen tua tủa xung quanh, bạn phải dùng vợt để vớt. Vớt xong bạn sẽ sàng mạnh trong nước biển để gai Nhum gãy hết. Lúc này bạn sẽ vắt chanh ăn sống, hoặc nướng lên đều rất thơm ngon, nhưng khuyến cáo bạn nào yếu bụng không nên ăn nhiều vì sẽ dễ bị... "Tào Tháo rượt" lắm.

Cà Xịu là loài nhuyễn thể vỏ rất mỏng, điểm đặc biệt là có một phần cơ thể hình que dài thò ra ngoài cắm sâu xuống cát biển, dân địa phương nói vui là cái que đó dùng để làm ngoại giao. Nhổ Cà Xịu lên, không cần rửa gì hết, bạn cứ để nguyên như vậy ngâm nước mắm ngon cho thấm, sau đó trộn với rau răm, lá quế ăn vừa giòn, vừa thơm, vừa mằn mặn, ngòn ngọt, chỉ một lần bạn sẽ nhớ mãi. Ngoài ra, ở đây còn có nhiều loại ốc ăn rất ngon như: ốc voi, ốc vá, ốc vú nàng, ốc cờ, hàu sữa... Các loại cá, cua, ghẹ, tôm... cũng được gia đình chị Thuỷ cung cấp khá đầy đủ, giá cả chắc chắn rẻ hơn ở đất liền, lại rất tươi ngon.

Bãi biển Ba Hòn Đầm toàn sỏi lớn nhỏ, màu sắc khác nhau, bạn có thể lang thang hàng giờ để chọn cho mình những hòn sỏi hình dáng lạ mắt, màu sắc phong phú mang về trang trí chậu hoa, hoặc bồn cá trong nhà. Chiều xuống là lúc thuỷ triều thấp, bạn có thể đi bộ từ hòn này qua hòn kia thăm hỏi, tìm hiểu đời sống của 7 gia đình "Robinson" ở ba hòn.

Đáy biển nơi đây hết sỏi sẽ tới cát mịn, hoàn toàn không có sình nên rất sạch. Khi đi bạn nên báo cho gia đình chị Thuỷ biết để được hướng dẫn cẩn thận. Lúc nước cao nhất cũng chỉ ngang lưng quần, nên việc đi bộ vượt biển của người dân địa phương ở đây là chuyện thường ngày. Nếu sợ ướt đồ, thì họ sẽ lấy chiếc xuồng nhỏ bơi đi thăm hỏi, mời nhau bữa cơm, chén rượu lúc chiều tàn. Nhìn cuộc sống nơi đây các bạn sẽ ao ước có một ngày mình trở thành chúa đảo. Sống một cuộc đời giản dị, không hẳn tách biệt với thế giới bên ngoài, nhưng rất riêng tư và bình yên, thanh thản giữa thiên nhiên tinh khiết trong lành.

Tất cả những món ăn bạn đều có thể tự tay chế biến, có như vậy mới cảm nhận hết cái thú của một chuyến du lịch đến một nơi còn rất hoang sơ. Các bạn có thể phân công nhau mỗi người một việc, kẻ nướng hải sản, người lo lấy nước đá ngâm bia, người lo trải bạt ra bờ biển, chuẩn bị cho buổi tiệc ngoài trời. Bạn nên vui chơi cho thoả thích rồi hãy nhập tiệc vào lúc chiều muộn. Không thích dùng đèn điện thì các bạn có thể đốt một đống lửa nhỏ, như vậy sẽ rất ấm cúng. Nghỉ đêm đã có chủ nhà sắp xếp cho bạn, tất nhiên là ngủ bụi nhưng sẽ rất vui. Bên bờ biển còn có treo sẵn rất nhiều võng để các bạn ngả lưng ngắm hoàng hôn dần buông xuống, hay thả hồn theo những làn gió biển mặn mòi mà rất trong lành.

Sáng hôm sau bạn có thể thuê du thuyền đi vòng quanh quần đảo Bà Lụa tiếp tục ngắm cảnh. Nếu đã chán thì bạn còn chần chờ gì nữa mà không lên đường tiếp tục hành trình khám phá thắng cảnh của thị xã biên giới Hà Tiên. Đến Hà Tiên bạn có thể thăm lăng Mạc Cửu, chùa Tam Bảo, ra Mũi Nai đi xe trượt ống, ăn hải sản, thăm núi Đá Dựng, Thạch Động, thậm chí nếu thích đi nước ngoài thì các bạn có thể làm thủ tục tại cửa khẩu quốc tế Hà Tiên để sang nước bạn... Campuchia. Sau đó sẽ là hành trình trở về Rạch Giá, kết thúc hai ngày nghỉ cuối tuần đầy ấn tượng và thú vị.

Hiện nay Công ty Cổ phần Du lịch Kiên Giang cũng đã khai thác tour du lịch này. Nếu không tự tổ chức được, thì các bạn có thể tìm hiểu thông tin và đăng ký mua tour tại đây.

Du lịch, GO! - Theo báo Kiên Giang, ảnh internet

Link to full article

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét