Thứ Tư, 25 tháng 7, 2012

Món ăn dân dã Cà Mau

Nằm ở vùng ven biển cực Nam đất nước ta, Cà Mau từng là vùng rừng thiêng nước độc, không người sinh sống. Đến cuối thế kỷ 17, vùng đất này đã được bàn tay con người khai hoang mở cõi, đã trở thành vùng đất trù phú, dồi dào sản vật địa phương mà những vùng đất khác không thể sánh bằng.
Những món ăn của người Cà Mau cũng vì thế mà đặc biệt hơn, thú vị hơn, và đã nếm thử một lần thì khó có thể quên.

Gỏi nhộng ong

Món gỏi nhộng ong U Minh thì đúng là “đệ nhất” món ngon của Cà Mau. Nhộng ong U Minh nhiều và có vị bùi, béo ngậy, ngon không thể tả. Người thợ nhộng ong sau một ngày vất vả gác kèo lấy mật, chiều về thường mang theo một hai phần sáp đầy nhộng ong về.

Tổ nhộng ong nhúng vào nước sôi, lọc lấy nhộng ong sạch, là có thể chế biến hàng chục món ăn ngon như cháo nhộng ong, nhộng ong xào, nhộng ong trộn gỏi. Trong đó, món nhộng ong trộn gỏi khá được ưa chuộng vì có thể kết hợp vị ngon bùi của nhộng ong và vị thơm của các loại rau.

Nhộng ong sau khi làm sạch để riêng, phi chảo hành thật thơm rồi cho nhộng ong vào đảo đều, thêm chút gia vị nước mắm ngon, tiêu, chút đường cho đậm đà, rồi để riêng..

Bắp chuối non bào sợi thật mảnh, rửa qua nước loãng pha chút giấm rồi vắt ráo, trộn chung với nhộng ong. Đậu phộng giã nhỏ, chút hẹ và vài cong rau thơm xắt nhỏ, tất cả trộn đều chung, thêm chút nước mắm chua ngọt vào thì đã có một món ăn mà tất cả các vị thơm ngon ngọt béo bùi... hòa quyện.

Chuột đồng chiên sả ớt xứ Cà Mau thì khiến ai đi xa cũng nhớ mãi không thể nào quên. Chuột đồng ở Cà Mau khiến người nông dân đau đầu vì cắn phá mùa màng, nhưng những món ăn chế biến từ chuột đồng lại là những món ăn khoái khẩu mà người Cà Mau vô cùng yêu thích.

Chuột đồng chiên xả ớt

Người Cà Mau có thể chế biến chuột đồng thành nhiều món như chuột khìa, thịt chuột sấy khô, chuột chiên... nhưng món chuột chiên sả ớt là món ăn đưa cơm nhất, gây nghiện nhất, khiến nỗi nhớ quê của người đi xa càng thấm đẫm hơn.

Chuột đồng làm sạch để ráo nước, ướp với sả ớt bằm nhuyễn, rồi thêm muối, bột ngọt, nước mắm phải thật ngon, một chút đường cho vị dịu xuống. Đợt một lúc cho gia vị ngấm vào thịt chuột rồi mới đem chiên trên lửa riu riu, nhớ đảo đều để miếng thịt chuột chín đều và vàng ruộm là ngon.

Món này ăn với cơm gạo mới nấu thơm lừng thì không thể nào dừng được. Vừa đậm tình quê vừa ngon đến tận miếng cuối cùng, vừa ăn vừa xuýt xoa vừa hít hà vừa no căng bụng vừa tràn đầy tình yêu mến đối với đất Cà Mau.

Bồn bồn Cà Mau đã trở thành “thương hiệu” của ẩm thực Cà Mau, làm giàu thêm văn hóa ẩm thực của vùng đất này. Là một loại cây dại mọc trên ruộng, bồn bồn dần trở nên yêu thích đất phù sa Cà Mau mà phát triển ngày càng nhiều, trở thành người bạn thân thiết của nông dân Cà Mau.

Dọc theo những con đường từ thành phố Cà Mau dẫn về các huyện thị, bạn sẽ thấy những chòi lá đơn sơ nằm ven đường, hiền hòa che mưa che nắng cho người nông dân bán bồn bồn mọc lên từ đất của mình.

Bồn bồn tươi Cà Mau

Bồn bồn có thể chế biến thành rất nhiều món ăn như bồn bồn trộn gỏi, bồn bồn xào tôm, dưa bồn bồn chấm cá kho tộ, hoặc có khi ăn tươi như một loại rau. Người Cà Mau tự hào rằng bồn bồn là một loại rau sạch, lớn lên từ phù sa nên chẳng có loại hóa chất nào có thể chạm tới, thành ra ăn tươi thì cứ tận hưởng vị ngọt và giòn rụm của loại rau này mà chẳng cần ngại ngần gì.

Dưa bồn bồn có thể là món ăn được yêu thích nhất của người địa phương cũng như của khách phương xa đến với Cà Mau. Bồn bồn bóc vỏ, lấy phần củ hũ và thân non ra, ngâm với nước muối có pha gia vị, sau một tuần hoặc 10 ngày là đã có món dưa bồn bồn ngon không thể tả rồi.

Dưa bồn bồn ăn với các loại cá đồng kho tộ thật keo, thật đậm đà thì “đưa cơm” lắm, hết đũa này đến đũa kia, và này rồi và kia mà không thể dừng, thế mới hay miếng ngon quê nhà đâu chỉ là sơn hào hải vị, nhiều khi chỉ là những món ăn dân dã, gắn liền với quê hương xứ sở của mình.

HUỲNH THU DUNG

Link to full article

Lễ hội khinh khí cầu tại Bình Thuận

Lễ hội khinh khí cầu đầu tiên tại Việt Nam sẽ được tổ chức tại Bình Thuận từ ngày 29-8 đến 3-9. Đó là thông tin được công bố tại cuộc họp báo diễn ra ngày 17-7 tại Hà Nội.

Quy mô lễ hội khinh khí cầu sẽ tương đương lễ hội được tổ chức tại các nước Đông Nam Á. Sẽ có 50 phi công và chuyên gia khinh khí cầu quốc tế đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Hà Lan, Bỉ, Pháp, Thụy Sĩ, Đức, Anh, Thái Lan, Hong Kong... và chủ nhà Việt Nam.

Theo ban tổ chức, cuộc đua của hơn 20 khinh khí cầu trên quãng đường bay 19km sẽ tạo nên một bữa tiệc lộng lẫy, hoành tráng và ngoạn mục trên bầu trời Bình Thuận. Du khách cũng có thể tham gia bay cùng khinh khí cầu ở độ cao 50m trong thời gian diễn ra lễ hội.

< Kiểm tra lại hệ thống dây bên trong khí cầu trong lúc thổi hơi vào.

Ngoài tâm điểm là cuộc trình diễn của các khinh khí cầu, trong khuôn khổ lễ hội còn diễn ra những màn biểu diễn của các thiết bị bay như dù lượn, máy bay cánh vải, máy bay mô hình, thả diều truyền thống...

< Đốt hơi gas tạo nhiệt kết hợp thổi gió để khinh khí cầu nở tròn và bay đứng lên.

< Đội tiếp ứng kéo khinh khí cầu đến nơi an toàn hơn để thu gom.

Một trong những điểm nhấn của lễ hội là đêm đại tiệc hoa đăng mừng lễ Quốc khánh vào tối 2-9, khi tất cả hơn 20 khí cầu khổng lồ như tòa nhà 5-6 tầng được dựng trên sân và kết thúc bằng màn pháo hoa lung linh rực rỡ.

Con dông được chọn làm linh vật và quả thanh long - đặc sản nổi tiếng của Bình Thuận - được chọn làm biểu trưng (logo) cho lễ hội.

Hồi hộp bay với khinh khí cầu

< Khí cầu nhẹ nhàng bay dọc theo đường 706B, một cảm giác lâng lâng trên độ cao 100m.

Sau nhiều ngày nằm chờ tránh những cơn mưa ở khu vực Bình Thuận đầu tháng 7, cuối cùng nhóm khảo sát chọn đường bay cho lễ hội Khinh khí cầu quốc tế VN lần thứ nhất tại Bình Thuận đã có thể ”cất cánh” thử nghiệm.
Nhóm do phi công Malaysia Mohammad Sabri Saad (được ban tổ chức mời tham gia bay khảo sát) điều khiển.

< Khinh khí cầu trong tình trạng bay treo.

Mohammad nói bay khinh khí cầu là môn thể thao mạo hiểm, là cuộc chơi kịch tính đòi hỏi tính kiên nhẫn, khéo léo, sức khỏe cũng như sự nhanh nhạy... Để được ngồi trên giỏ mây bay tự do trên bầu trời, ngoài việc được cấp phép bay (lần đầu tiên tại VN, khinh khí cầu được phép bay tự do - trước đây chỉ được bay treo) phi công phải biết đợi tốc độ gió từ 7km đến dưới 26km/giờ, canh hướng gió để có thể đáp xuống khu vực an toàn tránh va vào nhà dân, đường điện cao thế...

< Phi công Mohammad chuẩn bị kéo dây nóc khinh khí cầu để tiếp đất.

Bắt đầu từ 5g sáng, khi nhiệt độ ngoài trời còn thấp, êkip bay đã ra bãi để chuẩn bị dọn chỗ cho khinh khí cầu bay. Rồi quả bóng khí cầu được dựng lên, phi công dùng máy đo tốc độ gió, xem hướng gió để quyết định bay tự do, bay treo hay... dọn đồ về. Có lần mọi việc đã sẵn sàng chỉ cần kéo van gas là bay lên, nhưng chuyến bay phải hủy vì gió đổi hướng liên tục, hoặc gió chuyển hướng tây - đông thổi khinh khí cầu ra biển - là nơi không có chỗ đáp!

< Thu gom khinh khí cầu sau khi tiếp đất.

Được lệnh bay, người phụ lái ở dưới đất tháo dây neo ra, giỏ mây chở ba người từ từ bay lên cao trong lúc phi công liên tục mở gas đốt khí. Đồng hồ độ cao nhích lên từng con số dao động từ 80-100m.

< Phi công Malaysia và êkip bay khảo sát khu vực trình diễn khinh khí cầu bay tại TP Phan Thiết vào ngày 13-7.

Ấn tượng nhất là đáp xuống, phi công quan sát thấy dưới đất đủ điều kiện cho phép mới hạ độ cao.

Tùy hướng gió nên khu vực chọn bãi đáp sẽ thay đổi, khi thì phải hãm đà bay bằng cách cho giỏ mây va chạm với ngọn dương, khi thì cho “tưng tưng” dưới những đụn cát hoặc kéo cày một đường trên bãi cỏ của sân golf.

Lễ hội dự kiến quy tụ hơn 50 phi công và chuyên gia khinh khí cầu quốc tế đến từ mười quốc gia và vùng lãnh thổ. Tất cả sẽ tham gia bay trên bầu trời Phan Thiết.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ TTO

Link to full article

Những vần thơ cho ngày 27/7

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Hình ảnh cha và con người thương binh ấy rất giản dị qua lời tâm sự của họ gợi cho chúng ta niềm cảm thông, chia sẻ và cảm phục, đồng thời đặt lòng tin vào thế hệ trẻ hôm nay, trước tình cảm và trách nhiệm của họ đối với Tổ quốc, với nhân dân.

(ICTPress) - “Những điều con nghĩ về cha” là bài thơ do nhà báo Trần Bình Tám viết và đọc tặng trong buổi gặp mặt các cựu chiến binh đoàn đặc công 429 anh hùng tại Hà Nội cuối tháng 5 vừa qua.

Nhân vật cha và con trong bài thơ chính là Cựu chiến binh Lương Minh Suốt của đoàn 429, ông nguyên là Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, Hà Nội, hiện đã nghỉ hưu nhưng vẫn rất hăng hái tham gia các hoạt động xã hội mặc dù tuổi đã cao và chân đã yếu…

Hình ảnh cha và con người thương binh ấy rất giản dị qua lời tâm sự của họ gợi cho chúng ta niềm cảm thông, chia sẻ và cảm phục, đồng thời đặt lòng tin vào thế hệ trẻ hôm nay, trước tình cảm và trách nhiệm của họ đối với Tổ quốc, với nhân dân.

Nhân kỷ niệm 65 năm ngày thương binh liệt sỹ 27/7/1947 - 27/7/2012, ICTPress giới thiệu bài thơ này cùng bạn đọc.

 Những điều con nghĩ về cha

Con không nói nhưng nhiều lần bật khóc

Nhìn cha ngồi xỏ ống chiếc quần xanh

Đôi bàn tay thao tác rất nhanh

Nhưng đứng dậy - chân cha còn có một

 

Nhớ ngày nào có lần con sốt

Mẹ đi làm, cha tập tễnh ôm con

Trạm xá xa, cha vượt lối mòn

Những giọt đắng cay nhỏ theo nhịp bước

 

Chiếc nạng tre đỡ cha làm thước

Như đo lòng che chở đời con

Cha chắt chiu qua từng vết chân tròn

Vất vả lắm để nuôi con khôn lớn

 

Giờ con ngồi đây, cao rộng giảng đường

Tiếp thu ngày đêm vô vàn kiến thức

Con kịp nhận ra một điều chân thực

Từ bước gập ghềnh, mỗi mét đất cha đi

 

Chiếc chân giả kia là của lương tri

Nhân loại oán cuộc chiến tranh tàn ác

Chiếc nạng cũ và mái đầu cha bạc

Đổi cho con khúc hát, nụ cười

 

Hình ảnh cha đẹp mãi tuổi đôi mươi

Lời cha khuyên phải biết sống làm người

Chân cha thiếu, nhưng lòng cha không thiếu

Gỗ, tre gì - chân thật mới là chân…

 

Nước mắt người còn sống

 Đồng đội nắm tay,

nói tôi đừng khóc

Chuyện cũ qua rồi, cái đêm 40 năm về trước

Dưới chân đồi không tên

Anh nói

Đừng chết, phí đời

hãy sống để về,

Vợ mày đang đẹp lắm em ơi!

 

Đêm miền đông sao sáng đầy trời

Đồng đội bên nhau chờ tin xuất kích

Khoảng trời chung giữa ta với địch

Nhỏ nhoi như một mái nhà…

Người lính già giữa chiến trường xa

Coi tiểu đội mười người như một

Thằng Chiến bị thương, thằng Nam bị sốt

Đêm công đồn vẫn bật dậy, đòi đi

 

Giờ anh nằm đây, dưới bóng quân kỳ

Sắc thắm đỏ kia có màu hồng của máu

Của cha, của anh, của muôn đời con cháu

Giữ vững bền cho đất mẹ Việt Nam…

 Trần Bình Tám

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Link to full article

Hai ngày khám phá Cù Lao Câu

Nhìn từ đất liền, Cù Lao Câu như một chiến hạm bằng đá, đủ các hình khối kỳ lạ. Nước trong nhìn thấy đáy, cá lội nhởn nhơ.

Đắm mình trong vẻ đẹp hoang sơ của Cù Lao Câu - hòn đảo ở xã Phước Thể, cách Phan Thiết 100km - sẽ là một niềm vui không nhỏ với những người thích khám phá.

< Cù lao Câu như một chiến hạm giữa biển.

Bơ vơ ga Mường Mán

Chuyến đi không hẹn trước, không dự định, không kế hoạch, chỉ là tình cờ nghe tin có 28 bạn phượt Sài Gòn đang tiến về Phan Thiết để ra đảo Cù Lao Câu, thế là con tim tôi đã đủ xốn xao, rạo rực. Không kìm nén được nữa.

Chỉ mấy cú điện thoại kết nối, cô bạn Nha Trang đã kiếm được hai chàng xế trong đoàn Sài Gòn đó; và thế là không hẹn mà đến, Cù Lao Câu ơi, đi ngay đây! Ga tàu Nha Trang bé nhỏ, ngó vào trong, thấy một căn phòng chật hẹp đã đông người.

Nắng tháng Tư vậy mà đã cháy da thịt, cho dù ở nơi này có gió biển dội về. Đã quá lâu, tôi mới lại có cảm giác đi tàu.

Những chuyến tàu bao giờ cũng mang cảm giác buồn buồn vì tôi nhớ tới các cuộc chia ly trong bài thơ “Những bóng người trên sân ga”. Hơn nữa, vẻ cũ kỹ, xô bồ và mệt mỏi nơi bến tàu bến xe cũng là những vẻ thật nhất của cuộc sống, rất hay làm cho tôi thấy nao nao.

Tàu đã chuyển bánh. Tôi nhìn qua cửa tàu, cố gắng xem người Nha Trang trồng lúa ở đâu. Khi tàu đi qua những cánh đồng, vào buổi chiều tà, tiếng côn trùng kêu rỉ rả khiến tôi tưởng như tiếng ve kêu rầm rĩ trong những buổi trưa vắng của Hà Nội.

10 giờ đêm, chúng tôi tới ga Mường Mán, Phan Thiết. Cái tên Mường Mán tôi đã nghe từ thuở xa lắc xa lơ nào, từ tên của nhà văn Mường Mán và đến giờ, nửa đêm, chỉ còn hai cô gái đứng bơ vơ trên sân ga.

Đoàn còn đang mải chơi trên một bờ biển nào đó, không ai ra đón, tất nhiên rồi, chuyện thường thôi. Chúng tôi nhờ người gọi xe taxi, cũng phải đến 15 phút xe mới đến.

Từ đây vào đến khách sạn trung tâm dễ gần 15km, chúng tôi nhờ người bán hàng nước gọi giùm chiếc taxi Mai Linh. Đi tàu hỏa hết 90.000 mà đi taxi đến khách sạn hết gần 200.000. Thật là...!

Chòng chành thuyền thúng

Sau buổi đêm làm quen với nhau và nằm trên chiếc giường khá sạch sẽ, chung phòng với 10 cô gái, tôi đã dần dần quen với khái niệm du nhập cùng một đoàn phượt đông người. 5 giờ sáng, các cô gái Sài Gòn í ới gọi nhau. Đoàn bắt đầu lên đường sau khi chuyền tay nhau những cốc cà phê đen đá cho đỡ buồn ngủ.

Một buổi sáng khá hoàn hảo, tôi thầm nghĩ. Hai đứa tôi bắt tay làm quen với hai chàng xế. Trông khá bảnh. Ổn. Chỉ còn giải quyết chiếc mũ bảo hiểm của tôi bằng cách đi mua mũ của một ông xe ôm đang chờ khách ven đường. Chặng đường đi xe máy từ Phan Thiết chỉ còn 100km về hướng Đông Bắc.

Dọc đường đi, xế Bảo Anh chỉ cho tôi thấy những cánh đồng thanh long. Trong nắng sớm, những rặng thanh long trải dài lấp lánh. Đẹp, và bình yên.

Đã đến trung tâm xã Phước Thể, chúng tôi dừng lại để lấy đồ đạc và những chiếc phao đã được bạn thuê từ trước. Để ra được tới chiếc tàu to, mọi người phải dùng phương tiện thuyền thúng. Đây quả là một thử thách không nhỏ.

Nhiều người nhìn chiếc thuyền thúng chao đảo đã chóng mặt. Mặc áo phao vào, các cô nương được ngư dân đưa từng cô một lên thuyền thúng. Tất nhiên là không tránh khỏi sự la hét. Nhưng rồi cũng xong.

Cảm giác chòng chành khi ngồi trên thuyền thúng và nhìn người lái thuyền sử dụng mái chèo, chèo hình tròn rất lạ lẫm, vừa tò mò, vừa sợ hãi, lại vừa thích thú. Nếm thử các cảm giác, trải nghiệm với tất cả những gì có thể xảy ra, nếu chuẩn bị tinh thần như vậy, bạn sẽ chẳng quá ngại ngần.

Từ thuyền thúng để lên được tàu to, lại phải nhờ các bạn trai và ngư dân kéo lên. Đoàn chúng tôi chia làm hai tàu, rẽ sóng khoảng 40 phút, đã thấy đảo Cù Lao Câu phía trước.

“Cô độc quán”

Cù Lao Câu có chiều dài 1.500m, chiều rộng 700m, nơi cao nhất 7m. Người ta bảo nhìn từ đất liền, đảo như một chiếc chiến hạm bằng đá. Đảo toàn đá, đủ các hình khối rất kỳ lạ và đẹp. Nước trong văn vắt nhìn thấy đáy, cá lội nhởn nhơ trông rõ thanh bình.

Người lái tàu chờ chúng tôi xuống hết, vẫn đỗ sát bờ biển, anh từ tốn thả lưới rồi kéo lên. Chẳng phải đi đâu quá xa, chỉ ngay sát bờ với chiếc lưới đơn giản cũng tóm được ối cá.

Buổi chiều trên Cù Lao Câu mới sung sướng làm sao. Trời ơi, cứ như mình đang ở một thế giới khác. Mây mùa hè trắng bồng bềnh trên nền xanh. Những bông lau trắng cao hơn đầu người phất phơ trong gió. Trời cao lồng lộng, và biển xanh ngắt lăn tăn rì rào dịu êm.

Lang thang trên bãi biển, chúng tôi gặp một quán nước, về sau mới biết, những người khách đến trước đã gọi nó là “Cô độc quán”. Quán do lão Hữu - một ngư dân nhiều đời ở xã Phước Thể, gắn bó với đảo - lập ra. Mùa gió, nước nổi, quán bị dẹp lại, chờ đến mùa nước lặng, quán lại được dựng lên để phục vụ ngư dân qua lại uống miếng nước, ăn chút quà vặt. Gần đây, có khách du lịch nên quán còn thêm chức năng phục vụ các nhu cầu của khách như nằm võng, ẩm thực hải sản, tắm nước ngọt.

Lão Hữu là một người rất tâm huyết với đảo. Lão ước mong nơi này mau trở thành khu du lịch sinh thái, để cho đảo đẹp hơn, và người dân cũng nhờ thế mà thay đổi được cuộc sống. Rồi lão đọc thơ cho mọi người nghe.

Buổi chiều nằm đong đưa võng, chân trần chạm cát, gió biển thoảng qua, tiếng thơ của lão bập bõm mà tôi bỗng nghĩ vẩn vơ, chẳng biết cái ước mơ Cù Lao Câu trở thành khu du lịch sinh thái thì “Cô độc quán” có chỗ để tồn tại không nhỉ?

Yoga trên bờ biển

Đêm, chúng tôi đốt lửa bên bờ biển, làm món BBQ, và nô đùa. Những chiếc lều của dân du lịch được căng lên. Thế là tôi đã được ngủ qua đêm ngay sát biển. Một chút lo lắng về thủy triều. Lỡ đêm đang ngủ, thủy triều dâng lên thì sao? Không lo, các bạn đã tính kỹ hết rồi... Tôi thiếp đi cùng những người bạn, trong tiếng sóng mơ hồ đâu đây nhưng giấc ngủ vẫn khá êm đềm.

Đêm ở biển sao ngắn vậy. Chẳng mấy chốc, trời đã sáng. Mọi người rủ nhau dậy đi ngắm bình minh. Riêng tôi, ngồi ngái ngủ trên bờ biển làm cho tôi thấy mình sung sướng biết chừng nào.

Ngồi một mình với biển rộng mênh mông, không còn chỗ cho cảm giác cô đơn, mà chỉ là đắm chìm cùng vẻ đẹp của thiên nhiên. Bất ngờ tôi nhìn thấy đôi bạn trẻ đang tập yoga bên bờ biển, dưới ánh sáng nhiệm màu của nắng sớm, họ cùng hát câu “Baba nam, kevalam”. Họ thật biết hưởng thụ cuộc sống!

Du lịch, GO! - Theo Đẹp/Vietnam+ và nhiều nguồn khác

Link to full article

Hùng vĩ rừng núi Tương Dương

Nằm ở miền núi phía Tây Nghệ An, sát biên giới Lào, huyện Tương Dương được biết đến với phong cảnh sông núi hùng vĩ và những cánh rừng nguyên sinh rậm rạp. Huyện cũng là một trong những địa phương được UNESCO đưa vào danh sách Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An nhờ có một phần diện tích khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và rừng quốc gia Pù Mát.

Xưa kia miền núi non này vốn thuộc lãnh thổ của vương quốc Bồn Man, đến cuối thế kỷ XV mới sát nhập vào Đại Việt.
Giao thông ở Tương Dương trước đây rất khó khăn, ngoài quốc lộ 7 nối với thành phố Vinh, việc đi lại trong huyện chủ yếu là bằng đường rừng hoặc xuôi ngược trên sông Lam. Hiện nay, tỉnh lộ 487 nối liền quốc lộ 7A và quốc lộ 48 đã phần nào giúp Tương Dương kết nối với các địa phương khác dễ dàng hơn.

Vài năm gần đây, khi phong trào du lịch khám phá ngày càng sôi nổi, Tương Dương thu hút khá nhiều du khách nhờ các cánh rừng săng lẻ, rừng cây lùn, nhiều thác và hang động đẹp.

Ngoài ra nơi đây còn có hồ thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố rộng lớn tạo nên rất nhiều ốc đảo và luồng lạch với làn nước trong xanh dịu mát. Trên chiếc thuyền nhỏ rẽ sóng trên sông nước, du khách sẽ được hoàn toàn trở về cùng thiên nhiên. Hai bên bờ cây cối rậm rạp đậm vẻ hoang sơ, điểm xuyết những màu sắc sặc sỡ của các loài phong lan, xa xa là những dãy núi đá vôi hùng vĩ.

Có hơn 90% dân số là người Thái, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu, Tày Poọng, đời sống - văn hóa Tương Dương mang nhiều nét đặc trưng thú vị. Huyền còn lưu giữ được một số bản Thái với những phong tục cổ truyền đặc sắc như bản Chắn, bản Mác, bản Cây Me, bản Nhặn, bản Phòng.

Người dân ở đây vẫn lưu giữ được nhà ở, công cụ lao động, vật dụng sinh hoạt truyền thống và các nghệ thuật biểu diễn, phong tục, tín ngưỡng, lễ hội từ xa xưa.

Du khách đến đây sẽ được thưởng thức nhiều món ăn chế biến từ sản vật địa phương như cá lăng, cá mát, gà ác, lợn đen và các loại rau quả như cà ngọt, măng đắng, khoai sọ, bí xanh... mang đậm hương vị đặc trưng của núi rừng.

Về di tích gắn với không gian văn hóa lễ hội, Tương Dương có Đền Vạn - Cửa Rào thờ Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài và Tam tòa Thánh Mẫu. Lễ hội Đền Vạn - Cửa Rào dịp đầu xuân hằng năm là nét đẹp văn hóa truyền thống các dân tộc Tương Dương, thu hút đông đảo du khách gần xa.

Ngoài Đền Vạn - Cửa Rào còn có đền Pàng, đền thờ Lý Nhật Quang ở xã Tam Quang. Lễ hội đền Quả Sơn là lễ hội vùng lớn vào loại bậc nhất ở Nghệ An. Lễ hội được diễn ra trong ba ngày 19, 20 và 21 tháng Giêng Âm lịch hằng năm để tưởng nhớ tới công đức của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang - vị danh tướng của vương triều Lý đã có công lớn với đất nước vào đầu thế kỷ XI.

Đã có nhiều người vượt 200km từ Vinh đến đây chỉ để ngắm rừng chiều và ăn bữa cơm mang hương vị miền núi cao. Có lẽ niềm vui giản dị ấy là trải nghiệm đáng nhớ nên ngày càng nhiều người tìm đến Tương Dương để được trở về với thiên nhiên hoang dã.

Du lịch, GO! - Theo  DNSGCT, internet

Link to full article

Chả dông xứ Nẫu

Xếp vào hàng đệ nhất các món ngon trên dải đất miền Trung nắng gió, không thể không nhắc đến món chả dông, một đặc sản của vùng biển cát Tuy Hoà.

< Con dông.

Xứ Nẫu (Phú Yên) nằm giữa hai đèo Cù Mông và đèo Cả. Hẹp nhưng bù lại nơi đây có đồng lúa Tuy Hoà rộng lớn xanh tốt, bát ngát nhất miền Trung. Có bờ biển chạy dài nối thôn xóm với những bãi cát mịn trắng đẹp, nhiều bãi thuyền ghe tấp nập.
Đặc điểm địa lý của một vùng đất trũng, phì nhiêu như vậy nên nơi đây có nhiều món đồng quê thơm ngon như rô đồng, sò, hàu… được nhiều người biết đến.


Và như lẽ tự nhiên, cảm giác lần ăn ngon nhớ đời đầu tiên món chả dông đó đã thôi thúc tôi tìm hiểu về nguồn gốc, cách chế biến của món đặc trưng này. Theo những người có kinh nghiệm bắt dông lâu năm, hình thù con dông như con kỳ nhông nhưng lớn chỉ độ ngón chân cái, sống nhiều ở vùng đất cát dọc bờ biển Phú Yên.

Thời điểm cuối xuân đầu hè con dông đến mùa sinh sản nên con nào con nấy mập, nhiều thịt. Để bắt, người đào dông phải đi từ rất sớm đến vùng cát, tìm hang đào bắt, hoặc có thể đặt bẫy, nhưng cách này không nhiều bằng đào trực tiếp. Mùa này, một người đào mỗi ngày trung bình được vài ký, người săn chuyên nghiệp được nhiều hơn và thường bỏ lại cho các quán xá.

Hiện nay, tại thành phố Tuy Hoà, số lượng quán bán chả dông rất nhiều, đặc biệt quán nào cũng ngon, cũng đặc trưng mùi dông xứ Nẫu. Con dông còn sống, rửa sạch, chặt đầu, dùng dao rạch một đường giữa bụng từ cổ xuống đuôi rồi lột da, rứt bỏ bộ lòng, chặt bớt đuôi và bốn bàn chân. Khâu này khá quan trọng trong cả quá trình chế biến, vì không cho thịt dông dính đất cát, không được rửa dông bằng nước lạnh để khỏi tanh.

Làm xong, bằm thịt dông thật nhuyễn hoặc dùng cối xay cùng các gia vị như tiêu, ớt, hành, tỏi, dầu ăn, sau đó trộn thịt dông đã xay cùng với một ít nấm mèo và bún khô bóp đều. Nếu thích nướng hoặc nấu cháo, canh thì cứ để nguyên phần thịt dông đã xay chế biến nấu nướng riêng. Nếu làm chả, dùng bánh tráng mỏng cuốn thịt đã chuẩn bị trên thành những cuốn bằng ngón tay cái, rồi bỏ vào chảo dầu chiên.

Chả dông ăn kèm rau sống, dưa leo xắt mỏng; một chén nước mắm ngon pha ớt – tỏi – chanh – đường, đậu phộng rang giã nhuyễn và bánh tráng nhúng nước. Có thể ăn riêng chả dông hoặc ngon hơn là dùng bánh tráng nhúng cuốn cả miếng chả dông chiên giòn với rau sống, dưa leo chấm ăn một cách say sưa.

Những chiều hè dạo phố, ngồi bên bờ biển Tuy Hoà lộng gió thưởng thức món chả dông xứ biển này, nghe sóng vỗ thật… mê hồn trận. Vậy người xưa mới có câu: “Công danh không bằng… canh dông!”

Du lịch, GO! - Theo Mỹ Tuyết (SGTT), internet

Link to full article

Đi chơi chợ Thụt

Theo thông lệ, đúng ngày 2-2 âm lịch hằng năm, bà con khắp nơi lại nô nức kéo nhau về thôn Thụt, xã Phù Lưu (Hàm Yên, Tuyên Quang) để dự “phiên chợ mỗi năm chỉ có một lần”.

Trong dòng người tấp nập ấy, những bộ váy, áo trang phục truyền thống của người Dao, người Tày, người Mông hòa quyện tạo nên một bức tranh quê mộc mạc và sinh động giữa miền sơn cước.

Các sản phẩm thổ cẩm được bày bán tại chợ

Ông Khổng Xuân Lộc (thôn Niểu, xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên), cán bộ lão thành năm nay đã gần 80 tuổi, kể: “Phiên chợ bắt nguồn từ hội ném còn dầu năm (dân tộc Tày gọi là lồng tồng), cầu cho mưa thuận gió hòa, dân cư an lạc. Ông nội tôi bảo khi ông lớn lên đã thấy có chợ Thụt rồi".

Chợ Thụt họp trên con đê kéo dài gần 1km với đủ các mặt hàng bày bán: váy, áo thổ cẩm, đồ trang sức, dao, liềm và đủ các loại bánh… Nét độc đáo của phiên chợ là “người mua không mặc cả, người bán không nói thách”, họ “bán điều rủi, mua điều may” nên bất kể ai đến chợ đều mua một thứ gì đó.

Bà Vi Thị Vàng, 90 tuổi, dân tộc Dao, thôn Khau Lình, xã Phù Lưu, cho biết: “Tôi chưa bỏ phiên chợ Thụt nào. Cũng nhờ phiên chợ này mà tôi gặp ông nhà tôi, rồi nên duyên vợ chồng. Ông ấy đã mất được gần 20 năm nay để lại mình tôi và cả cả đàn cháu chắt. Chân tay giờ đã lóng ngòng lắm rồi nhưng hôm nay tôi vẫn nhờ đứa chắt dẫn cùng đi chơi chợ. Tôi muốn tự tay chọn mua một cái cuốc hay một con dao để mong cho cả gia đình đạt bội thu trong năm”.

Không chỉ là nơi để bà con mua các nông, các vật dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống hằng ngày, đây còn là cơ hội để các chàng trai, cô gái Dao, Tày, Mông đến hò hẹn, ca hát và kết thành đôi lứa.

Chàng trai Mông Thào Seo Xuân, thị trấn Vĩnh Tụy, huyện Bắc Quang (Hà Giang), tâm sự: "Mình cùng các bạn xuống chợ chơi với mong ước tìm được người yêu. Năm nay chưa tìm được người yêu nhưng năm tới mình cũng sẽ tiếp tục xuống chợ. Chợ đông vui lắm! Chẳng ai chen lấn, xô đẩy cả. Đi chợ Thụt cứ vui như đi trẩy hội vậy!".

Thiếu nữ Dao thôn Khau Lình, xã Phù Lưu (Hàm Yên, Tuyên Quang) chuẩn bị trang phục đi chơi chợ Thụt

Các gian hàng bán hàng nông cụ và vật dụng gia đình

Một gian hàng bán sách báo và đồ thủ công mỹ nghệ

và bà Vi Thị Vàng chọn mua nông cụ tại chợ

Niềm vui đi chợ Thụt về…

 MINH KỲ

Link to full article

Thăm làng mộc An Thành

Chúng tôi về làng An Thành (xã Minh Đức, Mỹ Hào, Hưng Yên) trong một ngày đầu hạ. Khác với mường tượng ban đầu, một làng quê bình dị hiện lên trong tiếng chạm trổ lách cách, tiếng nói cười từ những xưởng mộc.

Chạm trổ hoa văn trên gỗ đòi hỏi sự khéo léo của đôi tay người thợ

Vùng đất Bắc nổi danh với những ngôi làng mộc hàng trăm năm tuổi. Nhiều cái tên làng quê đã đi vào công nghiệp hóa và được coi là thương hiệu lớn như làng Đồng Kỵ (Bắc Ninh), hay Đông Giao (Hải Dương). Ít ai biết vùng đông bắc Hưng Yên cũng có làng An Thành - nơi được xem như một xưởng mộc tập thể, mỗi hộ gia đình là một khâu, một “nhịp” trước khi cho ra đời những sản phẩm đầy thần sắc.

Lớn lên từ mùi gỗ

Không có nhiều cửa hàng trưng bày sản phẩm, cũng không tấp nập xe đưa đón chở hàng.

“Rồng bay, cá lội, hoa nhành/ Nghề xưa hãy nhớ An Thành quê hương”, câu thơ vẫn được các thế hệ người làng nhắc nhau khi nói về nghề mộc của quê hương An Thành. Và nếu muốn chiêm ngưỡng những mảnh gỗ với bao thần sắc riêng, bạn có thể xuôi theo quốc lộ 5 Hà Nội đi Hải Phòng, khoảng 35km để về làng gỗ truyền thống An Thành.
 
Theo người dân làng An Thành, nghề mộc ở làng manh nha từ những năm cuối thế kỷ 19 khi nghề làm nông cụ (cày, bừa) được phát triển rộng rãi khắp vùng đông bắc Hải Hưng xưa. Ở làng An Thành chỉ có hai dòng họ chính là Nguyễn Văn và Phạm Đình. Khi nghề làm nông cụ không còn thịnh hành, những thợ tay nghề cao của hai dòng họ đã đi làm thuê ở các vùng xa. Sau đó, họ du nhập cách chạm con giống, đục bình hoa, pho tượng… và trở về truyền nghề cho cả dân làng.

Ngày nay, đình làng An Thành vẫn lưu giữ pho tượng gỗ được chạm khắc từ hàng trăm năm với những họa tiết còn thô sơ, đơn giản. Đó được xem là những sản phẩm gỗ thủ công “đầu tay” của người làng, bắt đầu cho việc chuyển đổi từ nghề làm nông cụ sang nghề mộc mỹ nghệ.

Nhờ sự kiên trì tiếp thu và tìm ra nét riêng từ tinh hoa nghề mộc, với tình đoàn kết qua nhiều đời, người dân An Thành tự hào vì nghề thủ công này đã phát triển, là nguồn sống của bao thế hệ dân làng, trở thành nét văn hóa truyền thống đầy tự hào của vùng.

Con đường quê nhỏ nhắn, bình dị dẫn đến làng gỗ An Thành

Làng An Thành không có nhiều cửa hàng trưng bày sản phẩm, những sản phẩm hoàn thiện như thế này sẽ được các chủ buôn tới tận nơi nhập hoặc đặt hàng từ trước

Làng mộc - xưởng mộc

Với người làng An Thành, nói nghề mộc là một nghề kiếm sống cũng đúng, mà là một “duyên nợ truyền đời” cũng phải. Lớp sau kế lớp trước, trẻ con làng cứ lớn lên trong mùi gỗ thơm, tiếng ru xen lẫn tiếng đục chạm lách cách, đủ tuổi thì bắt đầu học những việc nhỏ phụ trong xưởng. Người lớn trong làng thì coi nghề này như một mặc định, “một là học giỏi đi xa, hai là theo mãi nghề này mà thôi".

Gần như cả làng An Thành theo nghề mộc. Những nhà có điều kiện thì mở xưởng, còn lại thì đi làm thuê. Khác với nhiều làng gỗ dân dụng, sản phẩm của làng An Thành thiên về mỹ nghệ trưng bày như lục bình, tranh, tượng gỗ, trụ gỗ mỹ nghệ, và đặc biệt là con giống (những con vật như long phụng, nghê, hổ, lợn, chim… được tạo nên từ gỗ với sắc thái rất riêng).

Cả làng An Thành có đến vài chục xưởng mộc, nhưng được bao quát thành một xưởng mộc lớn. Những phiến gỗ được chuyển theo từng ngõ xóm đến các xưởng, mỗi xưởng một khâu, hoàn thiện để tạo nên “cái hồn” của mỗi sản phẩm.

Người thợ chăm chỉ đục đẽo thớ gỗ để tạo dáng cho sản phẩm

Ở An Thành, trẻ con lớn lên trong tiếng chạm khắc, trong mùi thơm của gỗ, nhiều em có năng khiếu đã xin theo học nghề và phụ giúp gia đình từ khi còn tuổi đi học

“Mỗi sản phẩm của làng được làm qua rất nhiều bàn tay thợ, nó như một dây chuyền “chuyên môn hoá”. Ví dụ để tạo nên một pho tượng họa tiết đầy đủ phải cần một xưởng xẻ gỗ, một xưởng tạc gỗ, một xưởng đục chạm, và cuối cùng là việc hoàn thiện đầy nét tỉ mỉ" - ông Phạm Đình Kỳ, người chủ của xưởng xẻ gỗ lớn của làng, cho hay.

Sản xuất dây chuyền kéo theo chuyên môn hóa. Người thợ ở làng thường chỉ học nghề ở một công đoạn, và suốt tuổi nghề họ chỉ tập trung làm tốt công việc ấy. Dường như câu nói dân gian “một nghề thì sống, đống nghề thì chết” luôn được người làng An Thành tâm niệm qua bao thế hệ.

Và ngắm những sản phẩm tinh xảo nhiều đường nét phác lên từ đôi tay thoăn thoắt của những người thợ An Thành mới thấy hết nét tài hoa của người dân nơi đây. Từ những miếng gỗ thô sơ, không cần bản vẽ, chỉ bằng cách mường tượng, những sản phẩm có hồn với họa tiết sinh động được tạo nên từ những đôi tay nhỏ nhắn…

Sự khéo léo của đôi tay người thợ

Những chú heo gỗ độc đáo được tạo ra từ bàn tay người thợ làng An Thành

NGUYỄN DỊU - TIẾN THÀNH

Link to full article